Hủy
Công Nghệ

Intel đang hụt hơi?

Đông Sang Thứ Ba | 11/10/2016 08:00

Trong quý II, doanh thu mảng sản xuất chip của Intel tăng 2% nhưng giảm tới 14% so với quý trước đó.
 

Lợi nhuận từ việc sản xuất chip máy tính đã đưa Intel lên vị thế hàng đầu ngành công nghệ hàng chục năm nay. Nhưng sức khỏe của Tập đoàn đang bị đe dọa khi nguồn thu này không còn bền vững. Hồi tháng 4 năm nay, Intel công bố sẽ cắt giảm 11% trong tổng số hơn 107.000 nhân viên trên toàn cầu, ước tính khoảng 12.000 người. Theo đó, hầu hết các nhân viên sẽ bị cho thôi việc trong vòng 60 ngày kể từ khi thông báo được đưa ra; đợt cắt giảm còn lại sẽ xảy ra vào giữa năm 2017.

Nguyên nhân được cho là sức tiêu thụ máy tính giảm mạnh trước sự bành trướng của các thiết bị sinh sau như máy tính bảng, điện thoại thông minh (lượng máy tính bán ra trên toàn cầu trong quý II/2016 đã giảm trong quý thứ 7 liên tiếp, theo Gartner). Trong khi đó, gần 60% doanh thu và lợi nhuận của Intel đến từ chip máy tính. Theo báo cáo quý II của Intel, doanh thu và lợi nhuận chỉ tăng lần lượt 7% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh thu từ mảng sản xuất chip tăng 2% nhưng lại giảm tới 14% so với quý trước đó.

Tại Việt Nam, câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra. Theo IDC Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng máy tính phân phối đạt chỉ 815.257 chiếc, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì thế, không mấy khó hiểu khi mới đây, bộ phận thương mại của Intel Việt Nam tuyên bố tái cấu trúc, cắt giảm 2/3 nhân sự trong thời gian tới. Trong khi đó, theo một nguồn tin riêng của NCĐT, hiện nhóm Intel Products, bộ phận chuyên lắp ráp và sản xuất chip, vẫn hoạt động bình thường và đang nhận thêm sản phẩm mới. Trên thực tế, việc tái cơ cấu Intel Việt Nam đã diễn ra khá nhiều lần. Kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2010, trong vòng 6 năm, bộ phận thương mại đã thay 4 đời tổng giám đốc.

Theo bà Phan Hoàng Yến, chuyên viên phân tích thị trường của IDC Việt Nam, sức tiêu thụ máy tính giảm phản ánh một thực tế là thị trường trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu thấp từ phía người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sức mua giảm từ các dự án mua sắm công và các phòng game trong thời gian qua cũng góp phần vào sự sụt giảm này.

Ông Phạm An Dương, Giám đốc Tiếp thị Intel Việt Nam, từ chối cho biết kế hoạch nhân sự sắp tới của Công ty cũng như không trả lời câu hỏi về việc các hoạt động tài trợ, kế hoạch kinh doanh của Intel trong thời gian tới sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, quan sát cho thấy từ đầu năm đến nay, Intel Việt Nam giới thiệu khá nhiều chương trình về Internet of Things (các thiết bị được kết nối với nhau một cách thông minh mà có thể chuyển tải thông tin và nhận những chỉ dẫn). Ở Việt Nam hiện cũng có các doanh nghiệp ứng dụng Internet of Things trong hoạt động sản xuất kinh doanh như Cầu Đất Farm, Adlink, Advantech, Dell EMC, DTT Technology…

Intel dang hut hoi?
Nhà máy Intel tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: hochiminhcity.gov.vn

Đẩy mạnh mảng Internet of Things là một trong những trọng tâm hiện nay của Tập đoàn Intel bên cạnh điện toán đám mây, máy tính bảng chuyển đổi, máy tính xách tay và máy tính chơi game chuyên dụng. Đây cũng là các mảng kinh doanh đang có dấu hiệu khả quan. Theo Intel, doanh số của nhóm Internet of Things đã tăng 22%, lên 651 triệu USD; mảng trung tâm dữ liệu tăng 9%, đạt 4 tỉ USD.

Trong 3 năm qua, Intel cũng đã đầu tư hơn 10 tỉ USD để tìm chỗ đứng trong thời đại di động, nhưng một số quyết định sai lầm đã khiến họ hụt hơi trong cuộc đua với Qualcomm, Apple, Samsung, MediaTek, Huawei hay Xiaomi. Từ năm 2006, Intel đã hợp tác với Microsoft đưa ra mẫu máy tính siêu di động - Ultra Mobile PC, sử dụng chip Celeron, Pentium M và hệ điều hành Windows Vista. Đây được xem là tiền thân của mẫu máy tính bảng đa năng hiện nay.

Chưa hết, năm 2007, Tập đoàn còn kết hợp với Nokia đưa ra mẫu Intel Mobile Internet Device (MID), một dạng điện thoại thông minh, Nokia N810. Tuy nhiên, cả hai đều không tạo được dấu ấn trên thị trường.

Intel cũng nuôi tham vọng xây dựng một hệ điều hành di động của riêng mình như iOS của Apple hay Android của Google mang tên Moblin. Đáng tiếc, Moblin cũng không thành công và được sáp nhập với Maemo của Nokia để cho ra MeeGo. MeeGo cũng chết theo cái tên Nokia và được sáp nhập với Bada của Samsung, đổi tên thành Tizen.

Năm 2009, Intel lại đưa ra quyết định sai lầm khi chọn WiMAX chứ không phải là LTE làm tiêu chuẩn kết nối tốc độ cao trong tương lai. Qualcomm chọn hướng ngược lại và sau một thời gian dốc sức đầu tư, Intel phải từ bỏ WiMAX quay trở lại với LTE, chịu tụt hậu rất xa so với Qualcomm.

Intel cũng từng có chút hy vọng trong cuộc đua sản xuất chip di động vào năm 2015. Lúc đó Atom được kỳ vọng sẽ làm nên tên tuổi khi dòng chip Snapdragon 810 của Qualcomm bị lỗi về tản nhiệt. Nhưng hy vọng đã sớm dập tắt khi Snapdragon 820 ra đời 1 năm sau đó.

Trong thời đại toàn cầu hóa, một bước đi sai lầm có thể giết chết cả doanh nghiệp. Intel “may mắn” vẫn sống khá tốt dù sơ sẩy không ít lần. Tuy nhiên, địa vị của Intel đang lung lay trước sự phát triển như vũ bão của các thiết bị di động thông minh. Viết trên blog cá nhân, CEO Intel Brian Krzanich cho biết Tập đoàn luôn hoạt động trong tâm thế một ngày nào đó thị trường máy tính cá nhân sẽ trở thành thị trường ngách.

Intel sẽ không từ bỏ mảng di động khi cho rằng cơ hội vẫn còn đó nếu họ đón đầu làn sóng kết nối không dây tốc độ cao sắp tới là 5G.  Dòng chip Atom sẽ không bị khai tử, mà vẫn đang được dùng cho một mẫu máy tính bảng mang tên Apollo Lake, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Song song đó, Intel sẽ đưa mảng điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu lên đầu danh sách ưu tiên phát triển, nhắc lại ý tưởng rằng Tập đoàn sẽ tập trung vào năng lực kết nối nhiều hơn trong thời gian tới.

Đông Sang


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới