Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp nông sản "ăn Tết lớn" khi Trung Quốc hút hàng

Trịnh Tuấn Thứ Năm | 12/01/2023 13:13

Trước tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc, doanh nghiệp Việt kỳ vọng năm 2023 sẽ tạo sức bật cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: TL

Tình hình thông quan tại các cửa khẩu thông suốt, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới diễn ra sôi nổi sau 3 năm tạm đóng cửa.
 

So với thời điểm cách đây 1 tháng, giá thanh long đã tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần. Nhu cầu tiêu thụ của nhiều thị trường đặc biệt là Trung Quốc, nguồn cung hạn chế trong dịp cận tết do đó giá thanh long nhích lên từng ngày.

Nhiều loại trái cây, nông sản đang tăng giá mạnh thời điểm cận Tết Nguyên đán. Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, giá thanh long ruột trắng loại 1 có giá 13.000 - 15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 35.000 - 37.000 đồng/kg. Với mức giá đang tốt như hiện nay, không ít doanh nghiệp đang tập trung vào sản xuất trái tươi.

Ngoài thanh long, sầu riêng cũng là mặt hàng ghi nhận nhu cầu tăng cao tại thị trường Trung Quốc. Giá sầu riêng tại các vườn cũng đang ở mức đến 120.000 đồng/kg, tăng khoảng 3 lần so với 3 tháng trước.

 

"Do nhu cầu Tết từ thị trường Trung Quốc và thứ 2 sản lượng sầu riêng của Thái Lan mùa này không có nhiều, hàng mình trái mùa nên bán được nhiều. Nhu cầu trái cây của Trung Quốc chắc chắn tăng so với 2022. Trung Quốc cũng đã dỡ bỏ các biện pháp, rào cản cho lưu thông hàng hóa ở biên giới và trong thị trường Trung Quốc", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.

Về lâu dài, nhu cầu thị trường còn được dự báo có thể tiếp tục tăng. Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cũng cho biết thời điểm này, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu các loại tôm sú để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

"Nếu việc mở cửa đi cùng với việc kiểm soát dịch bệnh tốt, đây sẽ là thị trường quan trọng của thủy sản trong năm 2023", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhận định.

Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam hiện nay là nguồn cung khan hiếm nên khả năng cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị hạn chế. Chẳng hạn thanh long đang bước vào vụ nghịch, nên sản lượng giảm. Trong khi đó với mặt hàng sầu riêng, số mã số vùng trồng và mã đóng gói của Việt Nam còn ít so với nhu cầu thị trường.

Năm 2023 dự kiến sẽ đàm phán thêm 8 mặt hàng (thanh long, dưa hấu, xoài…) từ xuất tiểu ngạch sang xuất chính ngạch theo nghị định thư đi Trung Quốc. Đây là những yếu tố tích cực trong năm 2023.

Có thể bạn quan tâm:

Ba kịch bản dự báo kinh tế vĩ mô 2023

Nguồn VTV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới