Quyết toán thuế chứng khoán: Bao giờ?
Nhìn vào một số đề xuất mới của Bộ Tài chính về hướng sửa đổi các quy định liên quan đến quyết toán thuế chứng khoán, có nguy cơ khó giải tỏa được bế tắc mà NĐT cá nhân đang đối mặt trong quyết toán thuế.
Mới mà cũ
Trong khi đang đợi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 văn bản: Nghị định 83/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định 65/2013 về Luật Thuế thu nhập cá nhân; Nghị định 209/2013 về thuế giá trị gia tăng; Nghị định 218/2013 về thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn nghị định sắp ban hành trên, với mong muốn ngay sau khi Nghị định được ban hành, Thông tư hướng dẫn cũng sẽ được ban hành, để sớm đưa các biện pháp cải cách thuế vào thực tiễn.
Liên quan đến nội dung quyết toán thuế thu nhập cá nhân của NĐT tham gia đầu tư trên TTCK, mà thị trường đang quan tâm, điểm mới của dự thảo Thông tư so với quy định hiện hành tại Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, là quy định người nộp thuế được lựa chọn nộp thuế theo một trong hai cách: nộp thuế theo mức 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần và không phải quyết toán thuế, hoặc nộp thuế theo mức 20% trên thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán cả năm và quyết toán thuế vào cuối năm... Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán áp dụng nộp thuế theo thuế suất 20% vẫn phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần.
Tiếng là hướng dẫn mới, nhưng lại là cũ, bởi thực tế chấp hành nghĩa vụ thuế của NĐT cá nhân lâu nay về lý thuyết vẫn là được lựa chọn một trong hai hình thức nộp thuế, nhưng dù là chọn theo hình thức nào, NĐT đều bị khấu trừ thuế với mức 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Tuy nhiên, cách nộp thuế 20% trên thu nhập tính thuế thực tế không khả thi đối với NĐT. Nguyên nhân là do quy định thiếu cụ thể, rõ ràng về hóa đơn, chứng từ, cũng như cơ sở khả thi cho NĐT tính toán được lỗ, lãi trong quá trình đầu tư để quyết toán được thuế.
Theo ý kiến của NĐT, để hỗ trợ họ quyết toán được thuế, dự thảo Thông tư cần bổ sung chi tiết các nội dung về các loại hóa đơn, chứng từ mà NĐT cần phải thu thập trong quá trình sử dụng các hình thức giao dịch mua - bán chứng khoán.
Theo đó, cần quy định cụ thể, tương ứng với hình thức đặt lệnh mua - bán chứng khoán qua điện thoại, internet, ghi phiếu lệnh trực tiếp tại CTCK..., thì NĐT phải thu thập các loại hóa đơn, chứng từ gì, cơ sở và cách thức tính lỗ, lãi để quyết toán thuế.
Cũng cần quy định trách nhiệm của cơ quan thuế, tổ chức kinh doanh chứng khoán, cũng như các bên liên quan trong hỗ trợ NĐT tính toán lỗ, lãi, để làm cơ sở cho kê khai, quyết toán thuế. Sở dĩ cần đưa ra những quy định mang tính "cầm tay chỉ việc" như vậy, bởi việc quyết toán thuế đối với NĐT cá nhân hiện quá khó khi họ phải tự mình làm.
Giao dịch lỗ, không nên khấu trừ thuế
Liên quan đến hướng dẫn mới tại dự thảo là: cá nhân chuyển nhượng chứng khoán áp dụng nộp thuế theo thuế suất 20% vẫn phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần, có ý kiến cho rằng, nếu thực hiện theo hướng này là không công bằng, thiệt thòi cho NĐT.
Lý do là bởi, ngay sau mỗi lần bán chứng khoán, bất kể lỗ hay lãi (phần mềm giao dịch của nhiều CTCK đều có tính năng và hiển thị thông tin này), họ đều bị khấu trừ thuế. Với những giao dịch lỗ mà bị khấu trừ thuế, thì trong khi chờ đến cuối năm quyết toán thuế, NĐT đã bị tiền thuế "ăn" vào vốn đầu tư. Điều này khiến cho việc đầu tư bị lỗ càng thêm lỗ nặng, gây ức chế cho NĐT. Sẽ hợp lý và công bằng hơn nếu tạm thu thuế với những giao dịch có lãi.
Tương tự như phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp kê khai, nộp thuế qua mạng, mà cơ quan thuế đang đẩy mạnh triển khai, NĐT cá nhân cũng trông đợi cơ quan thuế làm điều tương tự với họ, để đảm bảo tính khả thi cho cơ chế quyết toán thuế.
Nếu việc quyết toán thuế không được đơn giản và điện tử hóa như xu hướng cải cách thủ tục thuế mà ngành thuế đang quyết liệt triển khai, rất có thể cơ chế quyết toán thuế chứng khoán cho NĐT cá nhân sẽ chỉ ở trên giấy.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư