Hủy
Tài Chính

VN-Index xanh lá, cổ phiếu phân bón xanh lơ

Nhật Lệ Thứ Hai | 04/04/2022 16:27

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Cổ phiếu ngành phân bón vừa có phiên giảm mạnh trong bối cảnh VN-Index tăng hơn 8 điểm.
 

Phiên giao dịch 4/4, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá tích cực khi dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Sau một khoảng thời gian khá dài bị “ngó lơ”, hiện nay nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang phát đi những tín hiệu về sự trở lại của dòng tiền. Điển hình như ở phiên giao dịch này, nhóm cổ phiếu bất động sản, tài chính và điện ghi nhận mức tăng khá tích cực, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán. 

Kết phiên giao dịch 4/4, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng hơn 8,2 điểm, lên mốc 1.524 điểm. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE cũng đạt mức khá cao, ghi nhận hơn 26.700 tỉ đồng ở phiên giao dịch này. Trong đó, nhóm cổ phiếu VN30 ghi nhận mức tăng hơn 5,5 điểm, với giá trị giao dịch đạt gần 8.300 tỉ đồng. 

Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán tăng mạnh ở phiên 4/4. Ảnh chụp màn hình SSI.
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán tăng mạnh ở phiên 4/4. Ảnh chụp màn hình SSI.

Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến tích cực của thị trường chung thì nhóm cổ phiếu ngành phân bón lại ghi nhận một phiên giao dịch không mấy tích cực. Sau sự giằng co ở phiên sáng thì đến phiên chiều, lực bán bắt đầu tăng mạnh ở nhóm này khiến nhiều cổ phiếu đóng cửa giảm sâu. Trong đó, cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ và BFC của Phân bón Bình Điền đóng cửa ở mức giá sàn. Cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau giảm hơn 5%, các cổ phiếu còn lại cũng đóng cửa trong sắc đỏ. 

Cổ phiếu ngành phân bón được phiên
Cổ phiếu ngành phân bón được phiên "xanh lơ". Ảnh chụp màn hình SSI

Trong báo cáo được công bố hồi tháng 3/2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá ngành phân bón kỳ vọng những câu chuyện riêng tích cực. Đầu tiên là áp lực nguồn cung phân bón trên thế giới khi Nga - quốc gia xuất khẩu Ure và NPK lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu lần lượt đạt 7 và 5,9 triệu tấn đã chính thức ngừng xuất khẩu phân bón.

 

Ngoài ra, Nga và Ukraine chiếm đến 29% tổng sản lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Vì vậy, nhu cầu sản xuất lương thực là cần thiết, thúc đẩy nhu cầu phân bón; Thêm vào đó, nguồn dự trữ phân bón thế giới đang suy giảm có thể tạo áp lực tăng giá phân bón tiếp tục trong quý II/2022.

Mirae Asset trích dẫn dự báo của Mordor Intelligence, rằng ngành phân bón Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2026. Kì vọng đến từ dự án mới lẫn nhập khẩu. Theo Tổng cục Hải Quan, cả nước xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón nhưng nhập khẩu 4,54 triệu tấn. Nguồn nhập khẩu phân bón của Việt Nam hơn 90% sản lượng đến từ Trung Quốc, Đông Nam Á và Nga. Biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng tăng mạnh khi kỳ vọng tăng trưởng giá bán sẽ cao hơn tăng trưởng chi phí đầu vào.

Trên phương diện đầu tư, Mirae Asset đánh giá tỉ lệ cổ tức/thị giá của nhóm ngành phân bón duy trì tích cực quanh mức 8% - 10% nhờ cơ cấu nợ thấp cũng như lượng tiền mặt dồi dào. 

Có thể bạn quan tâm 

Một công ty chứng khoán đặt mục tiêu 9x đối với cổ phiếu DPM

Hậu FLC, chứng khoán Việt sẽ ra sao?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới