Trung Quốc và TPP hay phương án “Chú ngựa thành Troy”
Liệu có phải Trung Quốc đang nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu hiện tại của TPP hay đây chỉ là phương án “Chú ngựa thành Troy” nhằm phá hỏng nội dung các cuộc đàm phán từ bên trong?
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm nhờ tầm ảnh hưởng mà nó có thể mang lại đối với các cuộc đàm phán kinh tế và thương mại toàn cầu. Hồi tháng 5, tin tức về việc Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất châu Á – đang nghiên cứu khả năng tham gia vào các cuộc đàm phán của TPP đã thu hút khá nhiều sự quan tâm và bình luận của giới quan sát.
Động thái này của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều mối quan ngại. Đặc biệt vào tháng 7 năm nay, các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA) đã bị hoãn lại sau khi Trung Quốc đưa ra một loạt các yêu cầu được cho là không hợp lý về việc cắt giảm thuế quan cho gần 150 sản phẩm.
Liệu có phải Trung Quốc đang thực sự nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu hiện tại của TPP hay đây chỉ là phương án “Chú ngựa thành Troy” nhằm phá hỏng hay làm chệch hướng nội dung các cuộc đàm phán từ bên trong là một câu hỏi lớn.
Phương án này dưới cách nhìn của Trung Quốc là hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu. Giả sử Trung Quốc nằm ngoài sự lớn mạnh và thành công của TPP hay Hiệp định thương mại dịch vụ - TiSA, nước này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do các nước tham gia đều được hưởng lợi ích và nâng cao khả năng cạnh tranh. Vị thế thương mại của Trung Quốc sẽ dễ bị lung lay và sụt giảm.
Vì vậy, Trung Quốc hoàn toàn không muốn nằm ngoài cuộc chơi. Nhưng mặt khác, việc tham gia vào một hiệp định lớn với những yêu cầu khắt khe cũng sẽ gây bất lợi cho quốc gia này. Trung Quốc vẫn còn kém xa so với các nền kinh tế tiên tiến về chất lượng, quy mô và ngành dịch vụ của nước này còn khá non trẻ. Thêm vào đó, nhiều công ty của Trung Quốc phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các điều khoản của TPP.
Có thể nói Trung Quốc đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu TPP hay TiSA đi trước và thành công, bỏ lại Trung Quốc, nước này sẽ hoàn toàn thua thiệt. Mặt khác, nếu Trung Quốc tham gia TiSA hay TPP khi các hiệp định này đang đặt ra các khuôn khổ, nước này cũng sẽ phải chịu thiệt hại. Trường hợp lý tưởng đối với Trung Quốc chỉ có thể là sự thất bại của 2 hiệp định này, khi đó việc tham gia hay không đối với Trung Quốc không còn quan trọng nữa.
Tất nhiên Trung Quốc vẫn chưa tham gia vào các cuộc đàm phán của TiSA hay TPP và cũng có khả năng bị loại trừ ngay cả khi nước này cố gắng tham gia. Dưới cách nhìn nhận của Trung Quốc, việc thực sự bắt tay vào làm một cái gì đó quan trọng hơn so với việc thực hiện nó trong hay ngoài khuôn khổ của các hiệp định.
Nguồn CafeF
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư