Về đâu dòng vốn ngoại?

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng ở thị trường Việt Nam. Ảnh: TL.
Từng là “người cầm cân nảy mực” của thị trường chứng khoán Việt Nam nên việc theo dõi động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài từ lâu đã trở thành thói quen của giới tài chính. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy giai đoạn 2017-2018, nhà đầu tư ngoại mua ròng, thị trường đi lên, trong khi khối ngoại bán ròng thì thị trường đi xuống. Tuy nhiên, gần đây khối ngoại đã giảm bớt tầm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam mà thay vào đó, nhà đầu tư trong nước đang dần làm chủ cuộc chơi.
Ngược lại với sự cuồn cuộn của dòng tiền trong nước, nhà đầu tư nước ngoài lại liên tục bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2021, chỉ số VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử mới với 1.444,27 điểm, cao nhất trong 21 năm qua, tăng 7,62% so với tháng trước, tăng 30,84% so với đầu năm. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 quay lại đà tăng với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỉ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so với tháng trước. Dẫu vậy, khối ngoại vẫn đang bán ròng.
![]() |
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 10 đạt trên 68.019 tỉ đồng, chiếm 7,32% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị trên 5.751 tỉ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, khối này đã bán ròng hơn 50.431 tỉ đồng.
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Phạm Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Khách hàng cao cấp, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cho hay từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Huy, đây chỉ là bề nổi, bởi lẽ khi có lợi nhuận thì khối ngoại cũng cần phải hiện thực hóa lợi nhuận và cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Ông Huy cũng cho rằng, khi dịch COVID-19 được kiểm soát và tình hình an sinh xã hội tốt lên, độ phủ vaccine rộng hơn cùng với việc triển khai các gói kích thích kinh tế thì khối ngoại sẽ rất mạnh dạn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Chưa kể, thị trường Việt Nam đang đứng đầu trong danh sách thị trường chuẩn bị được nâng hạng. “Theo quan điểm cá nhân của tôi, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục quan tâm rất nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Huy nhận định.
Cũng tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Saigon Asset Management (SAM), đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong những vùng giá cao nhất từ trước đến nay. Theo ông Louis Nguyễn, mức P/E trung bình của thị trường hiện không thấp và nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi một nhịp điều chỉnh đối với thị trường chứng khoán. Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam gây được nhiều ấn tượng khi có sự ổn định về kinh tế, chính trị, tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Ông Louis Nguyễn cho rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn rất quan tâm đến Việt Nam.
![]() |
Hiện nay, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ. Đơn cử như phiên giao dịch mới đây (3/11/2021), thị trường chứng khoán Việt Nam đã thiết lập kỷ lục mới về thanh khoản. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 42.300 tỉ đồng, mức cao nhất trong hơn 21 năm hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường ở phiên này đạt gần 52.000 tỉ đồng, tương đương hơn 2,2 tỉ USD. Vậy dòng vốn ngoại có ý nghĩa gì khi thị trường vẫn tăng bất chấp đà bán ròng?
Liên quan đến quan điểm về dòng tiền ngoại, ông Louis Nguyễn ví von: “Nếu mình chỉ tự đá banh trong nước thì làm sao mình có thể đi vào World Cup được?”. Thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông Louis Nguyễn, cũng tương tự như vậy, dòng tiền trong nước họ tự tin, nhưng thị trường cần dòng tiền ngoại xác nhận Việt Nam là một nước đang phát triển, minh bạch, rõ ràng và thị trường chứng khoán là nơi để chứng minh rõ nhất vì có sự quản lý của Nhà nước, minh bạch, có kiểm toán... “Dòng tiền trong nước tiếp tục vào thị trường là tốt, nhưng vẫn cần dòng tiền ngoại để ủng hộ sự quốc tế hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Louis Nguyễn nhận định.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Huy, thuộc KBSV, đánh giá việc thu hút dòng vốn ngoại sẽ là yếu tố rất quan trọng, bởi khi đón nhận được dòng vốn này thì việc triển khai các gói kích thích kinh tế sẽ không phải ở quy mô quá lớn mà có sự kiểm soát tốt hơn.
Ở góc độ quản lý, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng giải pháp để thu hút dòng vốn ngoại là tăng quy mô của thị trường, thêm sản phẩm trên thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết. Cùng với đó là cải thiện thủ tục hành chính, quy định nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
