Hủy
Thế giới

Gần hết tiền mặt, khoảng 50% nhà bán lẻ Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ trong 6 tháng tới

Vũ Hạo Thứ Tư | 25/03/2020 09:36

Ảnh: DNSG

 
 
Gần 50% các công ty tiêu dùng đã niêm yết của Trung Quốc không có đủ tiền mặt để tồn tại trong 6 tháng tiếp theo...

Điều này nhấn mạnh đến sự cấp bách của Trung Quốc trong việc tái khởi động nền kinh tế và thúc đẩy người dân chi tiêu trở lại.

Trong lúc dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng phải ở nhà. Do đó, các nhà hàng hiện đang ở tình thế tồi tệ nhất, với khoảng 60% không thể trang trải chi phí lao động và thuê mặt bằng, theo số liệu từ Bloomberg và báo cáo của 50 công ty niêm yết. Nằm trong số các công ty kinh doanh trang sức và may mặc, gần một nửa không có đủ tiền mặt để trang trải chi phí trong 6 tháng, trừ khi nhu cầu tăng đột biến, dữ liệu cho thấy

Mặc dù số lượng ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đã giảm dần và các nhà bán lẻ bao gồm Starbucks và Haidilao International Holding đã mở cửa trở lại hầu hết các cửa hàng ở khu vực có rủi ro nhiễm bệnh thấp, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng dường như chưa có dấu hiệu hồi phục nhanh chóng. Điều này là do họ vẫn ngần ngại ra khỏi nhà sau nhiều tuần được Chính phủ cảnh báo về khả năng lây nhiễm chéo khi tiếp xúc với người khác.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang cảnh giác với làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai, một phần từ những người từ những khu vực có ca nhiễm trở về nước.

Dù rằng các nhà máy Trung Quốc đã hoạt động trở lại, nhưng hy vọng về đà phục hồi hình chữ "V" trong ngành bán lẻ và dịch vụ đã giảm dần khi đại dịch lan rộng trên toàn cầu.

Cho tới nay, Covid-19 đã lan rộng ra 197 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019, khiến hơn 420.000 người nhiễm bệnh và hơn 18.000 người tử vong. Trong khi Trung Quốc dần dần ổn định thì Mỹ và Italy lại nổi lên thành ổ dịch mới.

Cạn tiền mặt. Nguồn: Bloomberg
Cạn tiền mặt. Nguồn: Bloomberg

Tại Trung Quốc, các công ty tiêu dùng lớn nhất có khả năng tồn tại trong khoảng thời gian dài nhất. Chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao có tới hàng trăm triệu USD để hỗ trợ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng. Bên cạnh đó, công ty bán lẻ Anta Sports và Chow Tai Fook Jewellery cũng có thể chi trả chi phí bán hàng và marketing trong hơn 6 tháng.

Những công ty khác phải đối mặt với “đường cùng” sớm hơn nhiều. Leysen Jewelry chỉ có thể giải quyết các khoản chi phí cố định trong 3 tháng. Nhà điều hành các cửa hàng thức ăn nhanh Jiumaojiu và hãng sản xuất giày Daphne sẽ sớm hết sạch tiền mặt nếu người dân cứ tiếp tục ở nhà.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã và đang sụp đổ khi cạn dần tiền mặt. Tuy nhiên, các công ty tiêu dùng niêm yết còn đối mặt mối rủi ro kinh tế lớn hơn, khi một trong số công ty này sử dụng hàng ngàn người lao động trên cả nước. Các nhà phân tích dự đoán các công ty tiêu dùng sẽ đóng cửa và sa thải nhân viên.

"Số lượng cửa hàng của các nhà bán lẻ, nhà hàng chịu lỗ sẽ tăng lên khi đại dịch Covid-19 tiếp tục gây sức ép đối với tâm lý người tiêu dùng”, Catherine Lim, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho hay. “Dòng tiền ra (outflows) từ hoạt động kinh doanh tăng lên khi doanh số ở những cửa hàng này vẫn ở dưới chuẩn, từ đó có thể khiến các nhà vận hành phải đóng cửa".

Đòn giáng nặng nề

Dữ liệu công bố trong ngày thứ Hai (16/03) cho thấy doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã sụt giảm 20,5% trong 2 tháng đầu năm nay, với ngành cung cấp phục vụ thức ăn giảm tới 43,1%. Ngành dịch vụ tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn hơn sản xuất. Tuần trước, các nhà kinh tế của Barclays ước tính sản lượng ngành dịch vụ trong tháng 2/2020 sẽ giảm khoảng 70% so với năm trước, sau đó hồi phục với mức giảm 40-45%. Trong khi đó, ngành sản xuất giảm 30-35%.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã giảm lãi suất, yêu cầu các ngân hàng thúc đẩy hoạt động cho vay và nới lỏng tiêu chuẩn đối với các công ty để họ tái khởi động và đưa nền kinh tế hoạt động trở lại quỹ đạo trước đó. Chính quyền các địa phương cũng đưa ra những biện pháp kích thích nhằm khuyến khích người dân ra khỏi nhà và chi tiêu.

Tỉnh An Huy, Giang Tây và Giang Tô tuần trước đã kêu gọi các quan chức tiên phong đến các nhà hàng, trung tâm thuơng mại đã mở cửa trở lại. Nam Kinh hiện đang chạy các chương trình khuyến mại tiêu dùng đối với đồ ăn và đồ uống, đồ thể thao, điện tử tiêu dùng và sách, trong khi người dân Hàng Châu được sử dụng xe buýt và tàu điện ngầm miễn phí.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, những nỗ lực ấy lại có vẻ quá muộn màng đối với ông Song Hongyang – nhà sáng lập nhà hàng Zui Weng Ting tại Thâm Quyến. Hôm 01/03, nhà hàng đã phải ngừng hoạt động sau hơn 20 năm, vì ông không thể chi trả khoản tiền thuê nhà hơn 10.000 tệ (1.400 USD) và tiền lương mỗi ngày cho nhân viên. Ông và chủ của ít nhất 3 nhà hàng gần đó đang cố gắng bán lại cửa hàng.

Song cho biết: "Tôi chưa từng trải qua giai đoạn nào khó khăn hơn thế này, hoạt động kinh doanh gần như không có".

Ông Song cho biết ngành kinh doanh dịch vụ phục vụ thức ăn thường không giữ lại nhiều tiền mặt, khi mà có lợi nhuận ổn định nhờ các khoản thanh toán của khách hàng nhưng dự trữ không có nhiều. Dịch bệnh Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào các công ty không có tiền mặt, trong đó số ca nhiễm bùng phát trong dịp Tết Nguyên Đán - thời điểm thường đóng góp 20-30% vào lợi nhuận hàng năm. Việc đóng cửa các nhà hàng và nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bất ngờ đã khiến họ khó có thể tồn tại.

Những công ty lớn có nhiều lựa chọn hơn là những chủ doanh nghiệp nhỏ như ông Song. Họ có thể tận dụng mạng lưới rộng để giảm bớt chi phí cố định như tiền thuê mặt bằng để trụ vững qua khủng hoảng.

“Các công ty lớn thường có khả năng đàm phán tốt hơn với các chủ đất vì lượng khách đến vì thương hiệu và công ty này cũng thuê nhiều chỗ khác của chủ đất này”.

Những công ty có thể trụ vững lâu hơn sẽ nhận thấy khủng hoảng chính là một cơ hội đối với họ. Các đối thủ cạnh tranh sẽ sụp đổ và họ có thể mua lại những công ty đó.

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới