Hủy
Kinh Doanh

Phát triển xuất khẩu vùng bằng vốn ODA Thụy Sỹ

Thứ Tư | 01/10/2014 15:32

Chương trình lựa chọn một số nhóm hàng ưu tiên để xuất khẩu ở 3 vùng kinh tế Bắc, Trung, Nam.
 

Ngày 30/9/2014, Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo Quốc gia về Kế hoạch phát triển xuất khẩu vùng công bố kế hoạch phát triển xuất khẩu được xây dựng cho ba vùng là Bắc, Trung và Tây Nam Bộ.

Xây dựng Kế hoạch phát triển xuất khẩu vùng là một trong những hoạt động trọng tâm trong giai đoạn Khởi động (6/2013 – 12/2014) của Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”. Đây là Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn ODA không hoàn lại do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, được thực hiện trong 4 năm (2013 – 2017). Cơ quan quản lý dự án là Bộ Công Thương, giao cho Cục XTTM là đơn vị chủ trì thực hiện theo phương thức Quốc gia điều hành.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết Bộ Công Thương đánh giá cao sự nỗ lực và trình độ chuyên môn của tập thể các chuyên gia trong nước đã xây dựng Kế hoạch phát triển xuất khẩu cho ba vùng. Thứ trưởng cho rằng Kế hoạch này sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho các cơ quan, tổ chức xây dựng chính sách và kế hoạch xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Kế hoạch phát triển xuất khẩu vùng được xây dựng dựa trên hai hoạt động quan trọng đã được Chương trình thực hiện trước đó là Đánh giá tiềm năng xuất khẩu vùng và Đánh giá năng lực hệ thống XTTM địa phương. Mục tiêu chính là đề xuất những hoạt động cụ thể nhằm nâng cao năng lực cho các Trung tâm XTTM, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức/đơn vị liên quan nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn các DNNVV đang sản xuất, kinh doanh trong các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu tại địa phương.

Theo Kế hoạch phát triển xuất khẩu vùng, các nhóm hàng ưu tiên để phát triển xuất khẩu ở 3 miền bao gồm miền Bắc có quả vải, chè, dệt may, giày dép, logistic, dịch vụ; miền Trung có cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mật ong, cá ngừ, thủ công mỹ nghệ - xuất khẩu tại chỗ, thủ công mỹ nghệ mây tre lá, logistic, du lịch; miền Nam có gạo thơm, trái cây tươi, cá tra, may mặc, thủ công mỹ nghệ, logistic, du lịch.

Các Kế hoạch đã mô tả rất chi tiết những phân tích về triển vọng thị trường và các điều kiện thâm nhập thị trường xuất khẩu, tình hình xuất khẩu hiện nay và đề xuất kế hoạch hành động chi tiết cũng như địa bàn dự kiến cho từng ngành hàng, làm cơ sở khoa học để Chương trình tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động hàng năm trong Giai đoạn chính của Chương trình (2015 – 2017).

Kế hoạch phát triển xuất khẩu vùng là hoạt động do đội ngũ tư vấn đến từ các Bộ/ngành, viện nghiên cứu và các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp của Việt Nam thực hiện. Hoạt động nghiên cứu này yêu cầu bám sát tình hình thực tế tại địa phương, kết hợp nghiên cứu tại bàn với điều tra thực địa; đồng thời đòi hỏi cao về kỹ năng phân tích, tổng hợp các hoạt động sản xuất và thương mại, các thị trường xuất khẩu, đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, xây dựng các chiến lược phát triển xuất khẩu ngành và liên ngành theo phương pháp chuỗi giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, việc đề xuất kế hoạch hành động chi tiết còn đòi hỏi chuyên gia tư vấn phải có hiểu biết sâu và kinh nghiệm về thị trường xuất khẩu cũng như hoạt động xúc tiến xuất khẩu và phát triển thị trường phù hợp cho các DNNVV.

Mục tiêu chung của Chương trình là nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DNNVV Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu này cũng là cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ, nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Mục tiêu này được thực hiện thông qua việc tăng cường năng lực cho ba lĩnh vực, cụ thể là ba mạng lưới hỗ trợ thương mại tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa; Hỗ trợ thành lập Hội đồng xuất khẩu quốc gia (XKQG); và tăng cường năng lực cho Cục XTTM, với vai trò dẫn đầu hệ thống xúc tiến thương mại quốc gia.

Chương trình tập trung hoạt động tại các khu vực Bắc, Trung và Nam. Hai đối tượng hưởng lợi chính từ Chương trình là các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu.

Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì và triển khai Chương trình sẽ cùng với các Trung tâm XTTM cam kết thực hiện bền vững Chương trình, ngoài nâng cao năng lực cho các tổ chức xúc tiến thương mại, các mạng lưới xúc tiến thương mại khu vực được thành lập, các hoạt động hỗ trợ cụ thể theo ngành hàng sẽ được Ban tư vấn và Nhóm công kỹ thuật cùng thảo luận để thực hiện nhất quán dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương.

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới