Nội lực của MFast
Việc MFast đang làm là tạo ra một nền tảng trung gian để đưa hành vi này trở thành một cơ hội việc làm cho nhiều người. Ảnh: TL.
“Chúng tôi không tạo ra cái mới mà dựa vào hành vi đã có sẵn”, ông Phan Thanh Vinh, đồng sáng lập MFast, mở đầu câu chuyện như thế.
Số hóa dịch vụ tài chính
Từ trước đến nay khi khách hàng tiếp cận dịch vụ tài chính của tổ chức A nhưng không tiêu chuẩn, nhân viên tiếp cận hồ sơ thường giới thiệu họ sang bạn bè ở các tổ chức B, C... Như vậy, việc MFast đang làm là tạo ra một nền tảng trung gian để đưa hành vi này trở thành một cơ hội việc làm cho nhiều người, đồng thời đáp ứng nhu cầu tài chính cho khách hàng cuối một cách tốt nhất.
MFast, trực thuộc DigiPay, là nền tảng tự động hóa các quy trình tài chính gồm khởi tạo hồ sơ vay, tư vấn khoản vay và thu hồ sơ khách hàng. Đặc biệt MFast chia quy trình trên thành các nhiệm vụ nhỏ, cho phép người dùng MFast, là các cộng tác viên, tham gia tùy theo năng lực, thời gian và nhu cầu. Sau khi hoàn tất các công việc trong quy trình, họ sẽ nhận được mức hoa hồng tương ứng.
“Tất cả hoàn toàn tự động. Mỗi cộng tác viên có đủ công cụ công nghệ để thực hiện việc khởi tạo hồ sơ vay, tư vấn, theo dõi trạng thái giao dịch và nhận hoa hồng ngay trong ngày. Vấn đề là họ sẽ tham gia vào quy trình bán hàng ở mức độ nào mà thôi”, ông Vinh nói.
Đây là mô hình Agent Banking Network (tạm dịch: hệ thống mạng lưới dịch vụ ngân hàng) ứng dụng công nghệ. Doanh thu của các công ty trong ngành này đến từ hoa hồng trên mỗi hợp đồng cho vay được duyệt. Mô hình này càng phát huy hiệu quả đối với các quốc gia có tỉ lệ người dân chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cao (hơn 65% như ở Việt Nam) và tập trung rất lớn ở vùng nông thôn (70% dân số).
Khi mạng lưới ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống không tiếp cận được vì chi phí vận hành cao (mặt bằng, nhân sự...) thì các nền tảng kết hợp online và offline (xây dựng trên ứng dụng di động và sử dụng đội ngũ cộng tác viên bán hàng) như MFast sẽ có nhiều lợi thế. Việc quản lý chi phí tốt bằng công nghệ sẽ giúp họ tối ưu lợi nhuận kiếm được từ các hợp đồng cho vay thành công.
“Cũng phải nói đến yếu tố thiên thời”, ông Vinh nói. Nhờ các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Gojek gia nhập vào Việt Nam nên khái niệm cộng tác viên cho các nền tảng công nghệ đã trở nên phổ biến. MFast nhờ thế không tốn quá nhiều chi phí để giải thích cách cộng tác với mình. Kế tiếp, bản thân ngân hàng và các tổ chức tài chính có xu hướng tiếp cận các tập khách hàng mới trong thời gian gần đây nên họ có chính sách “New-to-Bank” dành cho người mới với các khoản vay phù hợp.
Qua 2 năm hoạt động, MFast đã hỗ trợ hơn 600.000 người (80% sống ở nông thôn) tiếp cận các gói dịch vụ tài chính và bảo hiểm. Năm 2021, tổng số tiền hoa hồng MFast chi trả cho cộng tác viên là hơn 60 tỉ đồng.
Cuộc chơi ở MFast
DigiPay được thành lập vào năm 2017 bởi cặp song sinh Phan Thanh Long và Phan Thanh Vinh. Một người tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, người còn lại là điện tử viễn thông. Từ khi ra trường năm 2006, 2 anh em đã khởi nghiệp 2 hướng khác nhau. Ông Long là đồng sáng lập VietGuys, đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp thị qua tin nhắn, còn ông Vinh được biết đến bởi Digitel, đơn vị cung cấp hệ thống Call Center cho doanh nghiệp. Cả 2 công ty đều nằm trong top đầu công ty dịch vụ công nghệ thông tin thời bấy giờ. Chính những bước đi tưởng chừng không liên quan này đã giúp DigiPay, một startup non trẻ, có thể làm việc với các tổ chức tài chính, ngân hàng có thương hiệu ở Việt Nam ngay những ngày đầu nhờ vào uy tín 2 nhà sáng lập đã tạo dựng từ các công ty trước.
Ông Long cho biết DigiPay từng xây dựng mô hình Agent Banking Network theo cách truyền thống nhưng thất bại vì vấp phải sự cạnh tranh nhân lực bán hàng từ các công ty tài chính, ngân hàng lớn - điều mà một đơn vị mới thành lập như DigiPay không có nhiều lợi thế.
MFast ra đời với nhiệm vụ đơn giản hóa quy trình bán hàng, phân phối sản phẩm tài chính, bảo hiểm để bất kỳ ai cũng có thể tham gia hoạt động và gia tăng thu nhập trên MFast mà không bắt buộc phải có sẵn kinh nghiệm trong ngành. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, MFast cung cấp các khóa đào tạo, tài liệu hướng dẫn bán hàng để giúp các agent trở thành chuyên viên thực thụ trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm.
Một yếu tố quan trọng nhất là quản lý rủi ro trong mô hình kết nối sản phẩm tài chính, bảo hiểm. MFast xây dựng hồ sơ agent chi tiết dựa trên lịch sử động trên MFast, từ đó giúp giảm thiểu tối đa rủi ro, gian lận từ kênh bán của MFast. “Nền tảng của chúng tôi xây dựng nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về kiểm soát rủi ro của các đối tác”, ông Long nói.
DigiPay không ngại sự lấn sân của các đối tác vì với mô hình hợp tác trả phí trên giao dịch thành công, MFast sẽ giúp đối tác quản lý chi phí bán hàng tốt hơn so với việc họ tự xây dựng mạng lưới bán hàng với độ phủ rộng toàn quốc. Công ty cũng không ngại sự gia nhập của các đối thủ đến từ nước ngoài vì các rào cản pháp lý, đặc thù ngành tài chính ở từng quốc gia là khác nhau và đó là lợi thế của các công ty địa phương như DigiPay.
Điều Công ty quan tâm là mở rộng khả năng bán chéo sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng MFast, từ đó tạo động lực thu hút người tham gia, đồng thời tạo thu nhập đủ để họ có thể sống với nghề. Bên cạnh đó, giúp người dùng phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm. Trong thời gian tới, MFast sẽ ra mắt sản phẩm MFast Pay later - một phiên bản mở rộng của dịch vụ mua trước trả sau (buy now pay later - BNPL).
Khác với các dịch vụ BNPL trên thị trường, chỉ đóng vai trò là lựa chọn khi thanh toán cho khách hàng của doanh nghiệp bán hàng, mạng lưới cộng tác viên hùng hậu của MFast sẽ tìm khách hàng mới và giúp các doanh nghiệp bán hàng trên phạm vi toàn quốc. Dịch vụ này cũng giúp đối tác tài chính của MFast tăng tỉ lệ cho vay không dùng tiền mặt bằng các khoản vay có mục đích. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được 600.000 cộng tác viên bán hàng phát sinh thu nhập trên MFast trong 3 năm tới”, ông Long nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trọng Hoàng