Hủy
Công Nghệ

Từ người bỏ học cấp 3 trở thành “Steve Jobs của Hàn Quốc”

Thứ Năm | 11/05/2017 11:31

Với khối tài sản 2,9 tỷ USD, Bang Jun-hyuk là tỷ phú tự thân giàu nhất Hàn Quốc.
 

Bỏ học cấp 3, hai lần khởi nghiệp thất bại thảm hại, công ty từng có lúc mất luôn sản phẩm giá trị nhất vào tay đối thủ cạnh tranh, Bang Jun-hyuk vẫn không hề bỏ cuộc để trở thành tỷ phú tự thân thành công nhất Hàn Quốc.

Mới đây, công ty phát triển game Netmarble của Bang đã có một đợt IPO đầy thành công khi huy động được 2,3 tỷ USD, và đạt mức giá trị vốn hóa 11,8 tỷ USD, lớn hơn cả tập đoàn điện tử LG và là công ty giá trị nhất trong ngành game Hàn Quốc. Đây cũng là đợt IPO lớn nhất của nước này trong vòng 7 năm trở lại đây.

Năm nay 48 tuổi, Bang đang sở hữu 24,5% cổ phần của Netmarble, tương đương khoảng 2,9 tỷ USD, theo tính toán của Bloomberg. Ông là một trong 3 cổ đông lớn nhất của Netmarble, cùng với 2 tập đoàn Tencent (Trung Quốc) và CJ E&M (Hàn Quốc). Theo tính toán từ FnGuide, Bang cũng đang là người giàu thứ 6 Hàn Quốc, tính theo giá trị cổ phiếu.

Là một nhà phát hành kiêm phát triển game, Netmarble tham gia vào rất nhiều công đoạn của ngành game, bao gồm cả quảng cáo, marketing và phân phối các game của hãng lẫn của bên thứ ba. Với số tiền thu được từ IPO, Netmarble còn đang tìm kiếm các thương vụ M&A tại nước ngoài, với ngân sách dự kiến lên tới 4,4 tỷ USD.

Tại một đất nước như Hàn Quốc, nơi mà 10 đại tập đoàn (chaebol) lớn nhất cùng nhau nắm giữ hơn 1/4 tổng tài sản doanh nghiệp cả nước, sự trỗi dậy của một công ty chỉ có 3.000 nhân viên như Netmarble được xem là dấu hiệu cho sự thay đổi về cơ cấu kinh tế cũng như văn hóa doanh nghiệp.

Tu nguoi bo hoc cap 3 tro thanh “Steve Jobs cua Han Quoc”
Tựa game Marvel Future Fight của Netmarble đã được tải về hơn 50 triệu lần. Ảnh: venturebeat.com

Vấp ngã để đứng lên

Sinh ra trong khu dân cư nghèo xung quanh một nhà máy dệt, Bang Jun-hyuk có một tuổi thơ đầy khốn khó. Từ hồi cấp 1, ông đã phải đi giao báo để kiếm sống. Lớn lên, ông bỏ học cấp 3 giữa chừng vì cho rằng “thật là ngu ngốc nếu cứ cố học chỉ để có điểm thi tốt hơn”. Bang từng nói: “Khi học môn lịch sử, tôi muốn biết cuộc sống và văn hóa thực sự của cha ông chúng ta là như thế nào, chứ không phải là cố nhớ xem năm nào thì có sự kiện gì xảy ra”.

Ban đầu, Bang tập tành khởi nghiệp công nghệ với 2 ý tưởng khác nhau: một dịch vụ chiếu phim online, và 1 dịch vụ truyền hình vệ tinh qua Internet. Cả 2 ý tưởng này đều thất bại. Đó là lúc ông quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực game.

Bang kể lại: “Nếu bạn đã thất bại 2 lần, thì chả còn gì để mất cả. Bạn đã rơi xuống đáy vực về mặt kinh tế lẫn tâm lý. Bạn bắt đầu suy nghĩ ‘Mình có phải là thằng ngốc không? Liệu mình chỉ là thế này thôi sao?’”.

Được Bang thành lập vào năm 2000 với số vốn ban đầu là 88.000 USD và vỏn vẹn 8 nhân viên, Netmarble đã phát triển khá nhanh chóng và trở thành một trong những công ty game thành công nhất Hàn Quốc vào giữa thập niên. Tuy nhiên, đến năm 2006 thì Bang rời công ty vì lý do sức khỏe, bán lại một số cổ phần cho tập đoàn CJ, cũng như mua lại cổ phần trong một chuỗi cửa hàng cà phê.

Sau khi Bang rời khỏi công ty, Netmarble gặp nhiều khó khăn do các trò chơi của hãng không còn thu hút được người chơi, và bị thua lỗ hàng chục triệu USD. 19 tựa game liên tiếp của Netmarble hầu như không mang lại đồng doanh thu nào. Công ty cũng mất luôn giấy phép phát hành tựa game thành công nhất “Sudden Attack” vào tay đối thủ Nexon.

Tu nguoi bo hoc cap 3 tro thanh “Steve Jobs cua Han Quoc”
Bang Jun-hyuk là người đứng đầu danh sách tỷ phú tự thân ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times

Năm 2011, Bang quay trở lại công ty và chuyển hướng sang tập trung phát triển game cho smartphone. Những nhân viên lâu năm của Netmarble khi đó rất hoài nghi khi họ nghe ông phát biểu rằng công ty sẽ tăng doanh thu gấp 5 lần trong 5 năm tới. Họ hoài nghi tới mức không ai muốn tham gia vào bộ phận game di động vừa thành lập, và Bang buộc phải chỉ định 1 người làm lãnh đạo. Sau đó, Bang dành ra hầu hết thời gian những năm đầu quay lại để thuyết phục các kỹ sư của công ty chuyển hướng sang phát triển game di động.

Đến năm 2013, Netmarble có tựa game di động thành công đầu tiên là “Everybody ChaChaCha”. Tới 2014, Netmarble bán lại khoảng 25% cổ phần của hãng cho tập đoàn Tencent (Trung Quốc) với giá 500 triệu USD, đánh dấu khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào ngành công nghiệp nội dung của Hàn Quốc. Trước Tencent, Bang từng nhận được nhiều đề nghị đầu tư khác, nhưng ông kiên quyết bỏ qua để chờ đợi Tencent với lý do: “Tencent là công ty số 1 Trung Quốc. Nếu muốn tiến vào thị trường Trung Quốc rộng lớn, tôi nghĩ cần phải có một đối tác thật mạnh ở nước này”.

Đến năm 2015, Netmarble lần đầu tiên vượt ngưỡng doanh thu 1 tỷ USD, và sang năm 2016 thì đạt 1,34 tỷ USD. Tựa game di động “Seven Knights” của hãng đã được tải về hơn 10 triệu lần, còn game “Marvel Future Fight” thì vừa vượt ngưỡng 50 triệu.

Nhà phân tích Anthea Lai của Bloomberg bình luận: “Khả năng của Bang trong việc xây dựng quan hệ đối tác với các gã khổng lồ như Tencent đóng vai trò quan trọng trong thành công của Netmarble. Bang đã chứng tỏ được giác quan thị trường và khả năng lãnh đạo của ông ấy trong việc vực dậy Netmarble”.

Tu nguoi bo hoc cap 3 tro thanh “Steve Jobs cua Han Quoc”
Tựa game mới Lineage 2 Revolution (L2R) của Netmarble tuy chỉ được phát hành ở Hàn Quốc nhưng có doanh thu còn cao hơn cả tựa game Super Mario Run của Nintendo được phát hành ở 150 nước. Ảnh: Barron's

Steve Jobs của Hàn Quốc

Nhờ những thành công vượt bậc khi quay trở lại và vực dậy Netmarble, Bang đã được so sánh với huyền thoại người Mỹ Steve Jobs, vốn cũng bỏ học đại học và  thắng lớn lúc quay trở lại Apple sau khi bị sa thải. Bang cũng từng được so sánh với nhà sáng lập Lee Byung-chul của Samsung, người giữ “kỷ lục” 4 lần bỏ học, tới mức không có cả giấy chứng nhận tốt nghiệp tiểu học.

Tuy nhiên, Bang cũng từng bị đặt biệt danh “kẻ tra tấn” vì không ngừng thúc ép nhân viên làm việc không ngơi nghỉ. Trong nhiều năm liền, các kỹ sư phần mềm đã gọi trụ sở của Netmarble là “hải đăng” vì tòa nhà này luôn sáng đèn khi mọi người xung quanh đã ngủ say. Lề lối làm việc liên tục 24h này phản ánh tư duy của Bang, người từng nói rằng làm việc chăm chỉ là cách duy nhất mà một người không có quan hệ hay từng đi học ở một ngôi trường danh giá có thể thành công trong xã hội Hàn Quốc.

Cũng vì điều này, Bang từng gây ra một cuộc tranh cãi lớn tại Hàn Quốc, khi 3 nhân viên của ông qua đời hồi giữa tháng 7 và tháng 11 năm ngoái. Theo Netmarble, không có cái chết nào trong số này đã được kết luận là có liên quan tới công ty. Choi Min, một bác sĩ tâm lý, cho biết: “Việc không ngừng tìm cách phát triển các tựa game thành công đã mang đến tăng trưởng nhanh chóng lẫn tâm lý ‘làm hay là chết’ ở Netmarble. Áp lực tâm lý lên nhân viên không phải là yếu tố duy nhất mang tới thành công cho Netmarble, nhưng cách mà họ quản lý stress thì không bền vững chút nào. May mắn là Netmarble đã nhanh chóng đối mặt với vấn đề này hồi năm ngoái”.

Tu nguoi bo hoc cap 3 tro thanh “Steve Jobs cua Han Quoc”
Netmarble nằm trong nhóm 10 nhà phát triển game di động lớn nhất thế giới vào giữa năm 2016. Nguồn: App Annie

Theo đó, Netmarble đã cấm việc yêu cầu nhân viên phải thực hiện cập nhật sản phẩm qua đêm, dù nó có thể làm trì hoãn việc phát hành, cũng như cho thêm ngày nghỉ với những nhân viên phải làm việc ngoài giờ. Công ty đã tăng cường tuyển dụng cũng như cải thiện sự hài lòng của nhân viên trong kế hoạch trở thành một tập đoàn toàn cầu.

Theo Bloomberg bình luận, thành công của Bang và Netmarble có thể là nguồn cảm hứng cho một thế hệ tài năng mới của Hàn Quốc, nơi mà sự thống trị của các chaebol hay bị xem là bóp nghẹt tinh thần sáng tạo. Nhà phân tích Anthea Lai nói: “Sự trỗi dậy của Netmarble sẽ khuyến khích các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Hàn Quốc. Không như các ngành công nghiệp nặng hay sản xuất phần cứng, vốn là những ngành mà Hàn Quốc đã có chỗ đứng vững chắc trên toàn cầu, ngành phần mềm đòi hỏi ít vốn đầu tư hơn và do đó mở cửa rộng rãi hơn”.

Mới đây, nhân cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, Bang cũng đã nói: “Nếu nhìn vào các startup ngày nay, chỉ thấy họ toàn tập trung vào việc đi giao món gà chiên. Chúng ta cần những startup có thể trở thành đường dẫn tới những lĩnh vực kinh doanh mới trong tương lai”.

Tuấn Minh

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới