MegaStory

K hông còn là những lời đồn đoán, người sáng lập Tập đoàn Him Lam và Chủ tịch Ngân hàng Sacombank Dương Công Minh đã quyết định tham gia vào quá trình tái cấu trúc con nợ FLC cùng Hãng hàng không Bamboo Airways.

“NHÂN TỐ X” CỦA BAMBOO AIRWAYS

Bộ máy lãnh đạo của Bamboo Airways được thay đổi toàn diện. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ vai trò Chủ tịch, Doãn Hữu Đoàn giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, còn ông Nguyễn Mạnh Quân được Hội đồng Quản trị bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.

Có thể thấy, các nhà đầu tư mới tách hoạt động của Bamboo Airways không cùng chung một tập đoàn của FLC như trước. Đặc biệt, đại gia tài chính - bất động sản Dương Công Minh sẽ đảm nhiệm vai trò cố vấn cấp cao cho doanh nghiệp, đồng nghĩa sẽ có tầm ảnh hưởng nhất định đến chiến lược phát triển của Bamboo Airways. Hội đồng Quản trị của Bamboo Airways còn có thành viên độc lập mới là Lê Thái Sâm (người đang cho FLC vay tổng cộng 621 tỉ đồng). Ông Sâm trước đây có nhiều mối quan hệ làm ăn với ông Minh ở một số dự án địa ốc. “Ông Dương Công Minh trở thành cố vấn cao cấp Hội đồng Quản trị có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải tổ, kiện toàn bộ máy quản trị và lãnh đạo cấp cao của Bamboo Airways, hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn trong giai đoạn phát triển mới”, ông Ngọc Trọng chia sẻ.

Nhiều kế hoạch tham vọng ngay lập tức được vạch ra. Bamboo Airways sẽ tăng cường đội máy bay lên 35 chiếc vào cuối năm 2022, 42 chiếc vào năm 2023 và 100 chiếc vào năm 2028 nhằm mục tiêu chiếm 30% thị phần nội địa. Đồng thời, Hãng tiếp tục mở mới các đường bay quốc tế đến thị trường châu Á, châu Âu và châu Úc.

Sợi dây liên kết giữa 2 thương hiệu Bamboo Airways và Sacombank được giới phân tích kỳ vọng sẽ được mở ra cơ hội thoát hiểm cho Hãng. Ở đó, Sacombank sẽ cung cấp các gói tín dụng để Bamboo Airways thuê mua chuyên cơ, đầu tư nguồn nhân lực và mở thêm các đường bay mới.

Ngược lại, 2 bên có thể tận dụng hàng triệu khách hàng sẵn có của nhau để bán chéo sản phẩm, như phát hành thẻ đồng thương hiệu, cung cấp các giải pháp tài chính, quà tặng, chiết khấu khi mua vé máy bay. “Sacombank có hệ khách hàng lên đến hơn 14 triệu người và là một trong những ngân hàng có hệ sinh thái khách hàng lớn nhất Việt Nam”, ông Minh chia sẻ.

Bamboo Airways gần đây khá tích cực mở rộng mối quan hệ với các đối tác lớn trong ngành bất động sản du lịch để bán combo “hàng không + nghỉ dưỡng”. Điển hình như ký kết hợp tác với Novaland để kết nối hành khách tới các khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng tại Phan Thiết, Hồ Tràm.

Trước đó, hãng hàng không này cũng thỏa thuận chiến lược với Vinpearl để đưa khách tới các quần thể du lịch tại Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nam Hội An. Trong hệ sinh thái của ông Dương Công Minh còn có Tập đoàn Him Lam - chủ đầu tư các dự án golf nổi tiếng như sân golf Long Biên, sân golf Tân Sơn Nhất, khu liên hiệp sân golf nhà hàng Bình Thạnh cũng là điểm đến tiềm năng để Bamboo Airways tận dụng. Nhìn chung, nếu tình hình kinh doanh cải thiện đáng kể, hãng hàng không này có thể khởi động lại kế hoạch IPO tại Mỹ nhằm mục tiêu huy động thêm 200 triệu USD.

Nhiều điểm tích cực mới được nhận diện nhờ sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới nhưng rào cản lớn cho triển vọng phục hồi nhanh chóng là sức khỏe tài chính của Bamboo Airways đang xấu đi nghiêm trọng. Năm 2021, đại dịch COVID-19 khiến hãng hàng không này ghi nhận lỗ gộp 4.060 tỉ đồng. Hoạt động bán và thuê lại cũng giảm 44% khiến cho Hãng lỗ ròng 2.281 tỉ đồng. Bước sang năm nay, bầu trời mở cửa trở lại, người dân đi du lịch nhiều hơn đã giúp thị trường hàng không khởi sắc hơn.

Bamboo Airways cho biết đã khai thác 22.000 chuyến bay trong 6 tháng đầu năm, vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách. Tổng doanh thu đạt hơn 7.000 tỉ đồng, hệ số tải (load factor) đạt hơn 80% ở các chuyến bay nội địa nhưng thấp hơn (65%) ở các chuyến quốc tế.

Dù vậy, giá nhiên liệu đột ngột tăng dựng đứng là nguyên nhân chính khiến cho Bamboo Airways ước lỗ hơn 2.000 tỉ đồng. Giá nhiên liệu bay bình quân năm 2021 là khoảng 72 USD/thùng, còn 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng mạnh lên 116 USD/thùng. Được biết, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-40% tổng chi phí hoạt động của các hãng nên một sự biến động quá lớn của giá dầu thô sẽ tác động không nhỏ đến biên lợi nhuận ngành.

Bamboo Airways còn những khoản nợ tại các nhà cung ứng dịch vụ mặt đất, suất ăn... Ban lãnh đạo mới của Hãng đang đàm phán để được giảm, giãn hay hoãn thanh toán nợ, đồng thời cần bổ sung một lượng vốn mới đáng kể để duy trì bộ máy hoạt động. Nhìn chung, theo các chuyên gia, Hãng phải giải quyết nhiều vấn đề lớn trước khi có thể gia tăng công suất trong năm nay.

Một ẩn số rủi ro khác cho hãng hàng không này là lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhìn lại các năm qua, một trong các trụ cột mang lại lợi nhuận ròng trước dịch của Bamboo Airways đến từ hoạt động bán và thuê lại tàu bay (SLB). Nhưng năm nay, với lãi suất ở các thị trường tài chính lớn liên tục tăng lên do lạm phát, các doanh nghiệp toàn cầu về cho thuê máy bay (lessor) cảnh báo sẽ sẵn sàng chuyển phần chi phí tăng này sang cho các hãng bay. Điều này đồng nghĩa chi phí thuê lại các tàu bay sẽ cao hơn.

Một rào cản khác là thị trường khách du lịch quốc tế chậm khởi sắc. Thực tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không tăng mạnh như kỳ vọng khi đạt chưa tới 1 triệu lượt khách trong 7 tháng qua. Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế, giảm đến 73% so với đỉnh điểm năm 2019. Nhưng ngay cả mục tiêu khiêm tốn này cũng khó lòng đạt được khi nhìn vào thực trạng khó khăn từ đầu năm đến nay.

Nguyên nhân được chỉ ra là các thị trường du lịch như khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn siết chặt phòng dịch. Chính sách thị thực của Việt Nam chưa được mở lại thông thoáng. Thậm chí, Chính phủ đã duy trì các hạn chế nhập cảnh đối với khách nước ngoài như bảo hiểm y tế và PCR âm tính đến ngày 15/5, trong khi các quy định tương tự đã được Malaysia, Singapore bãi bỏ từ quý I.

THIẾT LẬP CỤC DIỆN MỚI

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, Việt Nam là nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới, bên cạnh các quốc gia khác là Mexico, Brazil, Tây Ban Nha và Úc. Chiếc bánh vận tải hành khách hàng không hiện chủ yếu xoay quanh 4 cái tên: nhóm Vietnam Airlines (gồm cả Vasco và Pacific Airlines), Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines. Với việc ngôi sao đang lên Bamboo Airways bất ngờ sa cơ khiến cho cục diện hàng không trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Vì Vietravel Airlines là lính mới và quy mô còn khiêm tốn, cuộc đua bứt Top xem ra là cuộc cạnh tranh giữa Vietjet Air và nhóm Vietnam Airlines. Về khía cạnh thương hiệu, Vietnam Airlines thường được liên kết với dịch vụ chất lượng cao, đáng tin cậy, trong khi Vietjet được đánh giá cao ở chiến lược giá và cách thức quảng bá, xây dựng thương hiệu.

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, nửa đầu năm 2022, nhóm Vietnam Airlines tiếp tục đứng đầu với tổng cộng khoảng 46,1% thị phần (giảm nhẹ 1% so với năm 2021). Vietjet cải thiện thị phần thêm 4% để đạt 36%. Trong khi đó, Bamboo Airways giảm thị phần nắm giữ từ 20% xuống 17%.

Dù vẫn đứng đầu nhưng Vietnam Airlines được đánh giá đang gặp nhiều bất lợi vì áp lực tài chính cực lớn, cơ chế quản lý vốn nhà nước ngày càng chặt chẽ và chi phí nhiên liệu cao. Hãng tiếp tục lỗ ròng hơn 5.250 tỉ đồng trong nửa đầu năm, nâng khoản lỗ lũy kế lên mức gần 29.000 tỉ đồng tính đến cuối quý II/2022. Kết quả tài chính yếu kém khiến cổ phiếu HVN đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc vì lỗ 3 năm liên tiếp. Tính tới cuối quý II/2022, Vietnam Airlines còn ghi nhận khoản nợ ngắn hạn gần 53.000 tỉ đồng, tăng thêm gần 8.000 tỉ đồng so với hồi đầu năm, gây thêm áp lực về khả năng cân đối dòng tiền để thanh toán cho các đối tác.

Chính vì lẽ đó, 5 năm tới là giai đoạn Vietnam Airlines xác định sẽ tiến hành tái cấu trúc toàn diện. Điển hình là kế hoạch thoái vốn toàn bộ khỏi Pacific Airlines. Điều này sẽ cải thiện dòng tiền cho Vietnam Airlines do Pacific Airlines kinh doanh kém tích cực với mức lỗ lớn trong những năm qua. Ngoài ra, Vietnam Airlines sẽ thoái vốn những công ty con đang có hiệu suất sinh lời cao để thu được khoản vốn lớn nhất nhằm bù đắp cho khoản lỗ trong năm nay và tránh bị hủy niêm yết. Mới đây, Hãng đã chuyển nhượng 35% vốn góp tại Cambodia Angkor Air và thu về 35 triệu USD. Phần vốn góp còn lại của khoản đầu tư này (14%) sẽ được thanh lý trong năm nay. Thời gian tới, Hãng còn lên kế hoạch bán những tàu bay cũ, bao gồm 29 tàu bay A321ceo và 6 tàu bay ATR-72 để có thêm tiền tái đầu tư vào các chuyên cơ hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu.

Nhìn vào cục diện thị trường hàng không hiện tại, Vietjet là hãng có thể tận dụng cơ hội tốt để bứt phá nhờ yếu tố linh hoạt trong quản trị, sở hữu đội chuyên cơ có tuổi đời trẻ, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 16.112 tỉ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm trước. Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, hãng hàng không chi phí thấp Vietjet kỳ vọng sẽ có lợi nhuận dương trong mảng vận tải hàng không trong năm 2022, trong khi đối thủ là hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ như Vietnam Airlines sẽ chỉ bắt đầu có lợi nhuận trong năm 2025 do áp lực giá nhiên liệu cao.

Mục tiêu năm nay Vietjet sẽ nâng đội tàu bay lên 82 tàu, khai thác 100.000 chuyến bay, vận chuyển được 18 triệu lượt hành khách. Hãng cũng mở rộng hoạt động mảng hàng hóa, logistics và đặt mục tiêu hoạt động vận tải có lãi trở lại. Đẩy mạnh mảng cargo được xem là bước đi hợp lý của Vietjet nhằm bổ sung dòng tiền tươi nhờ nhu cầu ngày càng cao của nhiều doanh nghiệp sản xuất như điện thoại, linh kiện điện tử, thực phẩm. Trong mùa dịch, Vietjet là hãng hãng bay đầu tiên trong nước áp dụng phương án tháo dỡ ghế hành khách để vận tải hàng hóa. Năm ngoái, Vietjet đã ký thỏa thuận bắt tay với UPS (Mỹ), trong đó Vietjet sẽ có quyền tiếp cận các chuyến bay trên mạng lưới vận chuyển hàng hóa quốc tế của UPS, trong khi hãng chuyển phát nhanh của Mỹ sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của Vietjet tại Việt Nam, Thái Lan và khu vực châu Á.

Lợi thế của Vietjet còn đến từ các nhân tố vệ tinh hỗ trợ xung quanh. Đó là Ngân hàng HDBank có thể cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, hay cổ đông lớn Sovico cũng có thể hỗ trợ cho Vietjet đưa khách du lịch đến các tổ hợp nghỉ dưỡng, sân golf của tập đoàn này như Furama Đà Nẵng, Ana Mandara Cam Ranh, Evason Ana Mandara Nha Trang, L’Alya Ninh Vân Bay.

Nhưng Vietjet Air không phải không có thách thức. Thực tế, Vietjet vẫn lỗ gộp 859 tỉ đồng trong quý II chủ yếu do giá xăng Jet A1 tăng 99,7%. Nhưng nhờ khoản mục 2.467 tỉ đồng doanh thu đến từ hoạt động SLB với biên gộp cao (80,5%), Vietjet ghi nhận lãi ròng 180 tỉ đồng trong quý II và lũy kế 424 tỉ đồng nửa đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect, tỉ lệ đòn bẩy tài chính của Vietjet tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển đội bay trong thời gian tới. Lý do là bước vào giai đoạn sau dịch, Hãng phải tăng cường tài chính để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Trong đó, một yếu tố nền tảng để đảm bảo cho kế hoạch mở rộng đội tàu và chiến lược phát triển trong tương lai là hợp đồng đặt mua 200 máy bay Boeing 737. Thị trường quốc tế chậm chạp phục hồi sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả vận tải hành khách của Vietjet. Trước dịch, doanh thu bay quốc tế chiếm gần 50% tổng doanh thu của Hãng.

Để đối phó thực trạng suy giảm, Vietjet cho biết sẽ tiếp tục mở rộng các đường bay bằng hình thức liên danh với các hãng hàng không quốc tế nhằm mục tiêu phủ khắp ở châu Á và các nước trên thế giới. Chẳng hạn, Vietjet mở rộng 17 đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ; khai trương các đường bay mới từ TP.HCM, Đà Nẵng đi Busan (Hàn Quốc), từ Hà Nội đến Nagoya và Fukuoka (Nhật)… Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet cũng cho biết kế hoạch bổ sung thêm các tàu bay hàng hóa, đẩy mạnh phát triển vận chuyển hàng hóa, e-logistics, chuyển phát nhanh, vận chuyển có đảm bảo và có giá trị cao, trở thành mảng kinh doanh trọng điểm của Hãng.

“Chúng tôi kỳ vọng sản lượng khách quốc tế của Vietjet Air đạt 2,43 triệu trong năm nay và có thể tăng 223% trong năm 2023 để đạt 7,83 triệu, tức bằng 97,4% của năm 2019”, chuyên gia của VNDirect đánh giá.

Bài viết: Nguyễn Sơn
Ảnh: Tư liệu

Tin cùng chuyên mục

Nguyễn Sơn - Công Sang - Vũ Thiện

Nguyễn Bảo Trung

Ngọc Thủy - Cẩm Tú