Hủy
Thế giới

Người vực dậy nền tài chính Nga (phần 2)

Thứ Sáu | 04/01/2013 19:04

Đầu năm 2010, các phương tiện truyền thông được phen “dậy sóng” vì tranh cãi giữa ông Kudrin và trợ lý tổng thống Dvorkovich về chính sách hiện đại hóa.
 

Tháng 3/2008, phó thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev khi đó đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, trên thực tế với sự ủng hộ tuyệt đối từ tổng thống đương nhiệm đầy uy tín Vladimir Putin và một số đảng phái chính trị trong nước, đặc biệt là đảng "Nước Nga thống nhất".

Ngày 7/5/2008, ông Medvedev tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga. Tổng thống mới đã ký một sắc lệnh "Về sự từ nhiệm của chính phủ Liên bang Nga", sau đó giao trách nhiệm cho các thành viên nội các, bao gồm Kudrin, tiếp tục hoạt động cho đến khi hình thành một chính phủ mới của Nga.

Đồng thời, tổng thống Medvedev khi đó đề nghị Duma Quốc gia phê chuẩn Putin làm thủ tướng. Ngày 8/5/2008 tại một phiên họp toàn thể đặc biệt của Duma Quốc gia Nga, các đại biểu đã chấp thuận ông Putin là thủ tướng chính phủ Nga. Cùng ngày tổng thống Medvedev đã ký một sắc lệnh tương ứng. Sau đó ít hôm, Kudrin chính thức được bổ nhiệm chức vụ phó thủ tướng, kiêm bộ trưởng tài chính trong chính phủ của Vladimir Putin.

Tháng 12/2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã để lại các hậu quả khá nặng nề đối với Nga (trái với giả định của Kudrin, nước Nga không thể trở thành "một nơi trú ẩn yên bình cho các nhà đầu tư"). Từ đầu năm 2009, Kudrin đã nhiều lần đưa ra các dự báo và bình luận về trạng thái của hệ thống tài chính và ngân hàng của Nga. Ông nói rằng đất nước sẽ không thể nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng vì sự sụt giảm của thương mại thế giới và sự sụt giảm của giá dầu, khi cuộc khủng hoảng càng lún sâu, nhu cầu nguyên liệu sẽ giảm.

Ông Medvedev thời kỳ còn giữ chức tổng thống Nga và ông Kudrin.
Ông Medvedev thời kỳ còn giữ chức tổng thống Nga và ông Kudrin.

Ông dự đoán sự xuất hiện của một "làn sóng của cuộc khủng hoảng" mới trong ngành ngân hàng sẽ là nguyên nhân gây ra sự tăng trưởng của "nợ xấu". Một môi trường thuận lợi như trong 10 năm qua đối với Nga sẽ không lặp lại trong 10-50 năm tới. Đối thủ của ông trong cuộc tranh luận công khai là bộ trưởng bộ phát triển kinh tế Elvira Nabiullina và trợ lý của tổng thống Medvedev, Arkady Dvorkovich. Hai nhân vật này đã không chia sẻ quan điểm bi quan của người đứng đầu bộ tài chính về tốc độ phục hồi có thể của nền kinh tế Nga.

Về phần mình, Kudrin chỉ trích đối tác của mình đã đưa ra “những tuyên bố mị dân”. Chưa dừng lại ở đó, đích thân tổng thống Medvedev khi đó tại một cuộc họp với các doanh nhân đã yêu cầu các thành viên chính phủ kiềm chế không dự đoán vô căn cứ và "nói ít một chút".

Theo ông Medvedev, những người không thể chế ngự được sự bi quan quá mức, nên tìm công việc khác. Mặc dù cựu tổng thống không nêu đích danh ai, nhưng các nhà quan sát cho rằng những ám chỉ trong phát ngôn rõ ràng là nhằm vào cựu bộ trưởng Kudrin.

Đầu năm 2010, các phương tiện truyền thông lại được một phen “dậy sóng” vì tranh cãi nảy lửa giữa ông Kudrin và trợ lý tổng thống Dvorkovich về chính sách hiện đại hóa, mà chính tổng thống Nga là người đề xuất. Ông Kudrin thì nhấn mạnh cần giúp các doanh nghiệp từ bỏ công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, và hỗ trợ kinh doanh đồng thời có chính sách cạnh tranh thông qua việc hỗ trợ các nhà đầu tư để duy trì sự ổn định ngân sách mà không phải tăng thuế.

Ngược lại, ông Dvorkovich không đồng ý với Kudrin trong đánh giá hiệu quả của chính sách hỗ trợ quốc gia, mặc dù không đưa ra ví dụ cụ thể các công ty, doanh nghiệp đã nhận được tiền viện trợ nhà nước và đồng thời giảm nhân viên, tăng năng suất và thực hiện một bước đột phá công nghệ.

Đối thủ của cựu bộ trưởng tài chính tuyên bố không thể tránh khỏi việc cắt giảm chi tiêu cho lĩnh vực xã hội và cần phải “dạy công dân làm quen với thực tế mới, ở đó không có chỗ cho khí thế chi tiêu như thời Liên Xô cho nền y tế miễn phí, giáo dục trung học và lương hưu”. Đồng thời, ông tin rằng sự giảm mức sống người dân sẽ không xảy ra, bởi vì họ sẽ được hưởng lợi từ hiện đại hóa.

Năm 2011, Kudrin tiếp tục chỉ trích các chính sách kinh tế của chính phủ Nga, đặc biệt là các dự báo phát triển đất nước đến năm 2030 do bộ phát triển kinh tế soạn thảo. Ông cũng bày tỏ mong muốn rằng "Chính phủ cần phải nhất quán hơn trong thực hiện các quy tắc đã công bố và tự do hơn".

Nguồn Thời báo ngân hàng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới