Hủy
Thế giới

Yếu tố nào sẽ giúp thị trường tăng điểm trong tuần này?

Thứ Hai | 22/12/2014 09:14

Khi kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh đang tới gần, những tín hiệu từ các nền kinh tế cũng bắt đầu thưa thớt hơn.
 

Tuy nhiên trong tuần này, giới đầu tư vẫn có cơ hội đánh giá tình hình sức khỏe của kinh tế Mỹ và Nhật Bản thông qua một vài số liệu.

Chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu GDP quý III chính thức trong ngày 23/12. Phần lớn các chuyên gia dự báo rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng cao hơn ở 4,5% so với ước tính ban đầu là 3,9%.

Cùng với đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ, những cải thiện đáng kể trên thị trường lao động trong vài tháng gần đây cũng thúc đẩy thu nhập và chi tiêu các nhân của người dân Mỹ. Theo dự báo trong tháng 11, thu nhập và chi tiêu cá nhân tại Mỹ sẽ lần lượt tăng 0,6% và 0,5% sau khi đồng loạt tăng 0,2% trong tháng 10.

Ngoài ra, giới đầu tư Mỹ sẽ đón nhận thêm số liệu từ thị trường bất động sản (doanh số bán nhà cũ, mới), thương mại (số đơn hàng bền lâu), niềm tin tiêu dùng.

Trong khi đó tại Nhật Bản, một loạt chỉ số kinh tế, như lạm phát, chi tiêu hộ gia đình, số việc làm và doanh số bán lẻ sẽ được công bố trong ngày 26/12. Những con số này sẽ giúp giới đầu tư có góc nhìn sâu hơn vào tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau khi bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý III.

Theo dự đoán của các chuyên gia, áp lực lạm phát trong tháng 11 tại Nhật Bản tiếp tục giảm với chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI), không tính giá thực phẩm, sẽ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 2,9% của tháng trước đó. Tuy nhiên nếu điều chỉnh theo tác động của đợt tăng thuế hồi tháng 4, CPI Nhật Bản có thể chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Ngoài ra, chi tiêu hộ gia đình có thể giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11 và ghi nhận tháng giảm thứ 8 liên tiếp. Doanh thu bán lẻ tại Nhật Bản theo đó cũng tăng chậm lại với mức tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11. Trước đó trong tháng 10, con số này là 1,4%.

Theo nhận định của Moody's, kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng yếu kém trong tháng 11. Chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản hoặc không đổi hoặc giảm mạnh kể từ sau đợt tăng thuế hồi tháng 4. Kinh tế suy thoái, thu nhập thực của người lao động cũng theo đó giảm dần và người dân mất dần niềm tin vào triển vọng của kinh tế.

Một yếu tố nữa khiến giới đầu tư toàn cầu phải chú tâm trong nhiều tháng gần đây là giá dầu thô. Kể từ tháng 6, giá dầu thô đã giảm khoảng 45%. Đây vốn dĩ vừa là tin xấu vừa là tin tốt đối với nhiều nền kinh tế nói chung và một số lĩnh vực nói riêng.

Tuy nhiên đối với thị trường chứng khoán, đà lao dốc của giá dầu rõ ràng là tin tức không hề tốt lành khi tạo nên làn sóng bán tháo cổ phiếu năng lượng liên tục trong nhiều tuần qua. Các đồng tiền của những nước phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu thô cũng theo đó bị bán tháo và liên tục mất giá so với USD, dấy lên lo ngại về tình hình sức khỏe của kinh tế thế giới.

Nguồn DVO/ CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới