Hủy
Kinh Doanh

Kế hoạch lớn cho đồng bằng sông Cửu Long

Ngọc Thủy Thứ Ba | 03/10/2017 07:30

TTXVN

 
 
Chính phủ chi 1 tỉ USD cho ĐBSCL để hỗ trợ khu vực này thực hiện chiến lược chuyển đổi kinh tế quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khoảng một năm trở lại đây, rất nhiều hội thảo, hội nghị về biến đổi khí hậu đã diễn ra. Nhưng chỉ “Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”(26-27.9.2017)  là quy tụ đông đảo nhất, với hơn 500 đại biểu, từ quan chức chính phủ, đến giới chuyên gia, doanh nghiệp, truyền thông cùng các tổ chức quốc tế. “Điều này cho thấy tầm quan trọng của câu chuyện biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan, nhấn mạnh. Thậm chí, hội nghị này được gọi là “Hội nghị Diên Hồng” nhằm tập hợp các ý tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương đồng bằng sông Cửu Long xác định những nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững khu vực này với tầm nhìn đến năm 2100.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn “các đại biểu nói thẳng, nói thật, phản biện để tìm giải pháp tốt nhất cho đồng bằng sông Cửu Long”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tinh thần của hội nghị lần này là tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu theo hướng thích ứng. “Chúng ta chỉ có thể thích ứng và quản lý kiểm soát biến đổi khí hậu chứ không chống lại, không cần thiết và cũng không có khả năng chống lại”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.

Thảm họa ngay trên đầu

Nhiều năm gần đây, người dân các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang phải “chạy mặn” từng ngày. Bởi các tiểu vùng nước ngọt quanh năm bị đảo lộn, bị mặn xâm nhập, đã đe dọa cả trăm ngàn ha đất nông nghiệp, nhiều vườn cây ăn trái, thủy sản nước ngọt... thậm chí có nguy cơ xóa sổ. Tại miền Trung, ngành nông nghiệp và thủy sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán, nhiễm mặn và tình trạng hải sản chết bất thường ở nhiều tỉnh... Do hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này, năm ngoái, World Bank đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2016 từ 6,5% xuống còn 6,2%.

Ke hoach lon cho dong bang song Cuu Long
Nhiều khu vực đất canh tác tại Việt Nam có nguy cơ xóa sổ vì nạn khô hạn, xâm nhập mặn.

Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) quan ngại khi đưa Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới từ biến đổi khí hậu. UNDP tính toán thấy rằng, với đặc điểm bờ biển trải dài hơn 3.000km, nếu mực nước biển tăng 1m thì Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, khoảng 11% dân số mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp, giảm 10% GDP và gần 50% đất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập chìm, không còn khả năng canh tác.

Các con số cập nhật tại Hội nghị cũng đưa ra những cảnh báo: tốc độ nước biển dâng hiện nay là 3mm/năm. Tính chung trong 50 năm qua, ở đồng bằng sông Cửu Long, nước biển đã dâng khoảng 20cm. Theo kịch bản khả dĩ nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến cuối thế kỷ XXI, mực nước dâng ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ là 53cm (32-77cm) cho vùng biển Đông và 55cm (33-78cm) cho vùng biển Tây. Với kịch bản nói trên, khu vực này sẽ bị ngập khoảng 4,48% diện tích. “Vì vậy, vấn đề nước biển dâng lâu dài hơn và không khẩn cấp bằng sự sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long”,  ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, nhận định.

Báo cáo của Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ sụt lún trung bình ở đồng bằng sông Cửu Long đang là 1,1 cm/năm, có những nơi sụt lún đến 2,5cm/năm. Tính ra, tốc độ sụt lún đã cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Hiện nay, hơn một nửa chiều dài bờ biển đồng bằng sông Cửu Long đang sạt lở, với tổng sạt lở bờ sông bờ biển lên đến gần 900km. “Trung bình mỗi năm, khu vực này mất khoảng 500ha đất ven biển, tình trạng sạt lở đã không còn cân bằng nữa”, ông Nguyễn Hữu Thiện cảnh báo. Ngăn xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long, gìn giữ an toàn lương thực của một khu vực hằng năm đóng góp 27% GDP, 90% lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, ổn định cuộc sống và an sinh cho trên 17 triệu người đòi hỏi những hành động quyết liệt hơn.

Liên Hiệp Quốc từng nêu rõ, biến đổi khí hậu có 90% nguyên nhân từ con người. Ở đồng bằng sông Cửu Long, con người không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt, khai thác quá mức nguồn nước ngầm mà còn triển khai bao đê khép kín để canh tác lúa vụ ba (thu đông). Các ô đê bao này đã ngăn cản việc hấp thu lũ. Theo Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM), điển hình tại vùng Tứ giác Long Xuyên, khả năng hấp thu lũ đã giảm từ mức 9,2 tỉ m3 năm 2000 xuống 4,5 tỉ m3 năm 2011.

Ke hoach lon cho dong bang song Cuu Long

Nước lũ khi không được hấp thu đã gây nên ngập lụt. Tính toán của chuyên gia Dương Vũ Hoàng Thái trong mùa lũ năm 2014 cho thấy, đê bao khép kín ở vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười đã làm tăng mực nước ở Cần Thơ lên 5cm, ở Mỹ Thuận lên 3cm. Đê bao khép kín cũng đã ngăn nước lũ vào đồng. Vì thế, đến mùa khô, cả vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười bị hạn và gia tăng xâm nhập mặn vùng ven biển. Đặc biệt, từ sau trận lũ lớn năm 2011, nước lũ về đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ít đi. Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân ban đầu là El Niño. Đây là hiện tượng có tính chu kỳ, 2-7 năm xuất hiện một lần, với những lần cực đoan dẫn tới khô hạn. Còn 11 đập thủy điện đặt trên dòng chính ở Lào và Campuchia chưa phải là nguyên nhân. Bởi mới có 3 đập đã khởi công nhưng chưa hoàn tất. Ngay cả khi xây xong, ở những năm bình thường, theo ông Thiện, các đập này cũng không gây ảnh hưởng lớn đến đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ những năm khô hạn, khi mỗi đập có khả năng giữ nước từ 1,5-18 ngày, làm nước về chậm cả tháng khi đi qua mỗi đập, lúc đó tình trạng mới nghiêm trọng.

Đối với 13 đập thủy điện của Trung Quốc, đã và sẽ đặt ở thượng nguồn sông Mê Kông, các báo cáo từ Hội nghị cho thấy, lượng nước đóng của lưu vực phần Trung Quốc chỉ chiếm 16% tổng lượng nước sông Mê Kông. Vì thế, ông Thiện cho rằng, các đập thủy điện từ Trung Quốc bình thường sẽ không ảnh hưởng lớn đến lượng nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, những năm hạn hán, như năm 2016, các đập này sẽ gia tăng giữ nước và làm cho tình trạng hạn - mặn ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, tức khu vực đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng hơn.

Hội đồng Tư vấn biến đổi khí hậu của Việt Nam ước tính, các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông, kể cả của Trung Quốc chiếm đến 75% nguyên nhân sụt giảm lượng phù sa bùn cát và gây ảnh hưởng bất lợi đến hàng triệu người dân sống ven sông. Trước mắt, số liệu của Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) cho biết, lượng phù sa sông Mê Kông đã giảm một nửa, từ 160 triệu tấn/năm (năm 1992) xuống còn 85 triệu tấn/năm (năm 2014). Sắp tới, MRC dự báo, khi 11 đập thủy điện xây dựng xong, lượng phù sa này sẽ còn giảm tiếp 50%, về mức 42 triệu tấn/năm. Điều này đồng nghĩa, đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất đi lượng lớn phù sa và dinh dưỡng bám vào phù sa. Ngoài ra, khi 11 đập thủy điện hoàn tất, toàn bộ cát sỏi từ thượng nguồn Mê Kông sẽ bị chặn. Khi đó, sạt lở sẽ diễn ra dữ dội ở sông Tiền, sông Hậu và bờ biển, nhất là đoạn bờ biển dài 250km ở cửa sông Cửu Long, từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng đến Bạc Liêu. Cùng với đó, 100% cá trắng (chiếm 74% số loài cá ở đồng bằng sông Cửu Long) sẽ hoàn toàn biến mất.

Kế hoạch tổng lực, thay đổi tư duy

Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng lại đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đến từ biến đổi khí hậu, sự phát triển thiếu bền vững và tác động của các công trình thủy điện trên sông Mê Kông. Trước các thách thức trên, đã có hơn 2.500 quy hoạch được lập cho khu vực này. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “nhiều quy hoạch được lập riêng rẽ, thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém, gây khó khăn, lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước”.

Ke hoach lon cho dong bang song Cuu Long
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong chuyến thị sát đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Để khắc phục tình trạng này, sắp tới, ở góc độ vĩ mô, Việt Nam sẽ rà soát lại các quy hoạch và tiến tới lập một quy hoạch tổng thể, mang tính tích hợp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Quy hoạch này sẽ theo hướng tôn trọng, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, sống chung với lũ, sống chung với mặn và phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan”. Chi tiết hơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra, quy hoạch tổng thể đặt mục tiêu tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt, xem nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên và chung sống với nó. Nguyên tắc chọn lựa phải cân nhắc được mất trên cả 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Học theo mô hình Hà Lan, Việt Nam dự kiến sẽ có một cơ chế điều phối, quản lý thống nhất cho quy hoạch vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Công tác lựa chọn tư vấn quốc tế, tổ chức thẩm định, thảo luận phản biện, hoàn thiện việc quy hoạch tổng thể tích hợp này cũng sẽ sớm được triển khai trong 1-2 năm tới.

Ở góc độ hợp tác quốc tế, ông Hoàng Ngọc Phong, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Kinh tế, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần cùng với các  nước trong tiểu vùng sông Mê Kông xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước. Bởi việc điều tiết nước cho cả lưu vực sông Mê Kông có liên quan đến những hồ, đập lớn ở các nước trong khu vực này.  Với nguồn lực tài chính cho các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho đồng bằng sông Cửu Long khoảng 20%. Thời gian tới, World Bank sẽ cho vay khoảng 300 triệu USD, cộng với các nguồn khác là khoảng 1 tỉ USD.

Việt Nam đang dựa vào ngân sách và hỗ trợ từ các nước như Hà Lan, Úc, Đức, Thụy Điển cùng các tổ chức quốc tế như World Bank, UNDP, GIZ… để triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng sắp tới, như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh “chuyển hóa các thách thức ở đồng bằng sông Cửu Long trước hết phải từ nguồn lực của chính đồng bằng”. Đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp nơi đây, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, chú ý chất lượng thay vì số lượng.

Muốn làm được như vậy, theo chuyên gia Võ Tòng Xuân, “Việt Nam cần thay đổi lại tư duy, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp”. Lâu nay, đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa, là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Với vai trò này, đây là nơi trồng lúa 3 vụ lớn nhất cả nước, với tổng diện tích lúa vụ 3 hiện lên đến 810.000ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Nhưng theo ông Võ Tòng Xuân, lúa là cây trồng hao tốn nước nhiều nhất. Trồng lúa cả 3 vụ thì đất đai dễ bạc màu, đê bao vây kín và nhất là phải dùng phân hóa học, nông dược nhiều. Đáng nói hơn, các nghiên cứu kinh tế đều chỉ ra, càng canh tác lúa 3 vụ, quốc gia đó càng nghèo thêm. Với người nông dân, khảo sát của IUCN cho thấy, một hộ gia đình 5 người ở Đồng Tháp trồng lúa 3 vụ với diện tích dưới 1ha lại có thu nhập không đủ sống, phải đi tìm việc nơi khác.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Ngọc Phong cho rằng: “Việt Nam nên mềm hóa khái niệm an ninh lương thực và giảm diện tích đất canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long”. Mức phù hợp là chỉ cần đảm bảo nước ngọt cho khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa năng suất cao. Còn lại, 500.000ha đất mặn có thể chuyển đổi sang trồng lúa mùa đặc sản kết hợp với nuôi tôm một vụ để cho giá trị cao hơn.

Rộng cửa cho tư nhân

Việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp, từ tập quán chuyên canh lúa sang lựa chọn các loại cây, con khác sao cho phù hợp với tình hình đất đai, khí hậu đã biến đổi ở đồng bằng sông Cửu Long là rất phức tạp. Chính bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan cũng xác nhận, đây là một công việc sẽ mất nhiều thời gian, cần quyết tâm lớn và cần sự tham gia tích cực của cả Nhà nước, các đơn vị kinh tế tư nhân lẫn người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân là không thể thiếu. Nhưng lâu nay, theo báo cáo từ Hội Khoa học  Kinh tế Việt Nam, chỉ 1% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp rót vào nông nghiệp. Vì thế, theo ông Hoàng Ngọc Phong, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp.

Theo chia sẻ bên lề Hội nghị của một nữ giám đốc công ty thủy sản ở Cần Thơ, bà nhìn thấy trong nguy có cơ hội cho đồng bằng sông Cửu Long. Đó là những chuyển biến về thể chế hứa hẹn thuận lợi cho doanh nghiệp trong tham gia đầu tư vào nông nghiệp ở khu vực này. Đó là cơ hội từ tái cơ cấu sản phẩm, chuyển đổi, mở rộng sang nuôi trồng các cây, con khác thay vì chỉ tập trung vào lúa gạo như trước. Cơ hội còn được nhìn thấy ở phương diện, các công ty, hộ nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ buộc phải đầu tư và ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật hiện đại, phương cách mới vào trong trồng trọt, chăn nuôi nếu muốn đạt năng suất, chất lượng như yêu cầu thị trường. Chẳng hạn, phân sinh học đang rẻ hơn phân hóa học, sử dụng ít nhưng hiệu quả chất lượng cao, lại không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì thế, xu hướng trồng trọt tương lai ở khu vực này sẽ dùng phân sinh học. Nhưng hiện chỉ mới khoảng 20 công ty tham gia lĩnh vực này.

Đối với lựa chọn cây thay thế, chuyên gia Võ Tòng Xuân kiến nghị cây mía. Mía là cây trồng thuộc nhóm hấp thu ánh sáng mặt trời tốt nhất nên thích hợp trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Mía còn cho hiệu quả kinh tế cao vì người ta có thể dùng mía để làm đường, làm than, điện… Ngoài ra, theo ông Võ Tòng Xuân, đồng bằng sông Cửu Long có thể xem xét trồng các loại cây vừa dễ trồng mà nước ngoài ưa thích như xoài, thanh long, dứa, nhãn, chuối, cam quýt, bưởi, mãng cầu... Hay nông dân cũng có thể cân nhắc nuôi cá nước ngọt theo sông, nuôi tôm trong các ruộng lúa đã chuyển đổi…

Ke hoach lon cho dong bang song Cuu Long
Việt Nam cần chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: blogspot.com

Trên thực tế, tìm đầu ra cho nông nghiệp là bài toán quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp nói riêng cũng như cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Trong quá khứ từng ghi nhận tấm gương xông pha của ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, trong việc đưa mít ra thị trường thế giới theo hình thức sấy khô. Hay nhờ ông Ngô Húa, một Việt kiều Mỹ chuyên làm thủy sản ở California (Mỹ) suy nghĩ cách thức tiếp thị, mời cả đầu bếp nổi tiếng thế giới đến chế biến cá basa mời thực khách mà nước Mỹ và sau đó các nước châu Âu mới biết đến con cá basa của Việt Nam.

Ông Võ Tòng Xuân tha thiết mong các doanh nghiệp cũng mạnh dạn trong tìm kiếm thị trường và suy nghĩ cách giới thiệu, quảng bá sao cho nông sản, thủy sản Việt Nam đến được các nước. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, ông Xuân nhận thấy, nông sản, thủy sản của Việt Nam rất được ưa chuộng trên thế giới. “Vấn đề chỉ là cách thức tiếp cận và chất lượng phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Xuân chia sẻ.

Nhưng để đảm bảo kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản và tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, ngoài những ưu đãi về thuế, phí…, ông Võ Tòng Xuân cho rằng, Việt Nam cần hướng đến chính sách dồn điền đổi thửa, tạo những hợp tác xã kiểu mới. Bởi  “muốn có sản xuất lớn để dễ dàng cơ giới hóa, nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm thì phải dựa trên diện tích lớn”, ông Xuân nhấn mạnh. Nhưng Luật Đất đai Việt Nam hiện nay lại là hạn điền. Đó là lý do vì sao ông Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, muốn đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, rất cần ý chí mạnh mẽ của cấp Nhà nước.

Về mô hình hoạt động, tự doanh nghiệp cũng đã có những đổi mới trong liên kết với nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng hạn, Công ty ADC (TP.HCM) đã hỗ trợ kinh phí cho Hợp tác xã Mỹ Thành (Tiền Giang) xây dựng mô hình sản xuất lúa đạt chuẩn Global Gap, sau đó bao tiêu toàn bộ lúa này với giá cao hơn giá thị trường 20%. Hay Công ty Lương thực Tiền Giang ký hợp đồng bao tiêu hàng trăm hecta lúa chất lượng cao, an toàn cho Cai Lậy. Đối với lĩnh vực thủy sản, hầu hết doanh nghiệp đều liên kết với nông dân và tìm cách chủ động vùng nguyên liệu. Như  Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn hiện chủ động được 50-60% vùng nguyên liệu và hướng tới chủ động 70-80% nguyên liệu. 

Nhưng số doanh nghiệp dấn bước lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn, bài bản, tham gia cả xuất khẩu như Vĩnh Hoàn lại không nhiều. Trong khi đó, để hiệu quả và làm giàu bằng nông nghiệp, ông Võ Tòng Xuân đúc kết: “Doanh nghiệp cần tham gia với tâm thế nghiêm túc, có tầm nhìn dài hạn 20-30 năm”.

Ngọc Thủy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới