Thuyết "lâu đài trên cát" trong đầu tư
Hình ảnh minh họa: Blogs.cranfield
Ông John Maynard Keynes, nhà kinh tế học nổi tiếng và là nhà đầu tư thành công, đã phát biểu thuyết này rõ ràng nhất vào năm 1936. Theo quan điểm của ông, các nhà đầu tư chuyên nghiệp không thích bỏ công sức để dự đoán các giá trị nội tại, mà thay vào đó, họ thích phân tích hành vi của giới đầu tư trong tương lai và cách thức mà trong những thời điểm lạc quan, giới đầu tư có xu hướng đặt hy vọng vào “lâu đài trên cát”.
Nhà đầu tư thành công thường cố gắng giành được cuộc thỏa thuận mua bán chứng khoán, bằng cách dự đoán các giai đoạn đầu tư nào dễ bị ảnh hưởng nhất với hoạt động “xây lâu đài” của đám đông, rồi sau đó họ mua trước đám đông.
Trong khi các chuyên gia tài chính ở London làm việc quần quật nhiều giờ liền cho đến khi mệt lử trong căn phòng chật ních, ông John Maynard Keynes lại mua chứng khoán ngay trên chiếc giường của mình, trong khoảng nửa tiếng vào mỗi buổi sáng. Cách thức đầu tư nhàn hạ này đã mang về cho ông hàng triệu đồng bảng Anh.
Trong những năm diễn ra cuộc suy thoái, khi ông Keynes trở nên nổi tiếng, hầu hết mọi người đều tập trung vào ý tưởng của ông để kích thích nền kinh tế. Thật khó để ai đó có thể xây tòa lâu đài trên cát hoặc mơ mộng những người khác sẽ làm như thế.
Khi bàn về cổ phiếu, ông Keynes đã chỉ ra rằng không ai biết chắc yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến triển vọng về tiền lãi cũng như khả năng thanh toán cổ tức trong tương lai. Vì vậy, ông cho rằng hầu hết mọi người “thường không mấy quan tâm đến việc đưa ra các dự đoán dài hạn về khả năng sinh lời của một khoản đầu tư trong suốt vòng đời, mà thường chú ý hơn đến việc dự đoán những thay đổi về cơ sở định giá thông thường sớm hơn công chúng một chút.”
Ông Keynes đã miêu tả việc mua cổ phiếu “Tương tự như khi tham gia một cuộc thi bình chọn sắc đẹp trên báo mà bạn phải lựa chọn 6 gương mặt đẹp nhất từ 100 bức ảnh, giải thưởng sẽ được trao cho người có lựa chọn gần đúng nhất với lựa chọn của cả nhóm”.
Người chơi thông minh sẽ nhận ra tiêu chí đánh giá sắc đẹp của mỗi cá nhân không liên quan gì đến việc xác định người thắng cuộc. Một chiến lược hiệu quả hơn là hãy lựa chọn gương mặt mà những người khác có thể ưa thích.
Xét cho cùng, những người chơi khác cũng có khuynh hướng hành động dựa theo trực giác của mình. Vì vậy, chiến lược tối ưu là không lựa chọn gương mặt mà người chơi cho là đẹp nhất hay gương mặt mà người khác có thể yêu thích, mà thay vào đó là phỏng đoán xu hướng đánh giá chung của mọi người hoặc cứ tiếp tục bám theo quá trình này.
Nói cách khác, khi nghiên cứu thị trường chứng khoán, ông Keynes đã áp dụng nguyên tắc tâm lý thay vì sử dụng đánh giá tài chính. Theo quan điểm của người mua, một khoản đầu tư xứng với một mức giá nhất định vì người đó kỳ vọng sẽ bán lại cho một người khác với giá cao hơn. Nói cách khác, khoản đầu tư cứ tự động nâng giá của nó lên. Một người mua mới lại dự đoán rằng người mua trong tương lai sẽ đặt ra một mức giá thậm chí còn cao hơn nữa.
Trong thế giới này, cứ mỗi phút lại có một “gã khờ” sinh ra để mua khoản đầu tư của bạn với mức giá cao hơn giá bạn đã trả. Bất kỳ một mức giá nào cũng có thể được đặt ra, miễn là có người khác sẵn lòng trả cao hơn. Chẳng có lý do nào cả, đó chỉ là tâm lý đám đông. Tất cả những gì một nhà đầu tư khôn ngoan cần phải làm là đi đầu trong mọi vụ mua bán.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn Theo Bước đi ngẫu nhiên trên Phố Wall
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư