Hủy
Kinh Doanh

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: "Nợ nước ngoài chưa đáng ngại"

Thứ Ba | 28/10/2014 09:47

Theo Phó Thủ tướng, tăng nợ công chủ yếu tăng nợ trong nước, chứ nợ nước ngoài hiện nay không đáng ngại vì lãi suất thấp, chỉ có 1,2%.
 

Bên hành lang Quốc hội ngày 27-10, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh giải thích:

- Việc cân đối tài chính hiện có khó khăn, nhưng nếu nhìn vào bản chất của nó cũng không đến mức phải hoảng loạn.

Tăng nợ công chủ yếu tăng nợ trong nước, chứ nợ nướcngoàihiện nay không đáng ngại vì lãi suất thấp, chỉ có 1,2%.

Trong bối cảnhnợ công ở mức cao như hiện nay, việc xây sân bay Long Thành theo Phó thủ tướng có ảnh hưởng lớn đến nợ công?

- Đối với sân bay Long Thành, về định hướng lâu dài là cần thiết phải làm, đáp ứng nhu cầu phát triểnvì các cảng hàng không đã quá tải và cải tạo khó khăn. Đồng thời, khu vực người ta làm mà mình không làm thì không cạnh tranh được.

Vốn đầu tư cho sân bay Long Thành là rất lớn, phải tính từ nhiều bài toán, ngân sách chỉ là một phần. Tất nhiên, khi đầu tư phải tính đến an ninh nợ công như thế nào, an ninh tiền tệ quốc gia ra sao.

Cái lo hơn là nợ trong nước, chưa có giải pháp huy động dài hạn, thời gian vay bình quân chưa được 5 năm, thậm chí có những kỳ hạn vay chỉ một, hai năm, phải trả nợ nhanh lắm.

Bài toán hiện nay là cơ cấu giãn việc trả nợ, vừa không áp lực cho nền kinh tế và ngân sách.

Nhưng thưa Phó thủ tướng, tâm lý xã hội rất lo lắng khi nợ công tăng cao?

- Cái lo lắng đó là có lý. Nhưng đây là bài toán lâu dài, không phải ngay một lúc mà tính được, mà lo hơn là phải tính toán làm sao để việc đi vay về làm ăn có hiệu quả nhất.

Tỉ lệ nợ công trên GDP dù rất quan trọng nhưng chưa phải là chỉ tiêu quan trọng nhất.

Có những nước nợ công lên tới 100% nhưng vẫn an toàn, trái lại có nước nợ công chỉ 20% mà vẫn không an toàn vì không trả được nợ.

Như vậy cái quan trọng là có trả được nợ công hay không. Nếu đi vay mà làm ăn tốt thì được, còn đi vay về mà làm ăn không được gì thì rất mệt.

Hiện nay chúng ta đang phát hành thêm nguồn để đầu tư, đầu tư trái phiếu quy mô cũng khá lớn, nhưng phát hành trái phiếu lại có mâu thuẫn là sẽ tăng nợ.

Giữa bài toán tăng nợ để đầu tư và không tăng nợ không đầu tư phát triển, theo tôi, nên chọn phương án khó hơn dễ. Vấn đề là đầu tư sử dụng thế nào để trả được nợ.

Giống như gia đình xây nhà, thiếu tiền phải đi vay, rồi sau phải đi cày để trả nợ. Chúng ta đang làm theo hướng như vậy.
Áp lực nợ công, theo Phó thủ tướng sẽ tác động thế nào lên cải cách tiền lương?

- Vấn đề cải cách tiền lương không chỉ phụ thuộc vào ngân sách, bởi hiện nay kể cả dừng hết các thứ khác thì việc cải cách tiền lương vẫn chưa giải quyết cơ bản được.

Vì bộ máy cồng kềnh, số người hưởng lương từ ngân sách lớn quá. Chính vì thế phải đồng bộ, phải cơ cấu lại, hiện nay mới bắt đầu làm chưa có kết quả rõ nét được.

Thứ hai là hệ thống sự nghiệp hưởng lương rất lớn, do đó cũng phải đổi mới khối sự nghiệp này để làm sao họ tự lo được lương. Khi đó, số lượng giảm xuống thì việc cải cách tiền lương mới tốt hơn. Hiện nay đối tượng này chưa cơ cấu được một cách căn bản.

Chính phủ cho biết có thể sẽ bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn nước ngoài trong việc đầu tư vào sân bay Long Thành. Nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì sao?

- Cái đó chỉ là một trong những phương án để xem xét thôi. Nếu có nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì có khi Chính phủ không cần phải bảo lãnh nữa.

Nguồn Tuổi trẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới