Hủy
Thế giới

Bầu cử ở Hà Lan có dẫn tới Nexit?

Bá Ước Thứ Ba | 14/03/2017 18:30

Kịch bản Hà Lan tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU (Nexit) đang đến gần hơn bao giờ hết, do sự trỗi dậy của phong trào dân túy
 

Tranh tối tranh sáng

Các cổ động viên bóng đá đều biết rằng, không có gì làm người Hà Lan vui hơn là đánh bại đội Đức láng giềng. Ngày nay, có lẽ nhiều người Hà Lan cũng đang hoan hỉ khi nền kinh tế nước này đã lần đầu vượt qua Đức sau nhiều năm thua kém. Trong năm 2016, GDP Hà Lan đạt tăng trưởng 2,1%, mức tăng mạnh nhất từ năm 2007 và cao hơn nhiều nước châu Âu khác, trong đó có cả Đức. Tỷ lệ thất nghiệp của Hà Lan cũng giảm xuống còn 5,3%, và số người có việc làm thậm chí còn cao hơn trước giai đoạn khủng hoảng 2007-2008. 

Sau nhiều năm thắt chặt chi tiêu, các hộ gia đình Hà Lan đã bắt đầu chi tiêu nhiều hơn, nhờ thị trường nhà đất phục hồi và lương tăng lên. Tình trạng ngân sách quốc gia cũng được cải thiện: ngân sách năm nay có thể sẽ được cân bằng hoặc thậm chí thặng dư, nợ công có khả năng giảm xuống dưới 60% GDP. Nhưng viễn cảnh tươi sáng này cũng không giúp giảm bớt tâm lý bực bội của cử tri Hà Lan trước thềm cuộc bầu cử thủ tướng vào ngày mai (15/3).

Bau cu o Ha Lan co dan toi Nexit?
Mark Rutte, Thủ tướng đương nhiệm của Hà Lan. Ảnh: wordpress.com

Các số liệu khảo sát cho thấy 2 ứng viên sáng giá nhất trong cuộc bầu cử là thủ tướng đương nhiệm Mark Rutte của đảng VVD và chính trị gia dân túy Geert Wilders của đảng PVV, người chuyên bài xích dân nhập cư và từng công khai kêu gọi trưng cầu dân ý về việc Hà Lan rời khỏi EU (Nexit). Theo một khảo sát gần đây của hãng Peil, đảng PVV của Wilders có nhiều khả năng sẽ giành được 21-25/150 ghế ở Quốc hội Hà Lan trong cuộc bầu cử sắp tới, trở thành đảng lớn nhất nhì trong Quốc hội.

Bau cu o Ha Lan co dan toi Nexit?
Geert Wilders công khai cắt cờ EU giữa phố. Ảnh: VOAN

Điều này cũng không có gì khó hiểu. Ông Marieke Blom, kinh tế gia trưởng tại ING, bình luận rằng tình hình kinh tế lạc quan như hiện nay là đến từ những cải cách mạnh tay của chính phủ trong những năm qua, đặc biệt là việc nâng tuổi hưu lên 67 (có hiệu lực từ năm 2021) và cải tổ cơ chế tài chính cho hệ thống y tế. Nhiều năm thực hiện cải cách, theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng, xen lẫn với suy thoái là nguyên nhân chính khiến các cử tri bực bội. Điều này làm gia tăng ủng hộ cho các đảng chính trị phản đối trào lưu toàn cầu hóa, như là Đảng Xã hội cánh tả hay là đảng dân túy PVV của Geert Wilders.

Niek Stam, lãnh đạo công đoàn, cho rằng giới công nhân bến cảng Rotterdam sẽ bầu cho ông Wilders. Họ làm như vậy không phải vì họ là những người phân biệt chủng tộc, mà vì lo lắng cho công việc của mình đang bị đe dọa bởi những con robot, cũng như lo cho khoản lương hưu mà họ sợ là có thể bị cắt giảm nếu tuổi về hưu tăng lên. Nhắc tới Brexit, ông Stam cho biết một số người Hà Lan đang nghĩ rằng: “chúng ta nên học theo người Anh, khi toàn cầu hóa chỉ mang lại thêm phiền toái”.

Bộ trưởng tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem cho biết rằng dù có nhiều dự báo tích cực về kinh tế, “nhiều cử tri đã phải trải qua những giai đoạn thật sự khó khăn”. Tâm lý bực tức là điều dễ nhận ra từ cuộc trưng cầu bởi Ipsos tổ chức hồi tháng 5/2016, khi có tới 46% người Hà Lan ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Nexit.

Đã chịu thiệt, nay còn có thể thiệt nhiều hơn?

Những nơi như thành phố cảng Rotterdam, vốn được mệnh danh là “cửa ngõ vào Châu Âu” của Hà Lan, sẽ thua thiệt nhiều nhất nếu nước này chối bỏ toàn cầu hóa. Là một trong trung tâm hàng hải và thương mại quan trọng nhất châu Âu, người Hà Lan đã thu lợi rất nhiều từ các hoạt động tạm nhập tái xuất. Trong 20 năm qua, kim ngạch tạm nhập tái xuất của Hà Lan đã tăng gấp 4 lần.

Bau cu o Ha Lan co dan toi Nexit?
Cảng Rotterdam là một trong những trung tâm hàng hải quan trọng nhất thế giới. Ảnh: transito-eur.nl

Là một nước hưởng lợi nhiều từ trào lưu toàn cầu hóa, Brexit và các chính sách bảo hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa Hà Lan hơn bao giờ hết. Trong báo cáo về triển vọng kinh tế của Hà Lan, Ủy ban Châu Âu (EC) đã xem những rủi ro liên quan đến Brexit là gót chân Achilles của nước này. Các tổ chức xếp hạng tín dụng cũng đặt Hà Lan vào nhóm chịu rủi ro cao từ Brexit (cùng với Bỉ, Ireland, và Malta).

Tính theo giá trị gia tăng, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Hà Lan, sau Đức. Khoảng 80% hoa và 70% cây trồng được Vương quốc Anh nhập khẩu là đến từ Hà Lan. Các nông dân Hà Lan cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu người Anh dựng lên các rào cản thương mại mới sau Brexit.

Tại buổi tranh luận tại quốc hội Hà Lan tháng trước, nhiều vị đại diện các ngành nghề cũng nêu quan ngại tương tự. Ngành hải sản nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc được phép đánh bắt cá ở vùng biển gần nước Anh, nơi đóng góp đến 60% sản lượng cá của Hà Lan cũng như 90% món cá trích khoái khẩu của nước này. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến của Hà Lan sang Anh vốn đạt 8,9 tỷ euro vào năm ngoái, nay bị đe dọa bởi sự suy yếu của đồng Bảng Anh, khiến cho hàng hóa của Hà Lan bán tại đây trở nên đắt hơn 20%.

Cục chính sách kinh tế của Hà Lan (CPB) ước lượng rằng kịch bản Brexit “cứng” (Anh tách hoàn toàn khỏi EU) có thể khiến nền kinh tế Hà Lan mất đi 1,2-2% GDP vào năm 2030. Và Vương quốc Anh cũng không phải là mối bận tâm duy nhất. Hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, vốn chiếm 3,4% GDP Hà Lan (so với mức trung bình 2,6% của EU) và mang lại 300.000 việc làm, có thể sẽ bị ảnh hưởng đáng kể từ các chính sách bảo hộ của tổng thống Trump.

Không cần phải nói thêm, nếu Nexit xảy ra thì điều này còn có thể gây nên một chấn động lớn hơn nữa. Thiệt hại mà Nexit gây ra cho Hà Lan sẽ lớn hơn so với Brexit gây ra cho nước Anh, theo đánh giá của ông Wim Boonstra, kinh tế gia tại Rabobank: “Chúng ta là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ nhì thế giới, không có tự do thương mại thì ngành công nghiệp sữa và pho mát của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Trước đây, Hà Lan trở nên giàu có nhờ kinh tế biển, và ngày nay xét trên nhiều phương diện thì Hà Lan vẫn là nền kinh tế có độ mở cửa cao nhất thế giới. Hiện nay nước này đứng thứ 5 thế giới về kim ngạch xuất khẩu, và có tới 1/3 GDP Hà Lan đến từ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Bau cu o Ha Lan co dan toi Nexit?
Từ cuối năm 2017, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Hà Lan đã tăng mạnh do bất ổn chính trị tăng cao. Ảnh: Bloomberg

Việc đảng phái nào ở Hà Lan lên nắm chính phủ sẽ quyết định mối quan hệ giữa nước này với EU, và kết quả cuộc bầu cử này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến những cuộc bầu cử tiếp theo trong năm nay tại Pháp và Đức. Trong trường hợp đảng PVV của Geert Wilders chiến thắng, cả châu Âu sẽ lại phải đối mặt với chủ nghĩa dân túy đang ngày càng lan rộng và đe dọa sự tồn tại của EU.

Cần biết gì về bầu cử ở Hà Lan?

Ngày 15/3, cử tri Hà Lan sẽ đi bầu chọn thủ tướng mới. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên ở Châu Âu trong năm nay, và là phép thử đầu tiên cho tình hình chính trị tại Cựu lục địa.

Liệu cuộc bầu cử này có thể là sự tiếp nối xu hướng dân túy như Brexit và bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 hay không? Đây là một số điều cần biết:

Có khoảng 28 đảng phái ở Hà Lan tìm kiếm cơ hội thành lập chính phủ mới. Với sự chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái, việc thành lập chính phủ liên minh là không thể tránh khỏi.

Quốc hội Hà Lan có 150 ghế, do đó để giành đa số trong chính phủ mới thì cần có 76 ghế, nhiều khả năng sẽ có sự liên minh từ 4-6 đảng phái. Đây là một số đảng lớn trong Quốc hội hiện nay:

- Đảng Nhân dân đấu tranh cho tự do và dân chủ - VVD (40 ghế) do đương kim thủ tường Mark Rutte lãnh đạo, nắm đa số trong chính phủ Hà Lan kể từ năm 2012.

- Đảng Lao động - PvdA (35 ghế) do phó thủ tướng Lodewijk đứng đầu, nhưng đang chịu nhiều chỉ trích vì theo đuổi chính sách khắc khổ.

- Đảng Xã hội - SP (15 ghế) do ông Emile Roemer lãnh đạo và tập trung vào việc cải tổ các chính sách bảo hiểm y tế.

- Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo - CDA (13 ghế) do ông Sybrand van Haersma Buma lãnh đạo, gần đây tỏ vẻ ủng hộ quan điểm của Geert Wilders và muốn EU phải cải tổ

- Đảng Tự do – PVV (12 ghế) do Geert Wilders lãnh đạo, nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri Hà Lan, nhờ đánh vào chủ nghĩa dân tộc tăng cao và xu hướng bài Hồi giáo.

Bau cu o Ha Lan co dan toi Nexit?
Một cuộc họp tại Quốc hội Hà Lan. Ảnh: accent.com.ge

Một cuộc thăm dò gần đây của Peilingwijzer cho thấy, đảng tự do đang dẫn đầu, và được dự báo sẽ giành 23-27 ghế.

Khảo sát gần đây nhất của Peil cho thấy đảng VVD sẽ giành được khoảng 23-27 ghế, còn đảng PVV sẽ được 21-25 ghế. Với khoảng 18-20 ghế, Đảng CDA sẽ giành vị trí thứ 3, theo sau là đảng Dân chủ 66 (17-19 ghế), Đảng Xanh (15-17 ghế), đảng Xã hội (14-16 ghế) và đảng Lao động (11-13 ghế).

Theo các số liệu như vậy, liên minh cầm quyền mới của Hà Lan cần phải tập hợp được ít nhất 5 đảng để có được 76 ghế cần thiết nhằm lập chính phủ mới.

Trong khi đảng VVD của thủ tướng đương nhiệm Rutte có vẻ như sẽ đảm bảo giành đa số phiếu bầu, chính phủ mới của ông có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào liên minh của ông với các đảng phái khác. Đảng PVV của ông Wilder cũng không phải là ngoại lệ. 

Ông Rutte trước đây bác bỏ khả năng thành lập chính phủ liên minh với ông Wilders, vốn từng là cựu thành viên của đảng VVD cho tới năm 2004.

Các đảng khác hiện vẫn chưa thể hiện rõ ý định của mình, tuy nhiên các chính sách bài xích EU của ông Wilders gặp phải sự phản đối của đa số đảng phái khác.

Nhiều khả năng một chính phủ liên minh sẽ được thành lập từ 4 đảng – VVD, CDA, Dân chủ 66 và Lao động – nhưng khả năng cần phải có thêm một đảng thứ 5 tham gia vào liên minh là không thể loại trừ.

Bá Ước

Nguồn The Economist/CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới