Hủy
Thế giới

Cơ may nào cho các nền kinh tế mới nổi của khối MINT?

Thứ Ba | 29/09/2015 08:30

Liệu khối MINT gồm các nước Mexico, Indonesia, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ có còn giữ được sức hút của các thị trường mới nổi?
 

Có thời gian các nền kinh tế trên thế giới đều ao ước được là một thành viên trong khối BRIC, gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (sau đó có thêm Nam Phi). Khối này đại diện cho tính năng động kinh tế và những triển vọng xán lạn của các thị trường mới nổi nói chung. Điều đó đã thu hút các nhà đầu tư rót vốn vào các thị trường này. Đến năm 2014, Jim O’Neil, từng là chuyên gia kinh tế trưởng tại Goldman Sachs và chính là người đã đưa ra thuật ngữ BRIC, lại bắt đầu ca tụng một nhóm nền kinh tế khác. Đó là các nền kinh tế mới nổi thuộc khối MINT gồm các nước Mexico, Indonesia, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ được xem là điều vĩ đại kế tiếp của thế giới.

Khối MINT sở hữu những đặc điểm tương tự như khối BRIC lúc ban đầu: dân số lớn, tốc độ tăng trưởng mạnh, tầng lớp trung lưu mới nổi đang tăng nhanh và nền văn hóa khởi nghiệp. Tuy nhiên, 18 tháng qua là sự vỡ mộng cho những người hâm mộ cả khối BRIC lẫn MINT. Brazil, Nam Phi và Nga đều rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế và Trung Quốc thì đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong nhiều năm.

Các nền kinh tế thuộc khối MINT cũng đang gặp nhiều khó khăn. Mỗi quốc gia đều có những vấn đề khác nhau, nhưng nhìn chung, họ đều gặp bất ổn liên quan đến chính trị và tăng trưởng kinh tế thì đang chậm lại. Các nhà đầu tư từng rất hào hứng về các thị trường này giờ khó mà phớt lờ các vấn đề mang tính căn cơ tại đây.

Nigeria trong ngắn hạn đối mặt với nhiều thách thức lớn về kinh tế và chính trị. Nước này đang trong cuộc chiến kéo dài chống lại phần tử khủng bố Boko Haram, khiến hàng triệu người phải đi tị nạn. Trong khi đó, việc giá dầu giảm mạnh đã làm cho nguồn thu từ xuất khẩu cũng như nguồn thu của chính phủ bị ảnh hưởng nặng nề.

Giá dầu giảm cũng là một vấn đề cho cả Mexico lẫn Indonesia, vì cả hai đều là các nhà xuất khẩu lớn. Phần tử Hồi giáo cũng là một nỗi đau đầu đối với Indonesia nhưng mọi thứ có vẻ tương đối im ắng trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ thì lại đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột tại nước láng giềng Syria. Cuộc nội chiến kéo dài tại đó đã khiến cho hàng triệu người dân phải đi tị nạn, khoảng 2 triệu trong số đó đang ở tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền nước này còn phải đối phó với phiến quân người Kurd.

Tình hình chính trị cũng không mấy chắc chắn khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan quyết định mở cuộc bầu cử vào ngày 1.11 tới. Mục đích của ông là tìm cách đảm bảo đa số ghế trong Quốc hội để ông có thể thay đổi hiến pháp và củng cố quyền lực tổng thống.

Trong suốt thập niên sau năm 2003, khi ông Erdogan lên cầm quyền, Thổ Nhĩ Kỹ đã tận hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và không có bóng dáng của lạm phát. Điều đó đã nâng cao tiếng tăm của ông Erdogan về khả năng lèo lái đất nước và thu hút nhà đầu tư rót vốn vào thị trường này. Tuy nhiên, với các chỉ số vĩ mô không mấy khả quan, Thổ Nhĩ Kỳ cần có bàn tay điều hành kinh tế hiệu quả để lấy lại niềm tin của giới đầu tư quốc tế.

Có thể thấy lạm phát hiện ở mức khoảng 8%, tỉ lệ thất nghiệp là 11,3%. Đất nước này lại bị thâm hụt tài khoản vãng lai nặng nề, chiếm tới khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thổ Nhĩ Kỳ rất dễ bị tổn thương khi dòng vốn nước ngoài tháo chạy ồ ạt. 

Hạng mức tín nhiệm đầu tư trong hơn 2 năm qua của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ lung lay khi gần đây, Moody’s đã đưa ra triển vọng tiêu cực về nước này. Mất hạng mức đầu tư sẽ càng làm tồi tệ thêm tình trạng bán tháo cổ phiếu và trái phiếu Thổ nhĩ Kỳ, vốn đã tổng cộng khoảng 5 tỉ USD tính từ đầu năm cho đến hết tháng 8.2015. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng hơn 3 điểm phần trăm từ đầu năm, mức cao nhất trong số 20 thị trường mới nổi mà Bloomberg theo dõi. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư đang đòi mức lãi cao hơn để bù cho những rủi ro mà họ gánh chịu khi mua trái phiếu nước này.

“Tôi chắc chắn Thổ Nhĩ Kỹ sẽ bị hạ bậc tín nhiệm nếu mọi thứ không thay đổi. Và rất khó để tìm thấy thay đổi đó sẽ đến từ đâu”, ông Markus Iraly, đứng đầu mảng giao dịch hối đoái thị trường mới nổi tại Toronto-Dominion Bank ở London, nhận xét.

Mexico cũng gặp vấn đề về niềm tin chính trị. Khi Tổng thống Enrique Peña Nieto lần đầu lên cầm quyền vào năm 2012, ông đã được chào đón cả ở trong nước lẫn nước ngoài như một nhà lãnh đạo năng động và có uy tín. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, chính quyền của ông lại rơi vào các vụ bê bối tham nhũng, tăng trưởng kinh tế chững lại và dân chúng phản đối trước vụ thảm sát hàng loạt sinh viên và cuộc trốn ngục của một trong những tên trùm ma túy khét tiếng nhất nước.  Kết quả là theo khảo sát ý kiến của dân chúng, Tổng thống Mexico giờ được đánh giá là nhà cầm quyền ít được ủng hộ nhất nước này trong khoảng 40 năm.

Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cũng khiến cho người dân thất vọng sau 1 năm tại nhiệm. Khảo sát của Indonesia Survey Circle cho thấy chỉ 42,29% dân chúng hài lòng với chính phủ vào tháng 1, giảm từ mức 71,73% trong tháng 8.2014, không lâu sau khi ông được chọn làm Tổng thống.

Điều đó cũng là dễ hiểu khi tăng trưởng kinh tế Indonesia dưới mức 5% trong 2 quý vừa qua. Một nguyên nhân lớn là tăng trưởng kinh tế Trung quốc chậm lại, khiến nhu cầu đối với hàng hóa Indonesia giảm mạnh. “Với việc nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, Ngân hàng Trung ương Indonesia sẽ phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng”, Gareth Leather, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nhận xét.

Nhưng cơ quan này lại đang bị bó giò khi lạm phát giá cả đã lên mức 7,2% trong tháng 8, đồng rupiah thì mất giá xuống mức từng được chứng kiến trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối thập niên 1990.

Ông Widodo đã tung ra đợt đầu tiên của gói kích thích kinh tế lớn, cắt giảm các thủ tục rườm rà, đơn giản hóa quá trình cấp phép và giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn. Thế nhưng, giới phân tích cho rằng còn quá sớm để lạc quan về khả năng lãnh đạo của ông. “Có những thay đổi nhưng tôi không chắc về khâu triển khai thực thi. Đó là vấn đề lớn nhất của ông Widodo ngay từ đầu”, Yohanes Sulaiman, chuyên gia phân tích chính trị tại Jakarta, nhận xét.

Nhìn chung, các nền kinh tế thuộc khối MINT giờ đang đối mặt với sự thật rằng các nhà đầu tư trên khắp thế giới đã không còn mặn mà với các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, cũng có những thông tin tốt lành. Nigeria, chẳng hạn, đã có đợt bầu cử Tổng thống thành công vào đầu năm nay. Đây là cuộc chuyển giao quyền lực êm xuôi đầu tiên trong 55 năm kể từ khi Nigeria tuyên bố độc lập. Điều quan trọng hơn là vị tổng thống mới Muhammadu Buhari dường như thực sự cam kết giải quyết vấn đề tham nhũng, vốn là nhân tố kiềm hãm đà tăng trưởng của Nigeria trong nhiều thập niên.

Trong khi đó, tăng trưởng mạnh hơn ở phía bắc biên giới có thể thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa Mexico. Và nước này có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc chi phí lao động đang gia tăng ở Trung Quốc, vốn khiến Mexico trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà sản xuất muốn xuất khẩu sang Mỹ.

Trên hết, các nhân tố đã thúc đẩy sự thành công của các thị trường mới nổi vẫn chưa biến mất. Trong trung hạn, quá trình toàn cầu hóa, giao thương quốc tế sâu rộng hơn, chi phí lao động tương đối thấp và tầng lớp trung lưu gia tăng vẫn tiếp tục là những yếu tố mà nhà đầu tư không thể bỏ lơ.

Đàm Hoa

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới