Hủy
Thế giới

Hàn Quốc chật vật đối phó biến chủng Delta

Minh Duy Thứ Sáu | 30/07/2021 17:11

Một nhân viên y tế nghỉ ngơi bên trong trạm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Biến thể Delta là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát các ca COVID-19 mới ở Hàn Quốc, nơi từng là thành trì chống dịch trước đó.
 

Khi số ca nhiễm tăng cao kỷ lục và việc triển khai vaccine chậm chạp, một số người lo sợ rằng đại dịch sẽ không có hồi kết. Từng là câu chuyện thành công chống dịch được cả thế giới ngưỡng mộ, Hàn Quốc giờ đây đang “mướt mồ hôi” đối phó với biến chủng Delta giữa mùa hè.

Khai trương giữa đại dịch vào tháng 8.2020, cô Park Eun-sun - chủ nhà hàng Nostimo ở phía nam Seoul phải nỗ lực hơn rất nhiều để thu hút khách hàng, đồng thời phải tuân thủ nhiều biện pháp kiểm soát dịch.

Hiện, cô Park Eun-sun phải đối mặt với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bùng phát. Do số ca nhiễm liên tục tăng ở thủ đô Seoul, các nhà hàng phải đóng cửa trước 22 giờ và chỉ phục vụ cho nhóm khách không quá 2 người.

"Dù Hàn Quốc may mắn không phải phong tỏa hoàn toàn, công việc của chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều", chủ nhà hàng Nostimo nói.

Giống như nhiều người khác, cô Park cảm thấy thất vọng vì chiến dịch triển khai vaccine chậm chạp của Hàn Quốc. "Vì các nhà hàng vẫn mở cửa, sẽ thật tốt nếu các chủ nhà hàng và nhân viên được ưu tiên trong danh sách tiêm chủng. Nhưng thật không may, điều này đã không xảy ra", cô nói.

Theo The Guardian, Hàn Quốc từng chứng kiến đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất trên thế giới ngoài Trung Quốc trong giai đoạn đầu đại dịch. Quốc gia này đã được quốc tế ngưỡng mộ khi nhanh chóng đẩy lùi đợt bùng phát đầu tiên nhờ chiến dịch xét nghiệm và truy vết tiếp xúc quyết liệt, mà không cần các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như đóng cửa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thành công đó đang lùi dần vào quá khứ, Hàn Quốc phải đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất từ đầu tháng 7. Gần 1.900 ca nhiễm mới được báo cáo ngày 28.7, mức cao nhất từ trước đến nay. Khoảng 20 ngày qua, Hàn Quốc đều ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày trên 1.000. Hơn 195.000 và hơn 2.000 ca tử vong đã được báo cáo kể từ đầu dịch.

Cơ quan y tế Hàn Quốc lo ngại đợt bùng phát mới có thể chưa đạt đỉnh, khi biến thể Delta đang trở thành biến chủng vượt trội ở nước này. Biến chủng Delta chiếm tới hơn 50% số ca nhiễm mới, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết.

Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Hàn Quốc (dữ liệu cập nhật đến ngày 29.7.2021). Ảnh: Đại học Johns Hopkins.
Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Hàn Quốc (dữ liệu cập nhật đến ngày 29.7.2021). Ảnh: Đại học Johns Hopkins.

Để kiểm soát dịch, chính phủ Hàn Quốc đã áp đặt các biện pháp hạn chế COVID-19 cấp 4 ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận trong 4 tuần đến ngày 8.8. Theo đó, người dân không được tụ tập quá 2 người sau 18 giờ, trong khi nhà hàng và quán cà phê chỉ được phép phục vụ tới 22 giờ. Câu lạc bộ đêm và các địa điểm giải trí khác phải đóng cửa.

Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in trở thành tâm điểm chỉ trích của công chúng, khi nhiều người cho rằng Hàn Quốc đã ngủ quên trong chiến thắng mà chưa đảm bảo nguồn cung vaccine để cho phép đất nước trở lại cuộc sống bình thường.

Công viên sông Hàn ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: REX.
Công viên sông Hàn ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: REX.

Hàn Quốc hiện là một trong 2 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất khi chỉ 13,6% dân số tiêm chủng đầy đủ, còn Australia với tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ là 13,51%. Nhiều người cho rằng chính phủ nước này đã chậm chạp triển khai chiến dịch tiêm chủng, khiến người dân và doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với các biện pháp gần như phong tỏa, đe dọa nền kinh tế và cuộc sống.

Chính phủ Hàn Quốc đã ký thỏa thuận mua vaccine AstraZeneca, Pfizer và Moderna, nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung và vận chuyển đình trệ đã cản trở chiến dịch triển khai của nước này.

"Tình trạng giãn cách xã hội nghiêm ngặt có thể đã tránh được nếu chính phủ có cách tiếp cận dài hạn hơn", Giáo sư Shin Eui-cheol Trường Khoa học và Kỹ thuật Y tế KAIST, nhận định.

 

Trong suốt đại dịch, một nhóm nhân viên y tế cũng lên tiếng chỉ trích chính phủ, khi họ thường phải làm việc nhiều giờ trong tình trạng có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Nhiều người cũng lên tiếng đòi cải thiện về tiền lương và điều kiện làm việc.

"Bác sĩ và y tá đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 phải chịu nhiều căng thẳng tới mức gần như kiệt sức", bác sĩ Park Jae-young kiêm tổng biên tập Tuần báo Bác sĩ Hàn Quốc nói.

Ông Park Jae-young cho rằng: thay vì mong đợi một "kỷ nguyên hậu đại dịch", các chuyên gia y tế nên chuẩn bị cho một tương lai sống chung với COVID-19.

"Xem xét đặc tính của nCoV như khả năng lây truyền, biến đổi và tỉ lệ tiêm chủng, dường như chúng tôi sẽ sống chung với nó mãi mãi", bác sĩ Park Jae-young nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Hy vọng "xóa sổ" sốt rét nhờ công nghệ vaccine COVID-19


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới