Hủy

Làm gì để dọn đường đón sóng FDI công nghệ?

Trực Thanh Thứ Hai | 12/08/2019 16:00

Ảnh: TL

Việt Nam có gì và chuẩn bị gì để đón ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ cao của thế giới?
 

Hãng điện tử Sharp vừa cho biết sẽ xây một nhà máy mới ở Việt Nam để tránh mức thuế mới được áp trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Hồi đầu năm, Tập đoàn LG cũng đã xác nhận sẽ đóng cửa nhà máy tại Hàn Quốc và chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Mới đây, theo Nikkei Asian Review, Apple được cho là sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam, như một cách để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục.

Dàn sao công nghệ tới

Những thông tin dồn dập trên cho thấy Việt Nam đang đứng trước làn sóng 2.0 thu hút các công ty công nghệ trong bối cảnh nhiều tập đoàn đa quốc gia đang dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam trước căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung. Việt Nam là một giải pháp thay thế hoàn hảo cho các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc khi có lực lượng lao động trẻ dồi dào và rẻ - điều vốn từng là lợi thế của Trung Quốc nhiều năm trước. Giờ đây, lực lượng nhân công Trung Quốc đã già thêm trung bình 7 tuổi và chi phí nhân công đắt gấp đôi so với Việt Nam.

Tiếp sau làn sóng 1.0 với sự xuất hiện của nhà máy Intel tại Khu Công nghệ cao quận 9,  TP.HCM thì Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất của Samsung với khoản đầu tư lên tới 17 tỉ USD, lớn nhất trong lịch sử thu hút FDI của Việt Nam trong 30 năm qua. Một mình Samsung đã chiếm gần 1/4 tổng xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái, với trị giá lên đến 214 tỉ USD. Quan trọng hơn, Samsung đã làm rất tốt vai trò cú hích để các tập đoàn công nghệ nước ngoài tới Việt Nam nhiều hơn.

Lam gi de don duong don song FDI cong nghe?
 

Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam có mặt trên bản đồ công nghệ, kéo theo là sự hình thành bước đầu của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Có lẽ, trên nền tảng đó, Việt Nam đang được nói đến nhiều như một “Thung lũng Silicon tại Đông Nam Á”. Dù không thể cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ về mặt chất lượng và khối lượng, nhưng Việt Nam đang thu hút nhiều nhà máy công nghệ vận hành ở trình độ thế giới.

Sự kết nối với mạng lưới các nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới hay nhóm kỹ sư, quản lý Việt kiều tại Thung lũng Silicon tạo ra lợi thế cho Việt Nam. Nền tảng đã dẫn tới việc thành lập các công ty công nghệ nổi tiếng như Misfit Wearables (Fossil mua lại với giá 200 triệu USD), Tappy (Weeby mua lại), Adatao (nhận 15 triệu USD đầu tư từ a16z)...

Nhóm những Việt kiều đầu tiên trở về Việt Nam vận hành Quỹ IDG Ventures, VinaCapital Ventures với quy mô hàng trăm triệu USD để đầu tư vào các startup công nghệ, bước đầu cũng hình thành những “kỳ lân” như VNG. Tổng số vốn đầu tư vào startup Việt năm 2018 lên đến 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, hình thành nhiều startup trong nước có tên tuổi như Tiki, MoMo, Logivan... Ông Don Lam, Giám đốc Điều hành VinaCapital, cho biết các công ty Việt Nam mở rộng ra thị trường khu vực là một trong những khía cạnh mà họ xem xét: “Khi chúng tôi đầu tư vào các công ty Việt Nam, chúng tôi muốn họ có thể tự tin cạnh tranh trong khu vực và hy vọng một ngày nào đó sẽ là trên toàn cầu”.

Sự tự tin này cũng thể hiện trong tham vọng của các công ty trong nước. Chẳng hạn, sự ra đời của VinFast, VinSmart, VinTech, Viện Dữ liệu lớn, Viện AI và gần đây nhất là ý tưởng về “Đại đô thị thông minh” đã cho thấy những bước đi đầy quyết tâm của một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup. Ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup, nói rằng: “Việt Nam sẽ có Thung lũng Silicon như Mỹ” và cho biết thêm đã ký kết với hơn 50 đại học trong lĩnh vực khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam để chuẩn bị nguồn nhân lực gồm 100.000 kỹ sư cho 10 năm tới.

Tham vọng hơn, Việt Nam vừa công bố Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030. Theo chiến lược này, đến năm 2025, Việt Nam phải có ít nhất 5 công ty công nghệ trị giá trên 1 tỉ USD và tăng gấp đôi vào năm 2030. Đây là con số dựa trên thực tế Việt Nam có 53 công ty công nghệ đạt doanh thu gần 16,7 tỉ USD vào năm 2018.

Lam gi de don duong don song FDI cong nghe?
 

Góc khuất sau ngôi sao đang lên

Dù sở hữu lực lượng lao động đông đảo năm 2019-2020 nhưng thị trường Việt Nam thiếu 350.000-400.000 nhân lực công nghệ thông tin. Các kỹ sư trong lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ đám mây, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và blockchain... đang trở thành hàng hiếm, thay thế cho cơn sốt chuyên viên ngân hàng, chứng khoán 5 năm trước. Đồng thời, khi thu hút FDI vào, Việt Nam lại không có mạng lưới các nhà sản xuất trong nước của ngành công nghiệp hỗ trợ để phối hợp với các doanh nghiệp FDI này. Dẫn khảo sát của dự án FIRST-NASATI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam “đội sổ” ASEAN về hệ số chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, hiện tượng gia công bao bì hay lắp ráp hưởng giá trị thấp nhất trong các dự án công nghệ cao cũng là vấn đề Việt Nam cần giải quyết. Doanh nghiệp FDI xuất khẩu chiếm 70-80% của cả nước sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu trong trường hợp Việt Nam đóng góp 40% trong giá trị xuất khẩu của họ. Nhưng nếu chỉ đóng góp 10% sẽ là sự thất bại.

Lam gi de don duong don song FDI cong nghe?
 

Để trở thành công xưởng giá rẻ của thế giới, một quốc gia cần rất nhiều thứ: dân số trẻ, chi phí nhân công rẻ, chính sách tốt, cơ sở hạ tầng đầy đủ, kỹ thuật công nghệ không quá nghèo nàn, lao động có trình độ tối thiểu, kinh tế tăng trưởng khá và thị trường tiêu thụ nội địa mạnh. Nhưng các đối thủ của Việt Nam như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia thiên hướng ngành sản xuất công nghệ cao hơn là muốn trở thành công xưởng giá rẻ của thế giới.

Mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 mà Việt Nam đặt ra cách đây nhiều năm đã không đạt được. Với công nghệ, không gian cho hoài bão sẽ lớn hơn, sự thay đổi có thể diễn ra nhanh hơn nhưng cũng khắc nghiệt hơn. Nếu không tận dụng được cơ hội, thay vì đi tắt, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều vấn đề, tạo nên sức ì, lực cản trước khi “ngôi sao mới nhất ở châu Á” tỏa sáng. Như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ví von: “Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ: hoặc tiếp tục xuất khẩu dựa vào gia công, lắp ráp, có giá trị gia tăng thấp; hoặc đa dạng hóa và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới