Hủy
Thế giới

Làm thế nào để tạo ra nhiều việc làm hơn

Chủ Nhật | 13/07/2014 20:59

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers cho rằng vấn đề sẽ không chỉ là việc sản xuất đủ. Vấn đề là phải tạo ra đủ việc làm.
 

Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, rắc rối kinh tế lớn nhất của thiên niên kỷ là sự khan hiếm. Con người muốn nhiều hơn những gì có thể sản xuất ra. Thách thức đặt ra là phải sản xuất càng nhiều càng tốt và đảm bảo rằng tất cả mọi người được chia sẻ công bằng.

Điểm quan trọng là vấn đề đã thay đổi. Chẳng hạn, số người Mỹ béo phì hiện nhiều hơn nhiều những người suy dinh dưỡng. Tuy nhiên điều đó chỉ là một dấu hiệu của những gì đang đến. Thách thức kinh tế của tương lai sẽ không phải là sản xuất sao cho đủ mà sẽ là làm sao tạo ra đủ việc làm tốt.

Những gì diễn ra trong ngành nông nghiệp trong thế kỷ qua là ví dụ. Tỷ lệ người Mỹ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm từ mức 1/3 của 100 năm trước xuống còn khoảng 1% đến 2% hiện nay. Tại sao vậy? Bởi vì năng xuất nông nghiệp đã tăng ngoạn mục, cùng với việc cơ giới hóa đã giảm nhu cầu về người làm nông nghiệp, dù thực phẩm hiện nay phong phú hơn bao giờ hết.

Tất cả những điều này có tác động sâu rộng. Hàng chục triệu người đã chuyển từ nông thôn ra các khu vực thành thị để kiếm việc làm trong ngành sản xuất và dịch vụ. Chính phủ Liên bang Mỹ đã chi hơn 100 tỷ USD trong thập kỷ qua để hỗ trợ những người còn ở lại làm nông nghiệp.

Bất chấp những vẫn đề toàn cầu chắc chắn còn tồn tại, vấn đề trong ngành nông nghiệp Mỹ hiện giờ không còn liên quan tới việc đảm bảo rằng thực phẩm sẵn có, mà là đảm bảo sinh kế cho những người từng làm việc trong ngành nông nghiệp.

Phần mềm đang nuốt thế giới

Những gì đã xảy ra trong ngành nông nghiệp đang xảy ra với nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Theo lời của Marc Andreessen là “Phần mềm đang nuốt thế giới” (Software is eating the world). Số người Mỹ đang làm việc trong ngành sản xuất hiện tương đương với số người tàn tật. Có lý do chính đáng để chờ đợi số lao động sản xuất tiếp tục tăng trong vài năm tới. Tuy nhiên, xu hướng dài hạn vẫn không thay đổi và gần như phổ biến. Giống như trong nông nghiệp, công nghệ cho phép sản lượng ngày càng tăng trong khi số người lao động ngày càng giảm.

Chẳng quốc gia nào có thể mong muốn tăng khả năng cạnh tranh nhiều hơn Trung Quốc, thế nhưng nước này cũng ghi nhận số lao động ngành sản xuất giảm trong hai thập kỷ qua. Cùng với đó, các robot và cuộc cách mạng in 3-D vẫn đang nằm trong phương án hai của họ.

Nguồn: Gafin/WSJ

Thế còn dịch vụ? Một thế hệ kể từ bây giờ, xe taxi sẽ không cần người lái, kiểm soát tại bất kỳ cửa hàng bán lẻ nào cũng sẽ tự động, các trung tâm điện thoại sẽ tự hoạt động bằng công nghệ nhận diện giọng nói; các câu chuyện tin tức thường kỳ sẽ được viết bằng chương trình; việc tư vấn sẽ được thực hiện bởi các hệ thống chuyên môn; phân tích tài chính sẽ được thực hiện bằng phần mềm; một giáo viên sẽ tiếp cận được tới hàng ngàn sinh viên và phần mềm sẽ giúp họ phân loại các bài tập về nhà xe điểm mạnh, điểm yếu của chúng là gì; và còn nhiều thứ khác nữa.

Các công việc đó đang mất đi là bởi năng suất lao động tăng lên sẽ được giải phóng để làm những việc khác trong những ngành khác. Tuy nhiên, có nhiều lý do để nghĩ rằng cuộc cách mạng phần mềm sẽ thậm chí sâu sắc hơn cuộc cách mạng nông nghiệp. Trong lần này, thay đổi sẽ tới nhanh hơn và tác động tới nhiều phần của nền kinh tế hơn. Các công nhân rời bỏ nông nghiệp có thể chuyển sang nhiều công việc khác trong lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay, số lĩnh vực cắt giảm việc làm thì nhiều hơn là số đang tạo ra việc làm.

Đồng thời, ngành công nghệ phần mềm cũng giống như những ngành khác, bản thân nó và việc làm mà nó tạo ra không phải là mãi mãi. Cách đây không lâu, người ta cho rằng đầu video có thể làm hại tới ngành công nghiệp phim chiếu rạp nhưng Blockbuster, hãng chuyên cho thuê băng đĩa phim mới là doanh nghiệp tạo ra việc làm lớn.

Những xu hướng rắc rối trong thị trường lao động

Công việc sẵn có là một vấn đề kinh niên của nước Mỹ. Hãy xem những gì xảy ra với những người đàn ông trong độ tuổi từ 25 tới 54, một nhóm cung cấp thông tin quan trọng để xem xét bởi đang có kỳ vọng mạnh mẽ về công việc nói chung.

Khoảng 50 năm trước, cứ 20 người đàn ông trong độ tuổi đó thì có 1 người không có việc. Kể từ đó đến nay, lực lượng lao động đã có sức khỏe ổn định hơn và trình độ học vấn tốt hơn. Thực vậy, sự cải thiện về trình độ học vấn đã lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta chờ đợi có thể diễn ra tương tự trong hai thế hệ tới. Hiện nay, một ước tính khác cho thấy cứ 6 người đàn ông trong độ tuổi từ 25 đến 54 thì có 1 người sẽ không làm việc nếu và khi nền kinh tế quay trở lại các điều kiện chu kỳ bình thường.

Nếu những xu hướng hiện giờ tiếp diễn, sau một thế hệ tính từ bây giờ thì ¼ số người đàn ông trung niên sẽ không có việc làm. Trong một thế giới như thế, hơn một nửa đàn ông sẽ không có việc làm hơn 1 năm trong một số thời điểm trong những năm sung sức nhất của họ. Chúng ta vẫn chưa thể biết liệu họ có khả năng quay lại làm việc sau khi trải qua những thời điểm khó khăn đó. Nhưng từ kinh nghiệm đã có với những người đàn ông không có việc làm trong thời gian dài bởi Đại Suy Thoái thì điều này quả thực rắc rối.

Vì thế nên thách thức đối với chính sách kinh tế sẽ ngày càng tăng lên là việc tạo ra đủ việc làm cho tất cả những ai cần làm việc để có thu nhập, sức mua và phẩm giá. Điều này đòi hỏi những gì? Vai trò của chính phủ đã phải chuyển đổi để đáp ứng các nhu cầu của một thời đại công nghiệp. Chúng ta sẽ cần chính phủ làm điều tương tự để đáp ứng nhu cầu của thời đại thông tin.

Nguồn Theo DVO/WSJ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới