Hủy
Thế giới

Khi Mỹ và EU bắt tay tự do hóa thương mại

Thứ Sáu | 05/07/2013 13:12

Tự do hóa thương mại sẽ thúc đẩy 2 đầu tàu kinh tế và tạo đối trọng với các nền kinh tế mới nổi BRICS.
 

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã không ngần ngại ấn định thời điểm khởi động đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) vào tháng 7 này.

Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng TTIP giữa EU và Mỹ là một thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định rằng nếu được hoàn tất, TTIP sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai bên lên đến 1.000 tỷ USD/năm và tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm. Ông Obama lưu ý rằng quan hệ Mỹ-EU là mối quan hệ lớn nhất trên thế giới.

Do đó sự hợp tác song phương sẽ làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, trong đó có tăng cường xuất khẩu, giảm rào cản thương mại và đầu tư, trong chiến lược phát triển rộng lớn hơn của cả hai nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội việc làm ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và là một thành viên chủ chốt của đoàn đàm phán EU, hồ hởi: "Chúng tôi mong muốn tiến trình được thúc đẩy nhanh hơn và đó chính là nền tảng để chúng tôi đạt được các tiến bộ".

Nếu đàm phán thành công, mỗi năm TTIP có thể giúp tăng thêm từ 0,5-1% GDP cho cả hai bên, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm mới. Một khi có hiệu lực, TTIP có thể mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ euro mỗi năm, nhiều hơn con số 95 tỷ euro mà nền kinh tế Mỹ có thể thu về hằng năm.

t
Kinh tế Mỹ-EU hiện chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại của toàn cầu. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu. Năm 2011, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Mỹ và châu Âu mới đạt 449 tỷ euro. Chỉ 1 năm sau, con số đó đã tăng lên 646 tỷ euro. Năm 2012 Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất của EU với 99 tỷ euro, chiếm 66% tổng vốn đầu tư của nước ngoài vào EU và dòng vốn trực tiếp nước ngoài giữa hai bờ Đại Tây Dương lên tới 1.000 tỷ USD.

Có thể nói lợi ích mà TTIP mang lại cho Mỹ và EU rất thiết thực. Kim ngạch trao đổi thương mại lớn khiến việc hủy bỏ các loại thuế quan và rào cản phi thuế quan càng thêm cần thiết và quan trọng đối với cả hai. Mỹ và EU hy vọng, sau khi hình thành, khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới này sẽ tạo động lực mới thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương, giúp gia tăng nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm. Nhưng đằng sau đó là sự liên kết để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc nói riêng và BRIC nói chung. Mỹ và EU có thể dựa vào nhau để có vị thế và ưu thế mới trong quan hệ với các đối tác khác.

Đề xuất tự do hóa khu vực thương mại EU-Mỹ được coi là "lối ra" cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chìm trong suy thoái và thất nghiệp. Số liệu từ Cơ quan Thống kê EU (Eurostat) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đã tăng lên mức cao kỷ lục mới 12,2% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ khi các số liệu bắt đầu được thống kê vào năm 1995. Còn tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi dưới 25 trong 27 nước thành viên EU lên tới 23,5% (từ 1/7/2013 EU đã có thêm thành viên thứ 28 là Croatia). Eurozone đang trải qua đợt suy thoái dài kỷ lục 6 quý kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999 khi GDP quý I/2013 giảm 0,2%.

Mỹ cũng kỳ vọng TTIP sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế đang khá ì ạch khi tốc độ tăng GDP quý I chỉ vào khoảng 2,5% và tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 lại tăng lên 7,6% so với 7,5% trong tháng 4. Trong cuộc khủng hoảng 2007-2009, nền kinh tế Mỹ bị mất tổng cộng 8,7 triệu việc làm và cho tới nay mới tạo được tổng cộng 6,3 triệu việc làm. Tổng số lao động ở Mỹ không có việc làm hiện nay là 11,7 triệu người.

Nội dung vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và EU bắt đầu từ 8/7 là thống nhất về phạm vi và quy mô các vấn đề sẽ bước vào đàm phán. Nhưng theo giới phân tích, sự bắt tay lần này của Mỹ đòi hỏi không ít đánh đổi từ châu Âu, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, rào cản lớn nhất đối với TTIP. Pháp đã lên tiếng khẳng định sẽ sử dụng mọi quyền lực của mình để phủ quyết điều khoản thỏa thuận về lĩnh vực sản phẩm nghe nhìn, nhân tố có thể sẽ châm ngòi cho sự đổ vỡ của hiệp định đầy hứa hẹn này.

Trong khi đó, tự do buôn bán các sản phẩm văn hóa là một nội dung phía Mỹ yêu cầu phải đưa vào chương trình nghị sự đàm phán TTIP.

Anh và Đức lo ngại rằng, nếu Pháp kiên quyết đòi loại các sản phẩm văn hóa khỏi các cuộc đàm phán thì phía Mỹ có thể sẽ trả đũa bằng việc yêu cầu loại lĩnh vực vận tải hàng hóa đường biển hoặc mua sắm công khỏi chương trình nghị sự đàm phán.

Vì lo ngại lại thất bại như cách đây hơn một thập niên, 26 thành viên (cũ) khác của EU đã phải chấp nhận yêu sách của Pháp nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh của văn hóa Hollywood. Nhưng EC có quyền đưa ra "bất kỳ vấn đề gì" trong quá trình đàm phán sau này nếu thấy phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cả hai bên. Điều này cũng có nghĩa là EC có thể nêu trở lại vấn đề trên tùy vào tiến trình đàm phán.

y

Mặc dù vậy, Chủ tịch EC Barroso cho rằng việc phản đối TTIP là một hành vi "chống lại toàn cầu hóa". Tổng thống Obama cũng cảnh báo về mọi ý định thu hẹp quy mô các lĩnh vực đàm phán của TTIP.

Do các biểu thuế giữa Mỹ và EU tương đối thấp, phần khó khăn nhất của các cuộc đàm phán sắp tới sẽ là giảm bớt các quy định và các hàng rào "phi chính thức khác" đã ngăn cản hoạt động thương mại trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến hoá chất, ô tô hay tài chính.

Ông Henry Jasny, Phó Chủ tịch Advocates for Highway & Auto Satefy, một liên minh giữa các tổ chức tiêu dùng và công ty bảo hiểm, lo ngại rằng các cuộc đàm phán về giảm thiểu các hàng rào quy định trong lĩnh vực ô tô có thể dẫn tới sự rút bớt các quy định về an toàn đối với xe cộ trên toàn Đại Tây Dương. Trong khi đó, Tổ chức Bảo vệ Đại dương Quốc tế (OCEANA) mong muốn hai bên hạn chế các khoản trợ cấp khuyến khích hoạt động đánh bắt thuỷ sản quá mức và giảm bớt các hoạt động khai thác trái phép trên toàn cầu.

Chính sách thương mại hiện hành của EU và Mỹ đều có xung đột trong các lĩnh vực như nông nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ thông tin... Hơn nữa hai bên cũng vướng vào nhiều tranh chấp thương mại tay đôi kéo dài nhiều năm. Không những thế, những cáo buộc mới liên quan tới chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) có thể sẽ phủ mây đen lên bàn đàm phán, ảnh hưởng xấu tới nỗ lực tăng cường thương mại xuyên Đại Tây Dương, khiến các cuộc đàm phán có nguy cơ gặp nhiều khó khăn.

Một quan chức cấp cao ở Brussels cho rằng trước tiên cần phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của vụ bê bối này đối với đàm phán thương mại, bởi không thể tránh được những tranh cãi tại Nghị viện châu Âu và quan hệ song phương Mỹ-EU chắc chắn sẽ lâm vào sóng gió.

Mỹ và EU hy vọng có thể gác lại những tranh chấp và mâu thuẫn để thúc đẩy tiến trình đàm phán thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương đầy tham vọng, từ đó mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch trao đổi mậu dịch. Tuy nhiên, hy vọng này càng trở nên mong manh hơn khi vụ bê bối nghe lén bị "lộ sáng".

Nguồn Chinhphu.vn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới