Hủy
Thế giới

8 cách Trung Quốc thay đổi thế giới

Thứ Bảy | 20/10/2012 09:06

Quy mô kinh tế và số dân khổng lồ khiến Trung Quốc có khả năng tạo ra những hiệu ứng đáng kể đối với thế giới.
 

Dưới đây là 8 lý do (con số tốt lành đối với người dân Trung Quốc) tại sao thế giới nên chú ý tới những gì sẽ xảy ra ở Bắc Kinh.

1. Sự phát triển kinh tế

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc
Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc

Đã 35 năm kể từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách mở cửa Trung Quốc với thế giới bên ngoài và thực hiện quá trình hiện đại hóa đất nước, mở ra một trong những kỳ tích chuyển đổi kinh tế thành công nhất trong lịch sử loài người.

Trong 20 năm qua, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc và giờ đây trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với khoảng 1 triệu triệu phú.

Trung Quốc sẽ bắt đầu quá trình chuyển đổi lãnh đạo đầu tiên trong 1 thập kỷ vào ngày 8/11 tới. Vào thời điểm chuyển giao quyền lực tiếp theo diễn ra vào năm 2022, Trung Quốc có thể sẽ soán ngôi vị nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ.

Sự chuyển đổi này đã làm thay đổi cách thức kinh doanh của thế giới. Giá lao động rẻ của Trung Quốc đã khiến giá thành sản xuất của tất cả mọi thứ từ giẻ lau sàn đến điện thoại di động đều giảm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất của châu Phi với cam kết chuyển đổi sự phụ thuộc của lục địa này ra khỏi Mỹ và châu Âu lần đầu tiên trong 2 thập kỷ. Trung Quốc hiện cũng là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất đối với nợ chính phủ Mỹ, làm dấy lên tranh cãi liệu vấn đề này mối đe dọa hay là sự đặt cược liều lĩnh của Trung Quốc?

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là liệu các nhà lãnh đạo mới có thể giữ cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ đã đạt được như trong quá khứ và giúp phần còn lại của thế giới phục hồi hay không.

Hầu hết các nhà phân tích phương Tây dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm từ 10% xuống còn 6-7% mỗi năm, và lập luận rằng Trung Quốc cần tiến hành những cải cách nếu muốn trở thành quốc gia giàu chứ không chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giúp Trung Quốc tạo ra tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới, những người mong muốn tận hưởng các tiện nghi như xe hơi và máy điều hòa nhiệt độ, bất kể cái giá phải trả về vấn đề ô nhiễm môi trường là rất lớn.

2. Chi phí môi trường

Trung Quốc đã phát triển quá nhanh nhưng nước này hầu như không cân nhắc về chi phí môi trường
Trung Quốc đã phát triển quá nhanh nhưng nước này hầu như không cân nhắc về chi phí môi trường

Quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng với xu hướng bùng nổ các tòa nhà cao tầng sẽ khiến Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới vào năm 2007. 7 trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới thuộc về Trung Quốc. Mỗi năm ô nhiễm môi trường gây ra 500.000 đến 750.000 ca tử vong đối với Trung Quốc.

Thiệt hại không chỉ xảy ra đối với mỗi Trung Quốc. Ô nhiễm không khí bao gồm thủy ngân và chì cũng tràn qua biên giới sang các nước láng giềng, qua Thái Bình Dương và tràn vào bờ biển phía Tây của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã bắt đầu thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tuy nhiên quy mô nền kinh tế và dân số khiến việc giải quyết vấn đề này trở nên rất khó khăn, nhà phân tích Edgar Cua thuộc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết.

Điều này có nghĩa là trong tương lai Trung Quốc sẽ giữ vị trí trung tâm trong bất kỳ thỏa thuận nào về biến đổi khí hậu. Trung Quốc đã từ chối thực hiện hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó yêu cầu cắt giảm "mật độ carbon" (carbon thải ra trên mỗi đơn vị sản lượng kinh tế) xuống còn 40-45% vào năm 2020.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh cộng với sự phụ thuộc của Trung Quốc đối với than đá (chiếm 70% nhu cầu năng lượng), lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng lên đến 60%, ngay cả khi Trung Quốc đáp ứng được mục tiêu về mật độ carbon.

3. Ảnh hưởng thông qua văn hóa và ngôn ngữ

Trung Quốc ngày càng tăng cường ảnh hưởng thông qua văn hóa và ngôn ngữ
Trung Quốc ngày càng tăng cường ảnh hưởng thông qua văn hóa và ngôn ngữ

Trung Quốc từ lâu đã thu hút phương Tây không chỉ về quyền lực kinh tế mà còn về mối quan tâm văn hóa và ngôn ngữ của nước này.

Về văn hóa, 30 năm trước đây, chỉ các nhà lãnh đạo bí hiểm của Trung Quốc mới được phương Tây công nhận. Đến ngày ngay, những nữ diễn viên như Chương Tử Di, cầu thủ bóng rổ Diêu Minh và nghệ sỹ Trương Tiểu Cương cũng được đông đảo các nước trên toàn cầu công nhận.

Về ngôn ngữ, số lượng người nói tiếng Trung phổ thông đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt là ở châu Á. Hiện tiếng Trung đang thách thức tiếng Anh để trở thành ngôn ngữ toàn cầu. Hầu hết các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ mất khá nhiều năm để đạt được điều này.

Bên cạnh đó, các trường học trên khắp châu Âu và Mỹ đều đã mở lớp học tiếng Trung Quốc phổ thông cho các học sinh lên 6 tuổi và trong suốt thời điểm diễn ra thế vận hội, tiếng Trung Quốc được viết trên các bảng quảng cáo của một số xe buýt ở London.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã tìm cách nắm bắt tư tưởng, thiết lập hàng trăm Viện Khổng Tử trên khắp thế giới với mục tiêu công khai dạy tiếng Trung đồng thời phát triển quyền lực mềm.

4. Sử dụng quyền lực mềm

Trung Quốc đã thông qua cụm từ "trỗi dậy hòa bình" để cố gắng đảm bảo với các nước láng giềng rằng sức mạnh kinh tế sẽ không biến Trung Quốc trở thành nước bá quyền.

Tuy nhiên, tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam - và thậm chí với Mỹ đang khiến cụm từ "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc trở nên vô nghĩa.

Hiện tại quân đội Trung Quốc là lực lượng đông nhất thế giới với 3 triệu người và ngân sách chính thức dành cho quốc phòng của nước này cũng đang tăng nhanh. Tàu sân bay của Trung Quốc đã đi vào hoạt động và nhiều người cho rằng nước này đang đầu tư mạnh vào công nghệ tàng hành, an ninh không gian mạng.

Đây là quá trình phát triển tự nhiên đối với một quốc gia có quy mô kinh tế, dân số và tầm ảnh hưởng lớn như Trung Quốc và không có dấu hiệu nào cho thấy nước này đang thay đổi chiến thuật.

"Mọi quốc gia đều có quyền bảo vệ an ninh và lợi ích lãnh thổ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trở nên hung hãn", cựu đại sứ Pháp Wu Jianmin bình luận.

Tuy nhiên, câu hỏi thực sự là những nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể thiết lập được chính sách đối với Mỹ như thế nào. Nhiều nhà phân tích cho rằng những nhà lãnh đạo trẻ của Trung Quốc có thể sẽ duy trì thái độ nghi ngờ đối với các đối thủ quân sự của họ. Lịch sử cho thấy những cuộc va chạm không thể tránh khỏi giữa các siêu cường và thách thức mới xảy ra sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng nổi trội hơn so với hòa dịu.

5. Chương trình vũ trụ

Trung Quốc đang có tham vọng lớn về chương trình chinh phục vũ trụ
Trung Quốc đang có tham vọng lớn về chương trình chinh phục vũ trụ

Một trạm không gian, một hệ thống vệ tinh dẫn đường, nhiều chuyến bay thám hiểm Mặt trăng... là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình chinh phục vũ trụ với tham vọng ngày càng to lớn.

Trong kế hoạch 5 năm mới, Trung Quốc sẽ phóng nhiều con tàu vũ trụ có người lái vào không gian đưa một phòng thí nghiệm vào quỹ đạo, phát triển công nghệ để xây dựng một trạm không gian và dùng hai tàu thám hiểm Mặt trăng mang mẫu đất đá về Trái đất.

Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch sơ bộ để thực hiện một chuyến bay có người lái lên mặt trăng, mặc dù không đưa ra ngày cụ thể.

Không những thế, Trung Quốc còn chi hàng tỷ USD cho chương trình phát triển khoa học vũ trụ như các chuyến bay có người lái mà các quốc gia chinh phục vũ trụ hàng đầu khác đã thực hiện cách đây nhiều thập kỷ.

Chương trình vũ trụ của Trung Quốc chính thức được khởi động vào năm 1999 khi nước này cho phóng tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 1.

Hai năm sau, Trung Quốc tiếp tục cho phóng tàu Thần Châu 2 mang theo một số loài động vật nhỏ bé. Tới năm 2003, Trung Quốc lần đầu tiên đưa phi hành gia nước này lên vũ trụ. Kể từ đó, Trung Quốc đã có phi hành đi bộ ngoài không gian và thực hiện ghép nối tự động giữa một module và tên lửa vào hồi năm ngoái.

Mới đây, tàu vũ trụ Thần Châu 9 đã thực hiện sứ mạng ngoài không gian kéo dài 13 ngày. Đây được xem là sứ mạng dài nhất mà Trung Quốc từng tiến hành, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đưa một nữ phi hành gia lên vũ trụ trong phi hành đoàn gồm 3 người.

Thành công của chương trình vũ trụ Trung Quốc được coi như một bằng chứng cho thấy nước này đã lấy lại được vị thế của mình trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, chi phí khổng lồ mà Trung Quốc đầu tư vào chương trình vũ trụ hiện vẫn đang gây tranh cãi cho hơn 150 triệu người dân sống dưới 1 USD/ngày của Trung Quốc.

6. Tốc độ tiêu thụ lương thực

Tốc độ tiêu thụ thịt của Trung Quốc và Mỹ
Tốc độ tiêu thụ thịt của Trung Quốc và Mỹ

Cải cách kinh tế đã giúp hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh đói nghèo nhưng cũng khiến người dân tiêu thụ thức ăn nhiều hơn. Điều này đã làm ảnh hưởng tới giá cả của các mặt hàng nông sản trên thế giới.

Tiêu thụ thịt lợn là một nhân tố tác động chính. Hiện Trung Quốc đã vượt Mỹ thành thị trường tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới. Trong 5 thập kỷ qua, tiêu thụ thịt của Trung Quốc đã tăng vọt từ 8 triệu tấn lên 71 triệu tấn, cao gấp đôi so với Mỹ.

Trung Quốc hiện đang nuôi 460 triệu con lợn, chiếm một nửa tổng số lợn trên toàn thế giới. Để nuôi được số lợn này Trung Quốc sẽ cần rất nhiều thức ăn. Nông dân Trung Quốc đã phải nhập khẩu đến 60% đậu nành của thế giới, đẩy giá nhập khẩu đậu nành đối với các nước khác tăng và làm dấy lên những lo ngại đối với việc tác động vào môi trường của ngành công nghiệp.

Ngoài ra, giới giàu mới nổi của Trung Quốc đã bị đổ lỗi cho việc săn trộm các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng nhằm mục đích sử dụng kích thích tình dục, làm đồ trang trí hoặc món ăn. Mỗi năm, hàng ngàn con voi châu Phi đã bị giết để lấy ngà trong khi chính phủ Trung Quốc bị chỉ trích vì không có chính sách hợp lý về nạn buôn bán ngà voi.

Trong tương lai, áp lực sẽ ngày càng tăng khi Trung Quốc tìm cách để nuôi 21% dân số thế giới chỉ với 9% đất canh tác. Một số chuyên gia tin rằng cả thế giới sẽ phải đối mặt với vấn đề giá lương thực tăng cao cùng với xu thế ngày càng có nhiều nông dân Trung Quốc mua đất ở nước ngoài.

7. Cải cách du lịch

Khách du lịch Trung Quốc hiện là những người tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới, sau Đức và Mỹ.
Khách du lịch Trung Quốc hiện là những người tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới, sau Đức và Mỹ.

Gần đây nhất là vào năm 1995, việc xin hộ chiếu rời khỏi Trung Quốc mất 6 tháng để hoàn tất thủ tục, và hầu hết người nộp đơn xin hộ chiếu là các quan chức Trung Quốc.

Tuy nhiên hiện nay, việc hoàn tất thủ tục xin hộ chiếu chỉ mất một vài ngày, và hàng triệu người dân Trung Quốc đã tận dụng cơ hội mở cửa của chính phủ để đi du lịch hoặc sang nước ngoài du học.

Khách du lịch Trung Quốc hiện là những người tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới, sau Đức và Mỹ. Trong năm 2011, Trung Quốc có 70 triệu người du lịch ra nước ngoài, tăng đáng kể so với con số 4,5 triệu người vào năm 1995. Phần lớn người dân Trung Quốc đi du lịch ở gần nhà với các địa điểm được ưa thích như Hong Kong, Ma Cao và Thái Lan.

Tuy nhiên, số lượng người du lịch Trung Quốc sang các nước như Mỹ, Pháp cũng như những điểm đến khác như Trier, quê hương của Karl Marx cũng ngày càng tăng.

Mỗi năm có khoảng 300.000 sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài, đặc biệt theo học ở các trường đại học của Mỹ và Australia. Họ muốn học ở các trường danh tiếng để xin được một công việc tốt hơn khi trở về nước. Một số khác thì xem đây là cách để tránh việc thi vào các trường đại học trong nước.

8. Nhu cầu đối với hàng hóa xa xỉ

Trung Quốc thành thị trường hàng xa xỉ lớn thứ 2 thế giới vào 2017
Trung Quốc thành thị trường hàng xa xỉ lớn thứ 2 thế giới vào 2017

Khi thu nhập được nâng lên, tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Trung Quốc sẽ hướng tới lối sống cao cấp mà trước đây họ chưa từng có được và chuyển từ văn hóa tiết kiệm sang chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu các loại hàng hóa xa xỉ.

"Được hưởng lợi từ tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều và hệ thống phân phối hàng xa xỉ phát triển nhanh chóng, doanh số bán hàng xa xỉ của Trung Quốc đã liên tục tăng trưởng vượt trội so với thị trường toàn cầu", nhóm nghiên cứu tiêu dùng Euromonitor cho biết.

"Doanh thu hàng xa xỉ ở Trung Quốc đã tăng gấp 3 trong vòng 5 năm vừa qua, đến năm 2017 thì thị trường xa xỉ ở đây dự tính sẽ tăng gấp đôi. Khi đó, có thể nó sẽ vượt qua cả Pháp, Anh, Italia và Nhật Bản, trở thành thị trường xa xỉ lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ", Euromonitor nhận xét.

Trung Quốc đã góp phần làm hồi sinh các nhà sản xuất hàng xa xỉ của châu Âu như Louis Vuitton và Hermes. Đồng thời, nước này cũng đang mua nhiều lò sản xuất rượu vang ở Bordeaux, Pháp.

Tuy nhiên, kỳ tích ngoạn ngục nhất phải kể đến nghệ thuật Trung Quốc. 3 trong số 10 bức tranh đắt nhất được bán trong năm 2011 thuộc về các nghệ sĩ Trung Quốc, với tác phẩm đắt nhất trị giá 57,2 triệu USD của họa sĩ Qi Baishi.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc đã gây ra xu hướng tăng đột biến các loại hàng hóa như đồng - vật liệu cần thiết đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng và các thành phố có tốc độ phát triển nhanh.

Trong giai đoạn tiếp theo thế giới có thể sẽ chứng kiến người khổng lồ công nghiệp Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài. Điều này sẽ gây tranh cãi bởi hầu hết các công ty trong các lĩnh vực như viễn thông và năng lượng đều do nhà nước kiểm soát và xu hướng tìm kiếm thị trường bên ngoài có thể đe dọa quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với phương Tây.

Nguồn BBC/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới