Hủy
Kinh Doanh

Tăng giá điện với thép, xi măng sẽ giết nguồn thu

Thứ Năm | 25/07/2013 07:39

Lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành thép, xi măng đưa ra nhiều lý giải không đồng tình với việc tăng giá điện với 2 ngành này.
 

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Để ngành thép, xi măng phát triển ổn định và bền vững” tổ chức tại Hà Nội sáng 24/7, các doanh nghiệp (DN) cho rằng dự thảo áp giá điện riêng cho ngành thép và xi măng cao hơn ngành khác 2%-16% là bất bình đẳng giữa các DN.

Ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương, cho biết từ năm 2010 đến nay, theo giá thành sản phẩm, chi phí điện năng cho ngành thép và xi măng chiếm 11%-12% và có xu hướng giảm. Một số nhà máy thép và phần lớn các nhà máy xi măng đã đầu tư công nghệ hiện đại so với các nước Đông Nam Á. Từ năm 2015, các nhà máy xi măng sẽ tự sản xuất được 15% sản lượng điện tiêu thụ.

Tuy nhiên, phân tích nguyên nhân phải tăng giá điện, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng ngành thép và xi măng tiêu hao điện năng lớn. Việc áp giá điện riêng cho thép và xi măng là cần thiết nhằm thúc đẩy 2 ngành này đổi mới công nghệ. Mặt khác, tổng sơ đồ điện VII đến nay gần như thất bại do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không có đủ năng lực tài chính để đối ứng với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đe dọa đến an ninh năng lượng của đất nước.

Không đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho rằng có sự bất bình đẳng giữa các DN khi áp giá điện riêng cho ngành thép và xi măng. Tăng giá điện cao hơn cho 2 ngành này để thúc đẩy đổi mới công nghệ là lý do thiếu thuyết phục bởi bản thân ngành điện cũng đang tồn tại rất nhiều nhà máy có công nghệ lạc hậu.

Ông Lại Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh sản xuất thép Vinausteel (Thép Việt- Úc), thẳng thắn đặt câu hỏi: "Ngành điện nên tự thử hỏi: Để đạt mục tiêu tăng giá điện thì các ngành khác và cả nền kinh tế sẽ phải trả giá như thế nào? Nguồn thu tăng lên bao nhiêu, có tác dụng tốt với nền kinh tế hay không? Nếu ngành thép và xi măng bị suy giảm do tăng giá điện thì cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế".

Ông Trung nêu ví dụ: Hải Phòng là một trong những trung tâm sản xuất thép của cả nước nhưng hiện tại, nhiều DN trong ngành đã phải đóng cửa, kéo theo hơn 2.000 lao động không có việc làm. "Tăng thu mà giết nguồn thu thì sẽ không có gì để thu"- ông Lại Quang Trung nhận định.

Nguồn Người lao động


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới