Hủy
Thế giới

Chi phí để tái thiết Ukraine là bao nhiêu?

Hải Miên Thứ Năm | 14/04/2022 13:20

Mức giá có thể giao động từ 220-540 tỉ USD. Cải cách cũng sẽ cần thiết.
 

Khi chiến tranh kết thúc, đất nước này sẽ như một vùng đất hoang. Hầu hết các công trình công nghiệp đã bị san bằng bởi các cuộc không kích, cơ sở hạ tầng không sử dụng được và các thành phố lớn thì bị ném bom. Các lực lượng do Nga dẫn đầu đã chiếm đóng miền đông, với hàng triệu người dân phải chạy trốn. Cuộc chiến cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn một nghìn người vô tội và khiến hàng triệu người dân phải di dời; nó cũng khiến nhà cửa, bệnh viện, cầu và cảng trở thành đồ bỏ đi. 

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (CEPR), đưa ra tổng chi phí xây dựng lại Ukraine sẽ ở khoảng 220-540 tỉ USD, gần tương đương với tính toán của chính phủ. Cách thức mà quá trình tái thiết xảy ra, những cải cách đi kèm cũng sẽ quan trọng không kém so với số tiền trên. Nếu được thực hiện đúng đắn thì nó có thể biến Ukraine thành một nền kinh tế cởi mở và năng động hơn.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (WIIW), một tổ chức nghiên cứu, tính toán rằng các khu vực bị ảnh hưởng cộng lại chiếm khoảng 29% sản lượng của Ukraine. Mức tiêu thụ điện giảm khoảng 1/3 so với một năm trước. Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương, 30% doanh nghiệp trên toàn quốc đã ngừng sản xuất hoàn toàn và 45% khác giảm sản lượng. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng GDP sẽ giảm 45% trong năm nay.

Chính phủ đang cố gắng hạn chế thiệt hại ở những nơi có thể. Viện trợ từ phương Tây, khoảng 7 tỉ USD cho đến nay, đã giữ cho nền tài chính công ổn định. Nông dân đã được cấp 20 tỉ  hryvnia (675 triệu USD) để có thể tiếp tục làm việc trên các cánh đồng. Với việc Nga phong tỏa con đường xuất khẩu chính của Ukraine qua Biển Đen, chính phủ đang làm việc với EU để khiến giao thương bằng đường bộ trở nên dễ dàng hơn. Được biết là 80% hàng xuất khẩu vẫn có thể rời khỏi đất nước.

Mặc dù vậy, việc xây dựng lại các khu vực bị chiến tranh tàn phá sẽ đi kèm với một cái giá quá đắt. Có 3 nhiệm vụ chính trước mắt. Một là rà phá bom mìn tại các khu vực bị ảnh hưởng. Mặc dù quy mô ảnh hưởng vẫn chưa rõ ràng, nhưng kinh nghiệm trong quá khứ khiến các chi phí liên quan dễ tính toán hơn. Trước cuộc chiến này, Bộ Quốc phòng Ukraine đã ước tính chi phí rà phá bom mìn khu vực Donbas, nơi bị Nga tấn công vào năm 2014, là 650 triệu euro. Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc rà phá mìn, vốn đã tốn hơn hai thập kỷ qua, sẽ “ngốn” tới khoảng 20% ​​GDP.

Thức ăn và chỗ ở sẽ là một khoản chi lớn hơn. Là một nước sản xuất ngũ cốc và các mặt hàng nông nghiệp khác, Ukraine có thể sẽ cung cấp đủ thức ăn cho những người có nhu cầu. Nhưng số lượng người di dời trong nước sẽ tiếp tục tăng: tại thời điểm hiện tại có 7,1 triệu người  (hơn 4,5 triệu người đã chạy khỏi đất nước). Một công cụ theo dõi do Trường Kinh tế Kyiv tổng hợp cho thấy những ngôi nhà đã bị phá hủy có giá trị tầm 29 tỉ USD.

Chi phí tái thiết cơ sở hạ tầng ước tính của Ukraine.
Chi phí tái thiết cơ sở hạ tầng ước tính của Ukraine.

Nhiệm vụ khó khăn nhất vẫn là xây dựng lại cơ sở hạ tầng và cơ sở công nghiệp bị hư hỏng. Trường Kyiv tính toán rằng sự tàn phá đối với mọi thứ, từ cơ sở điện và nhà máy đến cầu đường cho đến nay vượt quá 50 tỉ USD. Nhưng sản xuất thất thu, thiếu bảo trì và thiếu đầu tư  đồng nghĩa với việc cả những cơ sở hạ tầng đang trụ vững cũng cần được nâng cấp. Chi phí cho cơ sở hạ tầng và công nghiệp lần này có thể không nằm ngoài ước tính 119 tỉ USD của thủ tướng.

Việc tái thiết sẽ cần có kế hoạch, tài chính và quy trình phân bổ tiền cho các dự án. Chính phủ Ukraine đã thành lập một quỹ phục hồi và các bộ đang đưa ra đề xuất cho những gì cần xây dựng lại. Với việc bộ tài chính mất nguồn thu khoảng 2 tỉ USD/tháng, một số tiền cần thiết để hỗ trợ tài chính công, tái thiết sẽ chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng. Chính phủ, vốn đã mắc nợ nhiều, có thể không có khả năng vay hoặc hoàn trả các khoản vay của mình. Có vẻ như cần phải có sự kết hợp giữa xóa nợ và trợ cấp.

Nguồn vốn sẽ phải đến từ các chính phủ phương Tây, các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư tư nhân. (Một đề xuất sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga đã được đưa ra, nhưng dường như không có khả năng xảy ra trừ khi được quyết định như một phần của dàn xếp hòa bình). Việc tài trợ cho các doanh nghiệp tư nhân có thể ở dưới dạng các khoản vay được trợ cấp, chẳng hạn như từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD). Ngân hàng này đã đầu tư khoảng 18 tỉ USD vào Ukraine trong những năm qua.

Câu hỏi tiếp theo là phân bổ tiền. Ukraine đã thực hiện quy trình đấu thầu kể từ năm 2014, nhưng các hợp đồng lần này sẽ lớn hơn nhiều. CEPR đề xuất sử dụng các thỏa thuận khung - hợp đồng thường trực với các công ty để cung cấp một sản phẩm nhất định với giá cố định - và các hợp đồng mở, ngay cả khi không có đấu thầu, đảm bảo tính minh bạch.

Giai đoạn cuối cùng của quá trình tái thiết Ukraine sẽ liên quan đến việc giúp nền kinh tế phát triển trong dài hạn. Trong điều kiện thực tế, GDP bình quân đầu người năm 2019 thấp hơn so với thời kỳ Liên Xô sụp đổ - một minh chứng đáng lo ngại cho tình trạng thiếu cải cách kéo dài ở đất nước. Nhiều trong số 1.500 doanh nghiệp nhà nước của Ukraine đang làm ăn thua lỗ hoặc hầu như không có lãi. Ngay cả trước chiến tranh, IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) đã thúc giục chính phủ tăng cường khuôn khổ chống tham nhũng và pháp quyền.

Trong khi đó, việc nhìn lại quá khứ cho thấy thành công cũng có thể đến từ sự hội nhập chặt chẽ hơn với châu Âu, như đã xảy ra với Tây Đức nhiều thập kỷ trước. Sự phát triển nhanh chóng của Ba Lan cũng thường là do hội nhập: trong 15 năm sau khi gia nhập EU, GDP bình quân đầu người của nước này đã tăng hơn 80%.

% xuất khẩu của Ukraine.
% xuất khẩu của Ukraine.

Ukraine đã và đang chuyển hướng về phương Tây. Tỷ trọng xuất khẩu của nước này sang EU tăng từ khoảng 30% năm 2014 lên 36% năm 2020, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Nga giảm từ 18% xuống 5,5%. Một cách để khuyến khích cải cách là yêu cầu hội nhập sâu hơn vào các thị trường và chuỗi cung ứng châu Âu - chẳng hạn như thông qua con đường trở thành thành viên EU. 

Điều này sẽ không dễ dàng. Chiến tranh càng kéo dài, Ukraine càng có nhiều thiệt hại và nhiệm vụ tái thiết càng trở nên khó khăn hơn. Sẽ không có bất kỳ khoản chi tiêu nào có thể bù đắp được thiệt hại khủng khiếp từ chiến tranh. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch cẩn thận, ít nhất cũng có thể đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn, giàu có hơn.

Có thể bạn quan tâm: 

Châu Á sẽ trở thành 'thị trường mặc định' cho dầu của Nga

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới