Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Góc nhìn về lãi suất, lạm phát và tỉ giá

Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, VCBF Thứ Ba | 31/10/2023 22:48

Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư, Công ty QLQ Vietcombank (VCBF). Ảnh: PV.

Một số ngân hàng lớn đang đưa ra mức lãi suất cho vay cố định đối với người mua nhà ở một, hai năm đầu là 8,5 %/năm.
 

Sự chênh lệch lãi suất tại các quốc gia và Mỹ đang gây áp lực lên đồng nội tệ, trong đó có đồng VND. Cùng với đó, giá các mặt hàng tăng cao khiến nỗi lo lạm phát trở lại. 

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho hay, nói về lãi suất, tỉ giá và lạm phát thì trước hết chúng ta cần biết đó là ba yếu tố này có sự tác động qua lại lẫn nhau mặc dù đôi khi có độ trễ nhất định. 

 

Đối với mặt bằng lãi suất, vừa qua 4 ngân hàng quốc doanh đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân về mức 5,3%, là mức thấp nhất trong nhiều năm vừa qua. “Theo quan sát của chúng tôi, một số ngân hàng lớn đang đưa ra mức lãi suất cho vay cố định đối với người mua nhà ở một, hai năm đầu về mức 8,5 %/năm, lãi suất cho vay vốn lưu động là khoảng 5%/năm và tôi cho rằng điều này là rất tích cực cho cầu tiêu dùng và cầu đầu tư ở Việt Nam trong thời gian sắp tới”, ông Vinh chia sẻ. 

Tuy nhiên, đại diện của VCBF cho biết, ở môi trường lãi suất thấp thì sẽ gây áp lực lên lạm phát. “Nhưng theo tôi quan sát thì đây chưa phải điều đáng lo, ít nhất là trong vài quý tới vì tổng cầu trong nước thực sự đang còn rất là kém”, ông Vinh nói thêm. 

Về tỉ giá thì chúng ta đã thấy áp lực lên tiền đồng đã tăng đáng kể trong thời gian vừa qua. Do đó, để hỗ trợ đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn với tổng giá trị lên đến gần 160.000 tỉ đồng để giảm lượng tiền đồng dư thừa trong hệ thống ngân hàng. 

 

Ngoài ra, ông Vinh cho rằng tỉ giá cũng sẽ được hỗ trợ tích cực bởi thặng dư thương mại gần 22 tỉ USD và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là gần 16 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2023. 

Nhìn trên bình diện quốc tế, theo nhiều dự báo thì FED có khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa vào kỳ họp tháng 11. Tuy nhiên gần đây, cũng có nhiều ý kiến khác nhau cho rằng FED không cần thiết phải tăng lãi suất thêm nữa. Nhưng một điều khá chắc chắn đó là tổ chức này sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao cho đến khi họ kiểm soát thành công lạm phát. Trong báo cáo gần đây, FED đã nâng mức dự phóng lãi suất lên so với trước đây cho năm 2024 và 2025. Và với triển vọng lãi suất như vậy, áp lực lên đồng nội tệ và cũng như là áp lực lên xuất khẩu ở Việt Nam sẽ duy trì trong thời gian tới.

“Khi đồng USD tăng giá mà chủ yếu là do FED muốn duy trì quan điểm giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn để kìm hãm lạm phát ở Mỹ, thì áp lực lên đồng nội tệ sẽ là đáng kể trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và nguồn lực để ổn định tỉ giá và cân đối hai mục tiêu tỉ giá và lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng”, ông Vinh chia sẻ thêm. 

Bài viết được thuật lại từ chia sẻ của ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF) tại Talkshow Phố Tài chính. 

Có thể bạn quan tâm 

Lạc quan về sự phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024

Nguồn Theo Talkshow Phố Tài chính


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới