Hủy
Kinh Doanh

3 lý do ngân hàng bất ngờ tăng chi phí dự phòng rủi ro

Thứ Ba | 19/08/2014 15:34

Hàng nghìn tỷ đồng được các ngân hàng trích ra từ lợi nhuận quý II để dự phòng rủi ro tăng đột biến so với quý I và cùng kỳ 2013.
 

Trong số 12 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2014, có 7 tổ chức giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, chủ yếu do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đang có mức trích dự phòng rủi ro lớn nhất. Riêng số trích lập của BIDV, Vietcombank, Vietinbank trong quý II/2014 lên tới trên 4.085 tỷ đồng, bằng gần hai phần ba tổng mức trích lập của 12 ngân hàng cộng lại.

GAFIN

BIDV giữ vị trí quán quân với 2.183 tỷ đồng trích lập trong quý II và 2.880 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, lần lượt tăng 20% và 10% so với cùng kỳ một năm trước.

Một đơn vị khác cũng có mức trích lập dự phòng nghìn tỷ trong quý II/2014 là Vietcombank, đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và mức trích trong 6 tháng là gần 2.400 tỷ đồng. Vietinbank tuy có mức trích thấp nhất trong top đầu, song lại có tốc độ tăng trích lập cao nhất (quý II/2014 tăng 35% so với cùng kỳ).

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, do quy mô tín dụng thấp hơn các ngân hàng thương mại Nhà nước nên mức trích lập chỉ chiếm ở góc 1/3 còn lại. Trong đó, MB có mức trích lập lớn nhất với trên 570 tỷ đồng trong quý II và 940 tỷ đồng trong 6 tháng, lần lượt tăng 40% và 18% so với cùng kỳ một năm trước. Dự phòng cao là nguyên nhân khiến lợi nhuận trong kỳ của MB giảm bởi trước khi có vật cản này, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn tăng gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Có mức tăng trưởng trích lập dự phòng cao nhất trong quý là ACB với gần 355 tỷ đồng, tăng trên 500% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Oceanbank quý II/2014 trích lập hơn 165 tỷ đồng dự phòng, so với việc hoàn nhập gần 13 tỷ đồng một năm trước đây.

Các nhà băng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro được lý giải bởi ba nguyên nhân chính. Hầu hết các ngân hàng đề cập là thay đổi quy định phân loại nợ từ 1/6/2014 theo tinh thần Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

GAFIN

Thông tư 09 quy định từ 1/6 các ngân hàng phải gọi tên đúng nợ xấu, các khoản nợ trước đây không bị coi là rủi ro như tiền gửi quá hạn tại ngân hàng khác, các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp mà không thể đáo hạn cũng bị coi là "xấu"... Và dù phải tới 1/1/2015, các ngân hàng mới phải thực hiện phân loại nợ theo cơ chế chặt chẽ hơn (theo kết quả xếp hạng của Trung tâm Thông tin tín dụng), nhưng hầu hết các đơn vị đều trích lập sớm để tránh dồn cục khi tới thời điểm quy định bắt buộc.

Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Phan Huy Khang, thời điểm có hiệu lực của Thông tư 09 rơi vào tháng cuối của kỳ báo cáo, nhưng các ngân hàng vẫn phải tập trung để phân loại chính xác theo yêu cầu.

"Khi áp dụng theo Thông tư 02, cách tính nợ quá hạn sẽ bao gồm cả nợ nhóm 2. Ngoài ra, tỷ lệ trích lập dự phòng theo quy định mới cũng có điều chỉnh tăng lên ở một số nhóm. Do vậy, chúng tôi phải tăng lượng tiền trích lập dự phòng để đảm bảo trích đủ, trích đúng", ông Khang cho biết.

Một cuộc khảo sát mới đây của Ernst & Young (EY) cũng cho thấy, hầu hết các ngân hàng Việt Nam thừa nhận trích lập dự phòng rủi ro đang là hạng mục tiêu tốn chi phí lớn, trong bối cảnh nợ xấu tăng khi các nhà băng phải thực hiện phân loại nợ sát hơn nhằm thực hiện Thông tư 02.

Ngoài các khoản nợ xấu phải gọi đúng tên, nhiều ngân hàng còn thêm phần nợ chờ xử lý. Như tại Ocean Bank, khoản nợ này lên đến hơn 300 tỷ đồng. Theo lý giải của nhà băng, đây là khoản dư nợ phát sinh trong năm 2013 được phân loại, thu hồi và trích lập dự phòng theo các hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước.

Lãnh đạo ACB cho biết việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro diễn ra trong bối cảnh nợ xấu của hệ thống vẫn đang ở mức lớn. Khảo sát 11 nhà băng, EY cho hay 76% các ngân hàng Việt Nam đang nghĩ rằng nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến ngành ngân hàng.

GAFIN

Thống kê chung trong số 11 ngân hàng đã công bố, tổng nợ xấu tính theo giá trị tuyệt đối tăng từ 35.280 tỷ đồng cuối năm ngoái lên 46.250 tỷ đồng đến cuối quý II năm nay, tức tăng 31%.

Trong đó, riêng tại BIDV, các khoản nợ xấu lên tới trên 9.100 tỷ đồng, chiếm 2,35% tổng cho vay ngân hàng. Đây cũng là nhà băng có quy mô nợ xấu tính theo giá trị tuyệt đối cao nhất trong 12 ngân hàng công bố báo cáo tài chính.

Song, nếu xét về tỷ lệ nợ xấu, thì đáng nói nhất nằm ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khi đa số các tổ chức có tỷ lệ vượt 3% - ngưỡng an toàn do Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức quốc tế đặt ra. Chẳng hạn, tại PVcombank, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 5,2%, hay Ocean Bank là 4,84%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 2,3% và đầu năm là 3,5%.

Đặc biệt, trong số nợ xấu, các khoản nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang chiếm tỷ trọng lớn và tăng cao trong kỳ. Vốn dĩ đây là nhóm nợ phải trích lập dự phòng bằng 100% giá trị, nên nếu nợ nhóm này tăng, dự phòng không tránh khỏi chịu tác động. Chẳng hạn tại BIDV, nợ nhóm này tăng thêm 1.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm, Vietinbank tăng thêm 900 tỷ đồng. Ở ACB, nợ có khả năng mất vốn lên tới hơn 2.600 tỷ đồng, gần bằng 2/3 tổng nợ xấu, PVcombank cũng có số nợ có khả năng thu hồi thấp nhất này chiếm tới ¾ tổng nợ xấu.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến cho số tiền trích lập dự phòng rủi ro của các nhà băng gia tăng là do "cây đũa thần VAMC" không phát huy nhiều tác dụng.

Thời điểm mới thành lập (tháng 7/2013) đến cuối năm 2013, VAMC dồn dập mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng khiến nhiều người tỏ ra khá phấn khởi và tin tưởng vào hiệu quả hoạt động của công ty này. Tuy nhiên, suốt từ đầu năm 2014 đến nay, việc mua nợ xấu của VAMC gần như chững lại. Đến nay, con số nợ xấu mà các ngân hàng bán cho VAMC dao động khoảng 50.000 tỷ đồng, thực sự không thấm vào đâu so với tổng số nợ xấu của toàn nền kinh tế.

"Số nợ xấu bán lại này thậm chí còn không đủ bù số nợ xấu mới gia tăng. Điều này buộc các nhà băng phải tự bỏ tiền túi của mình ra để xử lý", một chuyên gia nhìn nhận.

Lý do có thể VAMC đến giờ vẫn đang trong tiến trình hoàn thiện bộ máy nên chưa thực sự hoạt động tốt. Thêm nữa, vấn đề mua vào nợ xấu là một chuyện nhưng bài toán bán ra đang là sự nan giải với tổ chức này. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng giờ không còn mặn mà bán nợ xấu cho VAMC như trước, mà chọn cách tự xử lý và đó cũng là lý do khiến trích lập dự phòng rủi ro tăng cao.

Ở một khía cạnh khác, lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng cổ phần phía Nam bộc bạch, đây là thời kỳ mà các ngân hàng buộc phải quay về giá trị thực của hoạt động ngân hàng. Các nhà băng phải tăng cường trích lập dự phòng để hoạt động lành mạnh, an toàn chứ không phải là sự đánh bóng với con số lợi nhuận không phản ánh đúng tình trạng sức khỏe. "Bởi vậy, việc đẩy mạnh trích lập dự phòng trong các quý trong năm là cần thiết. Các ngân hàng cũng tránh được cú sốc sụt giảm lợi nhuận cuối năm”, vị này bình luận.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, trong một nền kinh tế vẫn còn trì trệ, chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự khởi sắc và phục hồi như hiện nay thì các doanh nghiệp sẽ còn khó khăn và khả năng trả nợ của họ cũng suy giảm. Với những món nợ đã quá hạn trước đó, giờ doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì sẽ tiếp tục nhảy hạng lên nhóm cao hơn. "Điều này buộc các ngân hàng sẽ phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian tới", ông nhận định.

Theo ông, nếu xét theo chuẩn của nước ngoài, mỗi khoản vay ra đều trích dự phòng bằng 100%, con số phải trích lập dự phòng rủi ro của các nhà băng trên sẽ không dừng lại như báo cáo tài chính. "Ngay cả chưa cần đến các chuẩn mực này, thì với nợ xấu cao nói trên, trích lập dự phòng rủi ro hiện tại vẫn chưa tương xứng", ông nhận xét.

Lãnh đạo Eximbank thừa nhận, với tình hình tổng cầu yếu, hàng tồn kho của doanh nghiệp ngày một nhiều khiến ngân hàng không dám cho vay vì sợ gia tăng tỷ lệ nợ xấu. Nếu trích lập dự phòng đầy đủ thì các ngân hàng khả năng sẽ không còn lợi nhuận để công bố.

Dẫu vậy, đánh giá sự hoạt động bền vững là vấn đề cốt lõi của ngân hàng trong thời gian tới, nhiều nhà băng chủ động trích lập dự phòng rủi ro cao hơn so với quy định. "Vì đó chính là của để dành giúp ngân hàng ứng phó kịp thời nếu có xảy ra biến cố. Đặc biệt, lãnh đạo những ngân hàng có cổ đông lớn, đối tác chiến lược ngoại đều cho rằng, đây là thời điểm ngân hàng cần phải tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính" lãnh đạo ACB cho biết.

Theo ông, trong thời gian tới, việc ngân hàng có hoạt động tốt hơn hay không còn dựa nhiều vào sự đồng lòng của các cổ đông. Vì nếu cổ đông nhận thấy phải xây dựng ngân hàng phát triển theo hướng bền vững thì họ phải đồng tình tăng trích lập dự phòng rủi ro, giảm lợi nhuận và ngược lại.

Nguồn VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới