Hủy
Thế giới

Châu Á vẫn mê than

Thứ Hai | 02/09/2019 08:00

Ảnh: tinkinhte.com

Chính phủ các nước, đặc biệt tại châu Á, vẫn tiếp tục đổ tiền vào than đá, tác nhân lớn nhất gây biến đổi khí hậu.
 

Trước hệ lụy khó lường của biến đổi khí hậu, những thông tin về vị thế ngày càng suy giảm của than đá đã làm dấy lên tia hy vọng về một tương lai bớt u ám hơn của thế giới. Ngày càng nhiều quốc gia muốn giảm dần việc sử dụng than đá và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn, một phần nhờ khí đốt giá rẻ và chi phí năng lượng gió và mặt trời giảm mạnh.

Đây là tin tốt lành. Than đá là tác nhân lớn nhất gây biến đổi khí hậu cho đến thời điểm hiện tại, “đóng góp” tới gần 1/3 mức tăng nhiệt độ trung bình của thế giới kể từ Cách mạng Công nghiệp. Vì thế, bất kỳ tác động nào khiến cho than đá suy giảm cũng được xem là một bước tiến lớn trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Chau A van me than

Chưa kịp mừng thì nỗi lo lại đến. Năm ngoái, điện chạy than lần đầu tiên thải ra tới hơn 10 tỉ tấn khí CO2, chiếm tới 30% tổng lượng thải khí CO2 của thế giới. Điện than có thể giảm ở phương Tây, nhưng nhiều chính phủ châu Á vẫn tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng than đá tạo ra điện. Nghĩa là họ đang đặt cược vào một canh bạc nguy hiểm.

Châu Á chiếm tới 75% nhu cầu than đá toàn cầu, chỉ riêng Trung Quốc chiếm tới phân nửa con số đó. Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành những biện pháp để hạn chế ô nhiễm và ủng hộ các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tiêu thụ than đá của nước này vẫn tăng lên trong năm 2018, cũng giống như năm trước đó.

Tại Ấn Độ, nhu cầu than đá đã tăng 9% vào năm ngoái. Tại Việt Nam, nhu cầu than đã tăng tới gần 25%. Theo các chuyên gia về khí hậu, để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,50C theo Thỏa thuận chung Paris, gần như tất cả các nhà máy than đá đều phải đóng cửa vào năm 2050, nghĩa là phải bắt đầu hành động ngay từ bây giờ. Nhưng dựa vào xu hướng hiện nay, mãi đến năm 2079 nhà máy than cuối cùng mới có thể đóng cửa hoàn toàn, theo ước tính của ngân hàng Thụy Sĩ UBS.

Có nhiều lý do cho sự tồn tại dai dẳng của các nhà máy than. Trong đó, có một lý do rất nổi bật: ngành than được sự hậu thuẫn của chính phủ. Tại Ấn Độ, các công ty quốc doanh rót hơn 6 tỉ USD vào hoạt động khai thác than và năng lượng chạy than mỗi năm; các ngân hàng có được sự hậu thuẫn của nhà nước lại cấp 10,6 tỉ USD cho các hoạt động này. Indonesia chi ra hơn 2 tỉ USD hằng năm vào việc tiêu thụ điện than. Trung Quốc ủng hộ không chỉ ngành than trong nước mà còn ở nước ngoài, khi vốn rót nước ngoài lên tới khoảng 9,5 tỉ USD mỗi năm. Nhật và Hàn Quốc cũng tài trợ cho các dự án than đá bên ngoài biên giới nước mình.

Chau A van me than

Việc ngành than được sự hỗ trợ của chính phủ cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Các công ty than đá được chính phủ hậu thuẫn lại làm ra tiền và tạo ra việc làm. Turbine gió và các tấm năng lượng mặt trời cung cấp điện không liên tục trong khi vào thời điểm hiện tại, họ vẫn cần đến các nhà máy than để tiếp sức cho đà phát triển của nền kinh tế. Khí đốt đang đánh bại than đá ở Mỹ nhưng chỉ là “nhân vật phụ” tại Ấn Độ và tại phần lớn các nước Đông Nam Á vì khí đốt phải nhập khẩu và tương đối đắt đỏ.

Nói cách khác, muốn nền kinh tế khu vực châu Á hoàn toàn tuyệt giao với than đá là chuyện rất khó. Các công ty than đá ở Indonesia là một nhóm vận động hành lang rất quyền lực và cũng không phải trùng hợp khi các mức thuế quan về điện lại thiên vị than đá hơn là các dự án năng lượng gió và mặt trời. Tại Ấn Độ, các khoản cho vay nặng ký của các ngân hàng quốc doanh đã “buộc” sức khỏe của hệ thống tài chính với sức khỏe của ngành than.

Tuy nhiên, chính phủ các nước đặt cược vào than đá lại đối diện với 3 rủi ro lớn. Một là môi trường. Lượng khí thải từ các nhà máy than đá đã được xây dựng (huống chi những nhà máy mới) chắc chắn sẽ khiến cho thế giới vượt qua mức thải khí CO2 mà sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,50C.

Thứ 2 là rủi ro kinh tế. Sự nhiệt tình của khu vực công đối với ngành than lại trái ngược với thái độ ghẻ lạnh của khu vực tư nhân. Ngày càng nhiều ngân hàng tư nhân, trong đó có các ngân hàng châu Á, cho biết sẽ ngưng tài trợ vốn cho các nhà máy than đá mới. Những trang trại gió và mặt trời khiến cho than đá ngày càng trở nên đắt đỏ. Một nghiên cứu cho thấy khối ngân hàng tư nhân cung cấp 3/4 khoản cho vay cho các dự án năng lượng tái tạo Ấn Độ vào năm ngoái trong khi khối ngân hàng quốc doanh lại cấp 2/3 khoản cho vay cho các dự án than đá.

Chau A van me than

Thứ 3 là rủi ro chính trị. Các cử tri không hề thích hít thở bầu không khí bị ô nhiễm và ngày càng nhiều người lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu khi tần suất các cơn bão, lũ lụt và hạn hán ngày càng gia tăng và diễn biến khó lường.

Một điều hứa hẹn là ngày càng nhiều chính trị gia châu Á lên tiếng ủng hộ cho việc phát triển điện sạch. Tháng 7 vừa qua, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Năng lượng phải giảm sự phụ thuộc của đất nước vào than đá. Vào tháng 6, Chính phủ Ấn Độ cho biết dự định tạo ra 500GW năng lượng tái tạo vào năm 2030. Nhưng để đẩy nhanh tốc độ của cuộc chuyển giao này, chính phủ tại các nước châu Á và những nơi khác phải làm nhiều hơn thế.

Giới chính trị gia nên hành động nhanh hơn để giảm sự ủng hộ của chính phủ đối với than đá. Các nước giàu cũng cần hỗ trợ. Các quốc gia thu nhập trung bình tại châu Á hoàn toàn đúng khi chỉ ra rằng các nước giàu hơn đã sử dụng than đá để tiếp sức cho đà tăng trưởng kinh tế của họ và Mỹ, Anh, Đức, Nhật nằm trong số những quốc gia vẫn tiếp tục ủng hộ than đá, chẳng hạn thông qua các chính sách miễn giảm thuế, chuyển nguồn ngân sách và nhập khẩu từ các nước châu Á dựa vào than. Chắc chắn, buộc các nước châu Á từ bỏ than là chuyện rất khó nhưng đó là sứ mệnh phải làm.

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới