Hủy
Kinh Doanh

63 tỉnh, thành nợ doanh nghiệp 91.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Thứ Năm | 11/10/2012 08:24

Trong đó, nợ vốn xây dựng cơ bản hoàn thành 25.423 tỷ; vốn xây dựng cơ bản 65.850 tỷ đồng, các dự án giãn tiến độ với tổng vốn 38.320 tỷ đồng.
 

TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn các Báo cáo thẩm tra mới nhất của các Ủy ban của Quốc gia cho biết, năm 2011, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành phố là 91.273 tỷ đồng của 47.209 dự án.

Trong đó, nợ vốn xây dựng cơ bản hoàn thành là 25.423 tỷ; nợ vốn xây dựng cơ bản của 20.921 dự án đang triển khai, khối lượng đã thực hiện là 65.850 tỷ đồng, giãn tiến độ 41 dự án với tổng số vốn là 38.320 tỷ đồng.

Các báo cáo cũng cho thấy, từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã thu hồi đất của 792 tổ chức với diện tích 12.550,4 ha; đang lập hồ sơ thu hồi đất của 163 tổ chức với diện tích 1.502 ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, hệ thống thanh tra phát hiện và kiến nghị xử lý thu hồi 1.610 ha đất do quản lý, sử dụng không đúng quy định.

Tuy nhiên, TS Trần Đình Thiên tỏ ra hoài nghi về những con số này. “Chắc chắn các con số đó còn rất xa thực tế. Song nó cũng đủ để cho thấy mức độ khổng lồ của nguồn lực quốc gia đang bị lãng phí” – TS Thiên nói.

Trong khi đó, TS Lê Xuân Bá – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra nhận xét, việc phân cấp vội vã và những quyết định sai lầm ở địa phương đang làm lãng phí các nguồn lực quốc gia và dẫn đến sự không hiệu quả trong các hoạt động kinh tế.

Sự yếu kém trong việc điều phối các hạng mục đầu tư ở cấp tỉnh đôi khi đã dẫn tới một tình trạng tập trung quá nhiều vào một vài lĩnh vực (ví dụ phát triển cảng biển, khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế mở,…) và tạo nên sự phát triển lộn xộn, bất hợp lý giữa các địa phương, vùng.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc phân cấp quá triệt để về quy hoạch và cơ sở hạ tầng cho chính quyền địa phương đang khiến quy hoạch chung của cả nền kinh tế và vùng bị phá vỡ do xuất hiện những tư tưởng cục bộ và cạnh tranh không lành mạnh. Hội chứng này đã khiến cho cơ cấu kinh tế manh mún, thiếu hiệu quả, gây ra lãng phí.

Còn theo tính toán, phân tích của TS Vũ Thành Tự Anh – Giảng viên kinh tế chương trình Fullbright, với số lượng tỉnh khá lớn làm cho quy mô trung bình của một đơn vị phân cấp ở Việt Nam tương đối nhỏ.

Với quy mô như hiện nay, các địa phương không tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, đồng thời không giải quyết được một cách hiệu quả các vấn đề ngoại tác. Không những thế, quy mô nhỏ cùng với số lượng đơn vị phân cấp nhiều còn có thể dẫn tới sự cạnh tranh quyết liệt giữa các địa phương

Khuyến nghị về đổi mới hệ thống phân cấp quản lý Nhà nước về kinh tế ở Việt Nam, TS Lê Xuân Bá cho rằng, nguyên tắc “việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tố hơn các yêu cầu của tổ chức và nhân dân thì giao cho cấp đó thực hiện” cần được triệt để quán triệt.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng nguyên tắc “những dịch vụ công nào mà khu vực tư nhân có thể đảm nhận được thì Nhà nước chỉ đóng vai trò là người quản lý và giám sát chất lượng. Nhà nước chỉ nên đảm nhận các dịch vụ công thuần túy mang tính quản lý Nhà nước mà không ai làm thay được.

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới