Hủy
Kinh Doanh

Tuần 15-21/7: Giá hàng hóa tăng 3 tuần liên tiếp

Chủ Nhật | 21/07/2013 14:49

Giá hàng hóa tiếp tục tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ năng lượng, nông sản lớn và các dấu hiệu kinh tế Mỹ phục hồi.
 

Chỉ số S&P GSCI theo dõi giá 24 hàng hóa nguyên liệu thô tăng 0,9%, chốt tuần tại 650,66 điểm.

Giá hàng hóa tuần này biến động khá mạnh phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô của Mỹ và Trung Quốc. Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội, chủ tịch Fed Ben Bernake khẳng định Fed có thể giảm kích thích kinh tế cuối năm nay. Thông tin này đã khiến giá vàng và các kim loại khác lao dốc.

Tuy nhiên giới đầu tư cũng được đón nhận các số liệu kinh tế Mỹ khả quan như số đơn xin trợ cấp thất nghiệp xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 5, sản xuất công nghiệp ở các khu vực New York, Philadelphia tăng trưởng. Điều này góp phần củng cố niềm tin kinh tế Mỹ đủ mạnh để chống đỡ bất kỳ sự giảm nới lỏng tiền tệ nào. Hãng Moody's mới nâng triển vọng tín nhiệm Mỹ từ tiêu cực lên ổn định và giữ nguyên xếp hạng Aaa.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng mới có động thái can thiệp kinh tế tăng trưởng chậm bằng cách thả nổi lãi suất cho vay. Điều này hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc.

Dầu thô

Giá dầu thô đang ở mức cao nhất 16 tháng do nhu cầu tiêu thụ đỉnh điểm của mùa hè. Chốt tuần, giá dầu thô WTI giao tháng 8 tăng 1,9% lên 108,05 USD/thùng, tuy nhiên, giá dầu Brent giảm nhẹ 0,6% xuống còn 108,07 USD/thùng. 2 loại dầu giá gần sát nhau, thậm chí phiên cuối tuần có lúc ghi nhận giá dầu WTI vượt dầu Brent lần đầu tiên trong 3 năm.

Giá dầu thô Mỹ WTI tăng 4 tuần liên tiếp do lượng dự trữ nước này liên tục giảm. Nguồn cung dầu thô Mỹ giảm 27,1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 3 tuần kết thúc ngày 12/7, giảm mạnh nhất kể từ 1982. Các nhà máy lọc dầu tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu nhiên liệu cao của người dân.

Giá dầu thô Mỹ lần đầu tiên vượt dầu Brent, loại dầu tiêu chuẩn của châu Âu là do hệ thống phân phối loại dầu Mỹ đã được hoàn thiện rộng khắp, dễ dàng vận chuyển sử dụng. Trước kia, việc phân phối dầu WTI chủ yếu phụ thuộc vào cảng Cushing, Oklahoma, Mỹ.
Vàng

Giá vàng tiếp tục phục hồi trong tuần này nhờ kỳ vọng duy trì kích thích kinh tế Mỹ và dấu hiệu can thiệp hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc, Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex tăng 1,3% so với tuần trước, chốt tuần tại 1.292 USD/oz.

Tuy nhiên, các quỹ phòng hộ vẫn liên tục bán tháo vàng. Quỹ tín thác SPDR Gold Trust tuần này bán 6,6 tấn vàng, nâng lượng bán ra từ đầu năm đến nay lên hơn 418 tấn, gấp hơn 4 lần tổng lượng mua vào năm ngoái. Thị trường đang chứng kiến xu hướng nhà đầu tư tháo chạy khỏi vàng và đổ xô vào các ETF chứng khoán trong lúc chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục.
Kim loại

Giá đồng tuần này giảm nhẹ 0,2%, giá giao sau 3 tháng trên sàn LME chốt tuần tại 6.934,5 USD/tấn.

Giá đồng giảm do lo ngại nguồn cung dồi dào dẫn tới dư thừa kỷ lục. Hãng BHP Billiton thông báo sản lượng đồng tăng tới 28% lên 1,1 triệu tấn trong năm tài chính 2013. BHP Billiton nắm giữ mỏ đồng lớn nhất thế giới, mỏ Escondida tại Chile.

Giá không giảm sâu nhờ những thông tin kinh tế khả quan tại Mỹ và Trung Quốc hỗ trợ triển vọng tiêu thụ đồng. Trước đó, giá đồng đã giảm tới 14% từ đầu năm do lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm.

Ngũ cốc, hạt có dầu

Tuần này giá ngũ cốc, hạt có dầu điều chỉnh giảm sau khi tăng mạnh tuần trước. Trên sàn Chicago, giá ngô giao tháng 12 giảm 1,6% so với tuần trước xuống còn 5,0075 USD/giạ, giá lúa mỳ giao tháng 9 giảm 2,4% chốt tuần tại 6,645 USD/giạ. Riêng gia đậu tương giao tháng 11 tăng 1,3% lên 12,74 USD/giạ.

Giá nông sản giảm chủ yếu do lo ngại nguồn cung dồi dào sau thu hoạch của các khu vực sản xuất chính. Dự kiến sản lượng nông sản tại Mỹ, Nga, Ấn Độ vụ mùa năm nay đều cao kỷ lục.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới