Hủy
Kinh Doanh

Air Cargo gọi tên hãng bay nội

Thanh Hương Thứ Tư | 10/08/2022 07:00

Trong khoảng thời gian COVID-19 diễn biến phức tạp, dịch vụ vận chuyển hàng hóa đã tăng trưởng và trở thành phao cứu sinh cho các hãng hàng không. Ảnh: Quý Hòa

Phao cứu sinh cho các hãng hàng không trong đại dịch đang trở thành miếng bánh ngon.
 

Levi Strauss, nhà sản xuất quần jean danh tiếng của Mỹ, đã chi mạnh tay cho vận chuyển hàng không. Hãng này chấp nhận hy sinh 0,8 điểm phần trăm tỉ suất lợi nhuận trong quý II cho chi phí vận chuyển, theo Financial Times.

Hãng thời trang Gap cũng đã tiêu hơn 50 triệu USD cho cước phí vận chuyển hàng không trong quý vừa qua. Đó là một trong những nguyên nhân nhà bán lẻ thời trang hàng đầu thế giới này cắt giảm kỳ vọng lợi nhuận và Giám đốc Điều hành Sonia Syngal phải rời ghế vào đầu tháng 7.

Hãng thời trang cao cấp Aritzia hay Lululemon Athletica của Canada buộc phải giảm lợi nhuận vì phải vận chuyển bằng đường hàng không bất chấp cước phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng nhanh trong thời gian qua do cảng biển bị tắc nghẽn. 

Điều này cho thấy vận tải hàng không là miếng bánh ngon mà các hãng hàng không trong nước còn bỏ ngỏ trong khi nhu cầu vẫn tăng nhanh, chưa có dấu hiệu chậm lại. 

Tiềm năng còn rất lớn

Trong khoảng thời gian COVID-19 diễn biến phức tạp, dịch vụ vận chuyển hàng hóa đã tăng trưởng và trở thành phao cứu sinh cho các hãng hàng không. Thời gian giao hàng nhanh, an toàn là lý do nhiều ngành lựa chọn vận tải hàng hóa bằng đường hàng không. Lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu trong năm 2022 dự kiến sẽ bằng 1/5 so với năm 2019. Tuy nhiên, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không ước tính sẽ cao hơn 11,7% so với năm 2019 và cao hơn 4% so với năm 2021, theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). 

Hiện tại, có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam. Và theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, Việt Nam chỉ có 5 hãng hàng không khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách nhưng hiện chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% trong năm 2019 và giai đoạn 2020-2021 chỉ đạt 11% thị phần hàng hóa quốc tế.

Trước đây, vận chuyển hàng hóa chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu của Vietnam Airlines. Từ cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mảng này đã chiếm vị trí chủ đạo lên gần 30%. Điều này đã đưa Vietnam Airlines trở thành hãng đứng đầu về thị phần vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế, theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines.

Năm 2021, hoạt động vận chuyển hàng hóa của Vietjet đạt 2.954 tỉ đồng, trong đó doanh thu vận chuyển hàng hóa theo chuyến đạt 2.654 tỉ đồng. Vietjet tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu về hàng hóa trên 200% so với cùng kỳ.

Thực tế, lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đã tăng trưởng trong nhiều năm qua. Thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không bắt đầu phát triển từ năm 1991 với tổng thị trường hàng hóa đạt 18.384 tấn. Đến năm 2022 sản lượng đạt hơn 1,52 triệu tấn, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019.

Nhìn thấy tiềm năng của thị trường vận chuyển hàng hóa, vào năm 2021 trong văn bản vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần IPP Air Cargo, chia sẻ, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam ngày càng tăng cao nhưng thị phần vận chuyển hàng hóa lại do các công ty nước ngoài chiếm lĩnh, lên tới 80% thị phần. 

Việt Nam là nước có nền nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu đưa các sản phẩm nông nghiệp tươi bằng đường hàng không đang rất lớn trong khi chi phí vận chuyển bằng đường biển đang gặp nhiều rào cản về hạ tầng. Hầu hết nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long phải xuất khẩu qua cảng Cát Lái. Cũng theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, việc thành lập một hãng hàng không chuyên biệt về vận chuyển hàng hóa tại thời điểm hiện nay là vô cùng cần thiết.

Chuẩn hóa vận tải hàng không

Giữa năm 2021, ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin thành lập dự án hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo. Thời điểm đó, Cục Hàng không chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa trong lúc ngành hàng không Việt Nam vẫn chồng chất khó khăn vì dịch bệnh. 

Vietnam Airlines cũng muốn chia phần lớn hơn trong chiếc bánh vận tải hàng hóa.
Vietnam Airlines cũng muốn chia phần lớn hơn trong chiếc bánh vận tải hàng hóa. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, sau khi bổ sung nhiều tài liệu vào hồ sơ, trong đó có phương án tăng vốn để bù đắp vốn thiếu hụt trong 3 năm đầu hoạt động do lợi nhuận âm, chứng minh IPP Air Cargo có 100% vốn Việt Nam... Mặt khác, đến đầu năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Do đó, sau 2 lần thẩm định, Cục Hàng không đánh giá hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo phù hợp với các quy định hiện nay.

Không phải tự nhiên nhắm đến lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiện chính là Chủ tịch Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Sasco đạt 427 tỉ đồng doanh thu, tăng 111% so với nửa đầu năm ngoái. Khấu trừ chi phí, Công ty lãi sau thuế gần 86 tỉ đồng (cùng kỳ lỗ 1,8 tỉ đồng).

Vietnam Airlines cũng muốn chia phần lớn hơn trong chiếc bánh vận tải hàng hóa. Tại Đại hội cổ đông vào  năm 2021, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết Hãng đang xây đề án và hoàn thiện đề án hãng hàng không hàng hóa ngay sau dịch bệnh COVID-19. 

Cũng theo ông Hà, Vietnam Airlines đã nghiên cứu dự án thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa từ cách đây 4 năm nhằm khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt. Nếu hướng đến khai thác mảng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không thì hãng này cần một quy mô lớn từ đội bay, tàu bay… nhằm khai thác các nguồn hàng, luồng hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Vị Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng dẫn chứng thực tế với các hãng bay vận tải hàng hóa như Korean Air và China Air có mạng lưới đường bay và đội bay đủ lớn nên mang lại hiệu quả cao.

Hãng bay ngoại tăng tốc

Tại thị trường thế giới, các hãng sản xuất máy bay cũng đặt cược lớn vào nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không khi nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing cho biết Công ty có kế hoạch tăng 80% số lượng máy bay vận tải của Hãng được sử dụng trong 2 thập niên tới. Airbus, đối thủ chính của Boeing, cũng có kế hoạch tăng số máy bay vận tải đang hoạt động thêm 50% vào năm 2041. 

“Đại dịch COVID-19 đã chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược của vận tải hàng không”, ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch tiếp thị thương mại của Boeing, nhận định.

Ảnh: Sang Lei/ theloadstar.co
Không chỉ có DHL và ANA Cargo, các hãng ngoại như Korean Air, China Airlines và EVA Air cũng có các chuyến bay chở hàng đến và đi từ Việt Nam. Ảnh: Sang Lei/ theloadstar.co

Mặc dù đã có mặt khá lâu tại thị trường Việt Nam, nhưng khi thấy được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các nhà khai thác lớn như DHL Express của Đức và ANA Cargo của Nhật cũng hoạt động tích cực hơn. Theo đó, DHL đang đẩy mạnh các dịch vụ vận chuyển hàng hóa thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. Mỗi tuần một lần, một máy bay vận tải Boeing 777 sẽ bay từ Sydney, Úc đến TP.HCM, trước khi đến sân bay Chubu ở miền Trung nước Nhật và sau đó là bang Ohio ở Mỹ. Năng lực vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ của DHL sẽ tăng 27% so với trước đây lên hơn 940 tấn/tuần.

Hãng vận tải ANA Cargo thuộc tập đoàn ANA Holdings cũng đã bắt đầu đưa vào khai thác dịch vụ vận tải hàng hóa hằng ngày bằng đường hàng không trên tuyến Việt Nam và sân bay Narita vào tháng 3 vừa qua.

Không chỉ có DHL và ANA Cargo, các hãng ngoại như Korean Air, China Airlines và EVA Air cũng có các chuyến bay chở hàng đến và đi từ Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới