Hủy
Tài Chính

Góc nhìn khác về sự đắt rẻ của thị trường chứng khoán

Việt Hà Thứ Tư | 06/07/2022 10:15

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: NCĐT

Trong báo cáo được công bố mới đây, FiinGroup đã chỉ ra góc nhìn khác về định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam.
 

“Ngưỡng tâm lý 1300”: Sau khi chạm ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm, chỉ số VN-Index quay đầu giảm 9,3% so với đầu tháng 6, tiếp nối đà giảm 5,4% trong tháng 5 và 8,4% trong 4. Áp lực bán ra hiện không quá mạnh nhưng lực cầu yếu do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những động thái làm lành mạnh thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý.

Thanh khoản giảm mạnh, chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn VN30. Số liệu từ FiinGroup cho thấy giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HOSE là 13.600 tỉ đồng/phiên trong 1 tháng gần đây, giảm 32% so với trung bình năm 2021. 

 

 Trong đó, thanh khoản giảm mạnh nhất ở nhóm vốn hóa lớn VN30 (giảm 43,8%) và cùng với lực bán ra mạnh của khối ngoại đã kéo chỉ số VN30 giảm sâu hơn so với VN-Index trong 1 tháng qua. Theo FiinGroup, diễn biến này cho thấy tâm lý giao dịch ở các cổ phiếu lớn đầu ngành (chủ yếu là ngân hàng, bất động sản, thép) vẫn khá yếu và dòng tiền từ các tổ chức vẫn đang thận trọng với nhóm cổ phiếu này.

Tiếp đến là nhóm vốn hóa nhỏ VNSML, đã giảm 22,5% về thanh khoản và 1,09% về giá. Đây là nhóm có nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ cao và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp làm lành mạnh thị trường gần đây. 

Trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa VNMID có thanh khoản giảm không đáng kể, khoảng 7,7% và có diễn biến giá 1,2% trong 1 tháng qua. Theo FiinGroup, diễn biến của nhóm này được hỗ trợ bởi lực mua ròng tích cực của khối ngoại và dòng tiền sôi động ở nhiểu cổ phiếu vốn hóa vừa thuộc các ngành có câu chuyện lợi nhuận đột biến như thủy sản, hóa chất, phân bón và điện. 

 

Nhiều cổ phiếu giảm mạnh khiến nhà đầu tư nhắc nhiều đến cụm từ “định giá P/E”. Trong các báo cáo, phần lớn các công ty chứng khoán cũng cho rằng thị trường đang ở vùng định giá rẻ và hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn. 

Nhìn nhận về định giá của thị trường, FiinGroup cho rằng định giá P/E của thị trường vẫn ở mức cao nếu không tính đến khối ngân hàng. Cụ thể, P/E 12 tháng của toàn thị trường hiện ở mức 13,0x, dưới mức trung bình 10 năm (14,5x), chủ yếu nhờ lợi nhuận cao từ khối ngân hàng (đóng góp hơn 40% tổng lợi nhuận trong tính toán định giá chung).

Với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận sau thuế chung là 20%, định giá P/E toàn thị trường dự báo năm 2022 là 10,9x, thấp hơn 17% so với mức hiện tại, tuy nhiên định giá này tiếp tục bị chi phối bởi khối ngân hàng. 

Cụ thể, định giá P/E dự báo cho năm 2022 của khối ngân hàng ở mức 7,1x, thấp hơn 25% so với P/E hiện tại (9,5x). Với tỉ trọng 30% tổng vốn hóa và 43% tổng lợi nhuận toàn thị trường, các ngân hàng có tác động lớn lên định giá P/E chung. Xét theo P/B, nhờ mức giảm 20% từ đầu năm đến nay về giá, P/B của ngành về mức 1,8x, thấp hơn trung bình 5 năm (2,0x). 

Trong khi đó đối với khối phi tài chính, sau các đợt điều chỉnh mạnh gần đây, P/E trượt 12 tháng giảm về 16,7x, nhưng không thực sự hấp dẫn với P/E dự báo năm 2022 ở mức 15,0x (dựa trên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2022 ở mức 11,1%).

“Xem xét giữa các yếu tố về thanh khoản, định giá và triển vọng 2022 và 2023, dư địa tăng giá đối với khối phi tài chính không còn nhiều và việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cơ hội. Chúng tôi cho rằng việc xây dựng danh mục cổ phiếu với chiến lược đầu tư trung và dài hạn sẽ phù hợp cho giai đoạn này, tập trung vào nhóm ngành/doanh nghiệp có mặt bằng định giá được chiết khấu đủ lớn mà triển vọng lợi nhuận khả quan trong nửa cuối năm 2022 hay thậm chí nhìn xa hơn sang sang năm 2023”, FiinGroup nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng hơn 6 ngàn tỉ đồng trong quý II/2022


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới