Hủy
Kinh Doanh

Tìm đường tiến cùng vàng

Ngọc Thủy Thứ Hai | 08/11/2021 14:05

Việt Nam nằm trong 10 thị trường tiêu dùng vàng hàng đầu thế giới. Ảnh: Quý Hòa.

Các doanh nghiệp vàng bạc đá quý đứng trước cơ hội khởi sắc nhờ nhu cầu vàng tăng trở lại.
 

Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong quý III/2021, dù nhu cầu vàng (vàng trang sức, vàng miếng, xu) trên thế giới giảm và các quỹ ETF vàng bán ròng nhưng lượng vàng bán ra (27 tấn) vẫn ở mức khiêm tốn so với tổng vàng nắm giữ (3.592 tấn).

Trong khi đó, WGC cho biết, lượng vàng trang sức, vàng miếng, tiền xu vẫn tăng mua. Vàng sử dụng trong công nghệ cũng tăng 9% so với cùng kỳ và các ngân hàng trung ương đã bổ sung 69 tấn vàng vào kho dự trữ. “Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục bởi vàng được xem là vật bảo vệ của cải và là tài sản trú ẩn an toàn”, ông Andrew Naylor, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không gồm Trung Quốc) của WGC, chia sẻ.

Tại Việt Nam, tình hình cũng tương tự. Tuy tiêu thụ vàng trong quý III/2021 chỉ đạt 3 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ nhưng ông Naylor cho rằng: “Nhu cầu vàng ở Việt Nam giảm một nửa chủ yếu do giãn cách xã hội kéo dài”. Ông cho biết thêm, tuy mức tiêu thụ vàng vẫn chưa thể trở lại như trước đại dịch nhưng hiện đã tăng lên.

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Triển vọng thị trường vàng ở Việt Nam thể hiện qua con số 81% người được hỏi cho biết sẽ cân nhắc mua thêm vàng, lớn hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu (45%), theo WGC. Cũng theo khảo sát từ WGC, Việt Nam nằm trong 10 thị trường tiêu dùng vàng hàng đầu thế giới. Người dân lâu nay xem vàng là sản phẩm đầu tư hàng đầu, chiếm 68% nhà đầu tư. Trong các giai đoạn bất ổn, tâm lý nắm giữ vàng càng mạnh mẽ.

 

Giá vàng hiện giao dịch trung bình ở mức 1.790-1800 USD/ounce, giảm so với mức đỉnh từng thiết lập, song vẫn cao hơn trung bình của 3 năm, 5 năm, 10 năm. Ông Mike McGlone, chiến lược gia hàng hóa tại Bloomberg Intelligence, nhận định, suốt 20 năm qua, vàng vẫn là kim loại quý và vượt trội so với hầu hết các loại hàng hóa chính yếu khác. Vì thế, triển vọng của vàng là tăng giá lâu dài. Trong báo cáo mới đây, Jefferies Group (Mỹ) còn dự đoán, về dài hạn, giá vàng có thể leo lên mức 5.500 USD/ounce, tương đương 152 triệu đồng/lượng.

Vàng thế giới tăng cao thì vàng trong nước cũng nhảy vọt. Theo ghi nhận từ thị trường, khoảng 1 năm trở lại đây, giá vàng trong nước có một số thời điểm, như ngày 10/8, đã cao hơn 15-18% (trên 9 triệu đồng/lượng) so với thế giới.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao WGC tại Việt Nam, Singapore và Indonesia kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), lý giải là do vàng trong nước không tự sản xuất mà phải nhập khẩu nên khi về tới Việt Nam sẽ cộng thêm các chi phí như phí vận tải, bảo hiểm... Nếu mức chênh lệch giá vàng càng rộng, nghĩa là nguồn cung chế tác vàng nữ trang bị hạn chế.

Từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước hạn chế việc nhập khẩu vàng nguyên liệu trong khi nhu cầu vàng nữ trang trên dưới 20 tấn/năm. Vì thế, một phần vàng chế tác nữ trang đã phải dùng từ nguồn nhập lậu. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam khiến các đường biên giới bị kiểm soát chặt chẽ, vàng nhập lậu khó vào Việt Nam hơn, đẩy giá vàng trong nước càng chênh lệch so với thế giới.

Trong một báo cáo trước đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, với giá vàng tăng mạnh, các công ty vàng bạc đá quý như PNJ có thể tăng biên lợi nhuận gộp mảng trang sức nhờ lượng vàng tồn kho giá thấp từ trước. Dù vậy, lãnh đạo PNJ từng chia sẻ Công ty không còn đẩy mạnh kinh doanh vàng miếng mà tập trung vào vàng nữ trang.

Một số đơn vị tại TP.HCM đã hoàn trả giấy chứng nhận do không có nhu cầu sản xuất. Từ năm 2012 đến quý I/2021, đã có 75 đơn vị trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ rời cuộc chơi. Còn các ông lớn như Doji thì thâu tóm được Công ty Thế giới Kim Cương - một nhà bán lẻ lớn trên thị trường trang sức với 34 chi nhánh và trên 100 cửa hàng, trung tâm tại các tỉnh, thành lớn với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. 

 

Dù vậy, từ quý III/2021, Doji, PNJ, SJC, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý... đều ít nhiều gặp khó khăn. Phải đóng hơn 80% cửa hàng vì thực hiện giãn cách xã hội, PNJ lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn TP.HCM (năm 2009).

Sang 2 tuần đầu tháng 10, hầu hết số lượng cửa hàng bán lẻ của PNJ mới mở cửa trở lại. Lãnh đạo PNJ cho hay sẽ đẩy mạnh các chương trình quảng cáo tiếp thị cho từng nhóm khách hàng, thị trường riêng biệt, thúc đẩy kênh online để gia tăng doanh số. Công ty Chứng khoán SSI tin rằng, việc mở cửa hoạt động từ quý IV/2021 sẽ giúp lợi nhuận và doanh thu PNJ có mức giảm chậm hơn. Sang năm 2022, SSI dự đoán lợi nhuận PNJ sẽ tăng mạnh do hoạt động kinh doanh phục hồi và hưởng lợi từ việc hàng loạt đối thủ cạnh tranh phải đóng cửa.

PNJ và các công ty còn triển khai những cách thức riêng để phát triển. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ, cho biết: “Định hướng chiến lược của PNJ là chuyển đổi thành nhà bán lẻ chuyên nghiệp, không chỉ bán hàng của mình, mà còn bán thêm một số sản phẩm khác”. Còn Doji thì đẩy mạnh xuất khẩu. Giai đoạn 2016-2020, Doji xuất khẩu 53,8 tấn kim hoàn, mỹ nghệ, thu về 2,5 tỉ USD. Doji còn đầu tư vào đa lĩnh vực như bất động sản (Dojiland), tài chính ngân hàng (tái cơ cấu TPBank), đầu tư và dịch vụ nhà hàng, du lịch.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới