Hủy
Thế giới

Trung Quốc trước nguy cơ giảm phát

Thứ Năm | 12/11/2015 15:12

Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc tiếp tục giảm xuống còn 1,3% trong tháng 10, từ đó gây áp lực lên chính sách điều hành tiền tệ.
 

Theo số liệu được Tổng cục thống kê Trung Quốc (NBS) công bố trong ngày 10/11, cho chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 10 của nước này đạt 1,3%.

Như vậy, mức lạm phát của nước này liên tục sụt giảm trong 3 tháng gần đây, từ mức 2% trong tháng 8 giảm xuống 1,6% trong tháng 9 và giờ là 1,3%. 
 

Trung Quoc truoc nguy co giam phat
Chỉ số CPI của Trung Quốc sụt giảm liên tiếp trong 3 tháng gần đây

Một quan chức của NBS là ông Yu Qiumei cho rằng sở dĩ chỉ số CPI của nước này sụt giảm, phần lớn do giá thịt lợn và giá rau quả giảm, còn nguyên nhân sâu xa hơn là do tình trạng thừa cung tại nước này. 

Giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm 1% so với tháng trước. Được biết, các mặt hàng này chiếm tới gần 1/3 tỷ trọng trong chỉ số CPI của Trung Quốc. 

Trung Quoc truoc nguy co giam phat
Chỉ số sản xuất PPI không thay đổi trong suốt 3 tháng qua

Bên cạnh đó, Chỉ số giá sản xuất (PPI) đứng yên tại mốc âm 5,9% trong suốt 3 tháng qua, đánh dấu sự sụt giảm liên tiếp trong 44 tháng qua do lực cầu tại Trung Quốc khá yếu.

Nếu so sánh theo tháng, chỉ số PPI trong tháng 9 đã giảm 0,4%. Như vậy, chỉ số sản xuất trong 10 tháng đầu năm nay đã giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, giá nguyên vật liệu của các thành phẩm đầu ra, đóng góp đến 5,8% tỷ trọng của chỉ số PPI đã giảm 7,6% tính riêng trong tháng 10 vừa qua. Lượng hàng hóa tiêu dùng cũng giảm 0,4% trong suốt giai đoạn này.

Trong tương lai, xu hướng sụt giảm này nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài. Lý giải cho điều này, Công ty chứng khoán Minsheng cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do các ngành công nghiệp chủ lực của Trung Quốc đang phải vật lộn để thoát khỏi tình trạng dư thừa sản xuất và lực cầu hàng hóa trong ngành công nghiệp không có nhiều cải thiện. Một nguyên nhân khác là do việc thay đổi cơ cấu kinh tế đang diễn ra tại nước này.

 Minsheng nhấn mạnh thêm rằng việc cả hai chỉ số PPI và CPI sụt giảm đang đặt ra áp lực giảm phát, từ đó gây áp lực lên chính sách tiền tệ của Trung Quốc theo hướng nới lỏng, bao gồm cả việc cắt giảm mức lãi suất điều hành.

Kể từ đầu năm cho đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phải cắt giảm mức lãi suất tham chiếu và có tới 5 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hệ thống ngân hàng của nước này.

Trước bối cảnh hiện nay, Minsheng đưa ra dự đoán nhiều khả năng PBOC sẽ bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để cải thiện khả năng thanh khoản của hệ thống.
 

Thiên Minh

Nguồn Chinadaily


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới