Hủy
Tài Chính

Thép “cứng” quý I

Vũ Quỳnh Thứ Ba | 26/05/2020 08:00

Nhà máy Hoa Sen Group. Ảnh: Lê Toàn

Dù sản lượng tiêu thụ thép suy giảm sâu trong quý I, nhiều doanh nghiệp thép vẫn tăng trưởng lợi nhuận 2 con số.
 

Tính đến cuối tháng 4.2020, sản xuất thép thành phẩm các loại khoảng 7,5 triệu tấn (giảm 8,4%), tiêu thụ đạt 6,75 triệu tấn (giảm 13,3%). Về xuất khẩu, sản lượng chỉ đạt 1,28 triệu tấn, giảm đến 25% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp lớn ngành thép vẫn ghi nhận kết quả tăng trưởng rõ rệt trong kỳ như Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim. Theo số liệu của Vietdata, lợi nhuận sau thuế trong quý I/2020 các doanh nghiệp cụ thể như sau: Hòa Phát (2.285 tỉ đồng, tăng 26,9%); Hoa Sen (201 tỉ đồng, tăng 260,9%); Nam Kim (41,5 tỉ đồng, tăng 140,8%).

Dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, bao gồm cả Việt Nam. Các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội được áp dụng từ tháng 4 đã ảnh hưởng lớn tới ngành xây dựng tại các nước ASEAN, thị trường tiêu thụ lớn nhất của thép Việt Nam với thị phần là 60%. Theo đó, hoạt động xây dựng và dây chuyền sản xuất ô tô tại khu vực đều bị ảnh hưởng mạnh tại các quốc gia nhập khẩu thép Việt Nam như Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan...

 


Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VAS), nhu cầu thép của ASEAN sẽ giảm ít nhất 2 tháng nữa, trước khi mọi thứ bắt đầu cải thiện. Dù quý I là giai đoạn trì trệ nhất trong nhiều năm gần đây, với sự sụt giảm sâu của thép tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu, song nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn có kết quả kinh doanh khả quan như đã đề cập ở trên. Về Hòa Phát, lý giải việc kết quả kinh doanh quý I tăng mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng sản lượng doanh nghiệp này đã tăng trưởng tốt trong kỳ, cũng như nhờ sự trợ lực đáng kể của mảng nông nghiệp.

“Mảng thép ghi nhận doanh thu tăng 30,6% so với cùng kỳ nhờ vào sản lượng tiêu thụ tăng 41,3% với đóng góp quan trọng đến từ việc Hòa Phát bán ra 350.000 tấn phôi thép trong quý I”, báo cáo VNDirect nhận định. Cũng theo báo cáo này, doanh thu mảng nông nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng 58,5% so với cùng kỳ trong quý I, nhờ giá bán thịt heo cao hơn.

Trên cơ sở đó, VNDirect cho rằng mức định giá phù hợp cho cổ phiếu HPG của Hòa Phát là 29.700 đồng, trong khi FPT định giá cổ phiếu này ở mức 25.000 đồng. Tính từ vùng đáy ngày 27.3 ở mức 16.200 đồng, thị giá của HPG tại ngày 20.5 đã là 26.150 đồng/cổ phiếu.

Nếu Hòa Phát có con số khả quan nhất về mặt tuyệt đối, thì Hoa Sen lại là quán quân về mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế, khi đạt mốc 260,9%. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen tăng trưởng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù sản lượng tiêu thụ ống thép và tôn đều giảm lần lượt 16,6% và 7,6% so với cùng kỳ, nhưng biên lợi nhuận gộp quý I/2020 lại tăng mạnh, đạt 18,6%. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Hoa Sen, giá nguyên vật liệu HRC đầu vào trong quý I giảm khá sâu, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì giá bán lẻ ở mức cao.

 


Đặc biệt, trong tháng 4, lợi nhuận của Hoa Sen đã tăng đột biến. Theo KBSV, lợi nhuận tháng 4.2020 đã đạt 90 tỉ đồng, bằng 45% lợi nhuận quý I. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng kết quả kinh doanh khả quan của Hoa Sen còn được đóng góp bởi yếu tố tiết giảm chi phí. Trong quý I, chi phí bán hàng và chi phí tài chính đều giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Về vận động thị giá, từ mức đáy quanh vùng 4.000 đồng trong giữa kỳ tháng 3, cổ phiếu HSG của Hoa Sen hiện giao dịch quanh mức 9.700 đồng vào ngày 19.5.

Về phần Thép Nam Kim, báo cáo hợp nhất quý I chú thích rõ rằng, doanh thu bán hàng quý đạt 2.458 tỉ đồng (so với 2.956 tỉ đồng kỳ trước); lợi nhuận sau thuế đạt 41,49 tỉ đồng (so với lỗ 101,6 tỉ đồng kỳ trước). Cũng theo báo cáo hợp nhất, về mặt chi phí, Nam Kim hầu như không có cải thiện về mặt chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp khi số liệu trong kỳ điều tăng. Điều duy nhất có thể lý giải vì sao doanh nghiệp có lợi nhuận, đó là vì giá vốn hàng bán trong kỳ đã giảm rất mạnh. Trong quý I/2020 con số này là 2.239 tỉ đồng, so với mức 2.944 tỉ đồng của quý I/2019. Về thị giá, giữa tháng 3 cổ phiếu NKG của Nam Kim có mức giá trung bình trên 4.000 đồng, thì ngày 19.5 đã lên đến 7.290 đồng.

Có thể thấy, đa số doanh nghiệp ngành thép đều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh khi sản lượng tiêu thụ bị sụt giảm, song do việc tiết giảm chi phí lẫn giá vốn hàng bán đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng mạnh. Về nhận định khách quan, Hòa Phát ngoại trừ có mức tăng trưởng cao về lợi nhuận sau thuế, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp cũng tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân có thể phần nào được góp sức bởi mảng chăn nuôi, như trường hợp mã cổ phiếu ngành chăn nuôi Dabaco cũng có hiệu suất kinh doanh đáng kể.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới