Hủy
Doanh Nghiệp

Bầu trời Việt Nam sẽ thêm phần chật chội

Bá Ước Thứ Tư | 10/07/2019 17:30

Ảnh: TL

Những năm gần đây, bầu trời Việt Nam đã ngày một chật chội hơn khi nhiều hãng hàng không nội địa mới được thành lập và gia nhập ngành.
 

Hiện nay, Việt Nam có 5 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco, Vietjet, Bamboo Airways. Hồi cuối tháng 6, Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hàng không, trong khi đó Vietstar và Vietravel Airlines cũng đang chờ được cấp phép bay. Trong khi đó,  Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Mới đây nhất, công ty Vinpearl Air cũng được được thành lập ngày 22/4/2019, với ngành nghề kinh doanh chính của công ty là vận tải hành khách hàng không.

Còn nhớ, khi Bamboo Airways chuẩn  bị gia nhập thị trường, ông Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không vũ trụ của Tập đoàn Teal, cho biết ông hoài nghi rằng thị trường hàng không của Việt Nam có thể đủ chỗ một hãng hàng không khác. Theo ông, Việt Nam khi ấy có 3 hãng hàng không chính phục vụ 3 phân khúc khác nhau,  nhắc đến Vietnam Airlines, Viet Jet Air và Jetstar Pacific Airlines.

Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng từng nhận định rằng: “Những hãng hàng không ra đời sau sẽ khó cạnh tranh với các hãng đi trước”. Ngoài ra, các tân binh còn phải đối mặt với áp lực vốn.

Viễn cảnh nào cho ngành hàng không trong những năm tới

Trong một báo cáo gần đây về ngành hàng không, CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự báo thị trường hành khách nội địa sẽ tăng trưởng CAGR 5,9%/năm cho giai đoạn 2018-2025 với động lực tăng trưởng đến từ mức thu nhập người dân tăng lên, cơ cấu dân số vàng với tỷ trọng tầng lớp trung lưu tăng lên, và tỷ lệ hành khách nội địa trên tổng dân số vẫn ở mức thấp.  

Thị trường hành khách quốc tế được MBS dự báo tăng trưởng CAGR 11,4%/năm cho giai đoạn 2018-2025, động lực tăng trưởng từ thị trường du lịch đi và đến Việt Nam. Đó có lẽ là lý do khiến nhiều công ty xếp hàng chờ được bay.

Bau troi Viet Nam se them phan chat choi
 

Năm 2018, Vietjet trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa cao nhất đạt 48,9% thị phần, vượt xa hãng hàng không quốc gia Việt Nam với thị phần đạt 39,0%. Chính sách giá vé giữ vai trò chiến lược cho thành công của Vietjet. Tính trung bình, Vietjet luôn cung cấp giá vé rẻ nhất, đã bao gồm dịch vụ phụ trợ - suất ăn và hành lý ký gửi 20kg. Năm 2018, giá nhiên liệu bay tăng mạnh khoảng 30% gây áp lực khiến các hãng hàng không buộc phải tăng giá vé để bù đắp chi phí nhiên liệu.

Trong bối cảnh đó, Vietjet chấp nhận mức tăng giá vé thấp hơn so với các hãng hàng không còn lại, biên lợi nhuận tuy thấp hơn nhưng lượng hành khách vận chuyển tăng đáng kể trong khi thị trường toàn ngành tăng trưởng chậm lại. Trong những năm tới, thị trường nội địa sẽ tiếp tục có thêm những sự xáo trộn đáng kể với sự xuất hiện của Bamboo Airways. Mục tiêu ban đầu của Bamboo là xâm nhập thị trường, tăng nhận diện thương hiệu bằng chiến lược giá rẻ. Hiện tại, Bamboo đang đưa ra mức giá vé thấp nhất trong các hãng hàng không. Do đó, MBS dự báo thị phần của Vietjet tại thị trường nội địa sẽ giảm đi chút ít trong vài năm tới.

MBS nhận định rằng sự phát triển của các hãng hàng không trong tương lai sẽ tập trung sang thị trường quốc tế khi thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại, rào cản thị phần lớn. Vietnam Airlines có lợi thế về chất lượng dịch vụ trên thị trường quốc tế với thương hiệu Hãng hàng không Quốc gia, tiêu chuẩn Skytrax 4 sao. Tuy nhiên, MBS đánh giá Vietnam Airlines hưởng ít lợi hơn so với VietjetAir từ nhóm du khách quốc tế đến Việt Nam. Đón đầu xu hướng này, MBS nhận định phương hướng xây dựng Cam Ranh, Đà Nẵng thành các “international hub” của VJA sẽ giúp VJA tiếp tục gia tăng thị phần hành khách quốc tế trong các năm tới, là động lực tăng trưởng cho VJA.

Bên cạnh sự cạnh tranh sẽ lớn dần, trong một báo cáo vào đầu năm 2019, FlightGlobal cho biết ngành hàng không Việt Nam tiếp tục gặp khó với tình trạng quá tải năng lực tiếp nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi sân bay quốc tế Long Thành vẫn đang trong quá trình triển khai. Một thách thức nữa là các hãng hàng không sẽ khó tuyển đủ các phi công để đáp ứng các kế hoạch tăng trưởng năng lực cung ứng ghế ngồi của mình.  Điều này đã nhanh chóng thể hiện trong vụ việc lùm xùm giữa các hãng hàng không về việc tranh giành phi công của nhau.

► Bức tranh ngành hàng không Việt Nam năm 2018

► Thiếu đường băng mới là thách thức lớn nhất của ngành hàng không

► Bamboo Airways: Chuyến bay mạo hiểm của tỷ phú Trịnh Văn Quyết?

►  Hàng không: Bay vẫn khó, khó vẫn bay


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới