Hủy
Thế giới

ASEAN+3 cảnh báo tác động của nới lỏng tiền tệ

Thứ Bảy | 04/05/2013 14:36

Việc liên tục bơm thanh khoản có thể gây ra rủi ro về đầu tư mạo hiểm và tỷ lệ đòn bảy, tăng trưởng tín dụng và làm tăng giá tài sản.
 

Ngày 3/5/2013, trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN+3 (gồm 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 lần thứ 16 đã diễn ra tại Dehli, Ấn Độ.

Hội nghị chung một quan điểm cho rằng mặc dù có những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu, khu vực ASEAN+3 vẫn đạt được mức tăng trưởng đều trong năm qua và dự kiến vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm 2013 nhờ nhu cầu nội địa lớn và hoạt động hiệu quả của các trung gian tài chính.

Mặc dù bối cảnh kinh tế tài chính toàn cầu đã có nhiều cải thiện, nhưng các Bộ trưởng và Thống đốc cũng nhận thấy còn nhiều rủi ro và thách thức như việc liên tục bơm thanh khoản trên toàn cầu có thể gây ra các rủi ro về đầu tư mạo hiểm và tỷ lệ đòn bảy, tăng trưởng tín dụng và làm tăng giá tài sản.

Các đại biểu đều có chung nhận định cần tiếp tục duy trì sự thận trọng để đối phó với những ảnh hưởng không mong muốn của chính sách nới lỏng tiền tệ toàn cầu đối với khu vực cũng như những cảm nhận rủi ro trên thị trường tài chính có thể gây ra các biến động về luồng luân chuyển vốn và tác động tiêu cực tới ổn định tài chính khu vực.

Ngoài ra, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN+3 đã thông qua Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai sửa đổi. So với hiện tại, quy mô của quỹ CMIM sẽ tăng từ 120 tỷ USD lên 240 tỷ USD, tăng phần cho vay khi không có chương trình vay của IMF từ 20% lên 30% và 40% tùy điều kiện cho phép, kéo dài thời hạn cho vay và chu kỳ hỗ trợ tổng thể.

Về phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), Hội nghị đã thông qua kế hoạch triển khai do Nhóm đặc trách ABMI dự thảo nhằm thực hiện Lộ trình ABMI mới + với 9 điểm ưu tiên đã phê duyệt vào năm 2012. Một trong những thành tựu quan trọng là sự ra đời chương trình bảo lãnh của Cơ chế Bảo lãnh Tín dụng và Đầu tư (CGIF) dành cho các dự án phát hành trái phiếu có tiềm năng trong khu vực.

Hội nghị cũng hoan nghênh việc hoàn tất báo cáo đánh giá khả thi thành lập Trung gian thanh toán khu vực (RSI), và nhất trí thành lập Diễn đàn Cơ sở hạ tầng thanh toán xuyên biên giới nhằm thảo luận kế hoạch cụ thể và quy trình liên quan việc thành lập RSI dựa trên sự tham gia tự nguyện của các nước thành viên.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới