Hủy
Cửa sổ quản trị

Không dễ để xin giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Luật sư Dương Tiếng Thu & Lê Thị Minh Thư Thứ Năm | 23/02/2023 15:00

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang ở trong tình cảnh vô cùng áp lực khi quyết định tuyển dụng NLĐNN làm việc. Ảnh: PV

Hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu thuê tuyển và sử dụng người lao động nước ngoài để làm việc.
 

Một doanh nghiệp nộp hồ sơ xin giấy phép lao động để xin thuê tuyển và sử dụng người lao động nước ngoài 5 lần mà vẫn chưa thành công. Khi “nước đã tới thuyền”, phòng nhân sự thì “đau tim” và doanh nghiệp không thể ngồi chờ nên phải tìm luật sư để gỡ rối.

Hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu thuê tuyển và sử dụng người lao động nước ngoài để làm việc. Bên cạnh đó, nhiều người lao động nước ngoài cũng được công ty mẹ ở nước ngoài điều chuyển, chỉ định sang Việt Nam làm việc theo nhiều hình thức làm việc khác nhau. Theo quy định, để được làm việc hợp pháp tại Việt Nam, người lao động nước ngoài phải được doanh nghiệp Việt Nam xin và được cấp giấy phép lao động. Dạo gần đây, không rõ lý do tại sao việc xin cấp giấy phép lao động là thử thách không hề nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. 

Quy trình xin cấp giấy phép lao động chưa theo kịp nhu cầu sử dụng lao độn

Để xin được giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, tùy thuộc vào thẩm quyền theo luật, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực hiện việc giải trình nhu cầu sử dụng lao động gửi đến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp (gọi chung là Cơ quan có thẩm quyền cấp phép) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. 

Pháp luật quy định quy trình này phải được thực hiện trước 30 ngày kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc cho doanh nghiệp Việt Nam. Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được kết quả nhu cầu sử dụng lao động của họ có được chấp thuận hay không trong vòng 10 ngày làm việc. Sau khi được chấp thuận, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến hành nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động và sẽ nhận được giấy phép lao động trong vòng 5 ngày làm việc sau đó nếu đáp ứng được các điều kiện luật định. Trước khi người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc 5 ngày làm việc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài đối với hình thức thuê người lao động nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp Việt Nam và nộp bản sao hợp đồng lao động này cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép. 

Như vậy, kể từ ngày phát sinh nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đến khi doanh nghiệp Việt Nam có thể xin cấp giấy phép lao động cho họ là gần 20 ngày. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngỡ rằng quy trình như thế khá đơn giản và không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, thời gian 20 ngày trong thực tế là con số “không thực” và khó có doanh nghiệp nào có thể xin thành công giấy phép lao động trong khoản thời gian này. 

 

Trên thực tế, quy trình kể trên chưa bao gồm thời gian doanh nghiệp đợi người lao động nước ngoài chuẩn bị hồ sơ đáp ứng điều kiện để xin giấy phép lao động, ví dụ như là văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích, giấy xác nhận kinh nghiệm và bằng cấp.

Đối với các tài liệu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở nước ngoài cấp, người lao động nước ngoài phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự (quy trình này có thể kéo dài lên đến hơn 60 ngày hoặc thậm chí còn lâu hơn nữa tùy theo quy định của pháp luật của từng quốc gia liên quan). Hơn nữa, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền cấp phép chỉ nhận hồ sơ trực tuyến và theo thứ tự.

Trái với sự chậm trễ trên, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp được cho là nhu cầu tất yếu trong suốt quá trình hoạt động và đôi lúc là nhu cầu cấp thiết. Khi phỏng vấn được ứng viên phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam phải tiến hành thủ tục để ứng viên này có thể làm việc trong thời gian ngắn nhất có thể. Việc chờ đợi để tiến hành một quy trình dài ngày như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp Việt Nam. 

Nhu cầu thực của doanh nghiệp Việt Nam nhưng khó chấp thuận

Theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn để người lao động nước ngoài được xin cấp giấy phép lao động là có bằng cấp (ví dụ như bằng đại học) và kinh nghiệm đã làm việc ở nước ngoài phải phù hợp với công việc dự kiến sẽ làm ở Việt Nam, nếu không thì sẽ không được xét duyệt và chấp thuận. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, kể cả người lao động Việt Nam cũng không thể đáp ứng được tiêu chí này. Khi giải trình lý do tuyển dụng người lao động nước ngoài mà không tuyển dụng người lao động Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền cấp phép đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nêu rõ bằng các tài liệu chứng minh việc doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện việc tuyển dụng người lao động Việt Nam, các yêu cầu nào mà họ không thể đảm trách và đem lại kết quả làm việc không mong muốn và lý do vì sao phải sử dụng người lao động nước ngoài. 

Theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn để NLĐNN được xin cấp GPLĐ là có bằng cấp (ví dụ như bằng đại học) và kinh nghiệm đã làm việc ở nước ngoài phải phù hợp với công việc dự kiến sẽ làm ở Việt Nam. VnEconomy
Theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn để người lao động nước ngoài được xin cấp giấy phép lao động là có bằng cấp (ví dụ như bằng đại học) và kinh nghiệm đã làm việc ở nước ngoài phải phù hợp với công việc dự kiến sẽ làm ở Việt Nam. Ảnh: VnEconomy

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép còn yêu cầu kế hoạch tuyển dụng, kế hoạch đào tạo của doanh nghiệp Việt Nam để chứng minh rằng thực tế doanh nghiệp đã tuyển dụng người lao động Việt Nam, đào tạo họ để đảm nhận vị trí nhất định trước khi có nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu này, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tiến hành tuyển dụng người lao động Việt Nam trước, sau đó nếu họ được đánh giá là không đáp ứng được yêu cầu thì doanh nghiệp Việt Nam phải tiến hành đào tạo và chỉ khi không đáp ứng được thì mới được tuyển người lao động nước ngoài. 

Việc “siết chặt” quá mức cần thiết làm cho doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều trở ngại khi giải trình nhu cầu sử dụng lao động của mình sao cho hợp lý dưới góc nhìn và quan điểm của cơ quan chấp thuận là các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Hoặc để đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp phải tiến hành một loạt quy trình tuyển dụng cồng kềnh và tốn kém để cung cấp đủ hồ sơ theo yêu cầu. Hơn nữa, mặc dù doanh nghiệp nộp được các hồ sơ, tài liệu theo như yêu cầu nhưng chưa chắc sẽ được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép chấp thuận vì những lý do khác nhau như giải trình chưa đủ thuyết phục. 

Rủi ro lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và người lao động nước ngoài

 

Do sự kéo dài của quy trình xin cấp giấy phép lao động, nhiều doanh nghiệp Việt Nam để người lao động nước ngoài vào làm việc ngay khi chưa có giấy phép lao động bằng hình thức khác ví dụ như dưới hình thức thị thực du lịch. Trong trường hợp này, cả doanh nghiệp và người lao động nước ngoài đều có thể phải chịu rủi ro pháp lý không nhỏ.

Ngoài ra, tiền lương, phụ cấp cũng như các khoản bổ sung khác mà doanh nghiệp Việt Nam đã trả hoặc sẽ trả cho người lao động nước ngoài có thể sẽ không được xem là chi phí hợp lý, hợp lệ được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Ở gốc độ pháp luật xuất nhập cảnh, doanh nghiệp còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính do bảo lãnh người lao động nước ngoài vào làm việc không đúng mục đích thị thực. Thị thực doanh nghiệp được cấp cho người nước ngoài làm việc với doanh nghiệp có thời hạn tối đa 3 tháng. Thị thực là chứng nhận pháp lý để người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp theo từng mục đích cụ thể.

Có giải pháp nào tối ưu hơn cho doanh nghiệp Việt Nam và người lao động nước ngoài?

Trong thời gian chờ được cấp giấy phép lao động, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm đến nhiều giải pháp tình thế, ngắn hạn, chi phí cao như cho người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới hình thức vào làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 1 năm, doanh nghiệp tạm ứng lương cho người lao động nước ngoài theo hình thức tạm ứng công tác phí, doanh nghiệp Việt Nam giao kết hợp đồng vay (thực tế là cho mượn tiền không lãi suất) cho người lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật về dân sự và các giải pháp khác nữa.

Những giải pháp này dù còn tồn tại những rủi ro pháp lý nhất định và có chi phí cao nhưng đã phần nào giúp doanh nghiệp tháo gỡ một phần nhu cầu sử dụng lao động cấp thiết của mình khi chưa thể xin được giấy phép lao động. Tuy nhiên, chưa có giải pháp nào hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam để đẩy quá trình xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. 

Do yêu cầu ngày một khắt khe, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang ở trong tình cảnh vô cùng áp lực khi quyết định tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc cho mình. Ngoài việc phải tìm ra ứng viên phù hợp, họ còn phải lo sợ việc không thực hiện được quy trình xin cấp giấy phép lao động đúng hạn, nhu cầu hoạt động không được và rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính do sử dụng người lao động nước ngoài khi chưa được cấp giấy phép lao động. 

Doanh nghiệp Việt Nam cần cập nhật nhanh nhất có thể các quy định về xin giấy phép lao động để xây dựng kế hoạch và quy trình tuyển dụng cho lao động nước ngoài, vừa có hiệu quả và lại tuân thủ quy định pháp luật. Về phía nhà làm luật cũng như nhà thực thi pháp luật, người viết bài đề xuất nên cân nhắc việc cải tiến quy trình hoặc rà soát lại những yêu cầu quá khắt khe về mặt thủ tục từ cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này là thực sự cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nhọc nhằn trong khi thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép lao động để cho cả doanh nghiệp và người lao động nước ngoài yên tâm khi tuyển dụng và làm việc tại Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới