Hủy
Kinh Doanh

Vì sao giá đường Việt Nam cao nhất thế giới?

Thứ Tư | 16/07/2014 11:33

“Giá đường Việt Nam cao nhất thế giới (không tính Trung Quốc)”. Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối Nguyễn Trọng Thừa.
 

Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Trọng Thừa đã phát biểu như vậy trong Hội thảo nông nghiệp quốc tế với chủ đề “Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía để nâng cao thu nhập cho người nông dân” do tập đoàn Thành Thành Công tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 14/7/2014.

Vì sao như vậy?

Ai cũng biết, giá bán đến tay người tiêu dùng của bất cứ một mặt hàng nào cũng là tổng hợp của giá thành; chi phí vận chuyển; lãi của nhà sản xuất và lãi của các loại đại lý… Trong giá thành, thì yếu tố quan trọng nhất là giá nguyên liệu đầu vào.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc, năng suất mía của ta hiện nay vẫn chỉ đạt 62 tấn/ha, trong khi năng suất mía của thế giới đã ở mức 120 tấn/ha. Năng suất thấp nhưng chữ đường trong cây mía của ta lại kém, năng suất đường của ta là 5,4 tấn/ha trong khi của Thái Lan là trên 8 tấn/ha.

Năng suất mía, chữ đường thấp trong khi chi phí sản xuất lại cao. Chi phí phân bón cho 1 ha mía ở ta là 15 triệu đồng trong khi ở Thái Lan chỉ 10 triệu. Các chi phí khác như thuê đất, vận chuyển, lãi vay ngân hàng… cũng đều cao. Chính đó là những nguyên nhân đẩy giá nguyên liệu đầu vào của các nhà máy đường lên cao.

Từ đó xuất hiện nghịch cảnh: Nếu nhà máy không mua nguyên liệu với giá để nông dân có lãi (dù là rất ít) thì người trồng sẽ chặt phá ruộng mía để trồng cây khác. Nhà máy sẽ chết. Còn ngược lại thì giá thành mỗi kg đường đã cao hơn cả mỗi kg đường nhập bán lẻ trên thị trường.

Kết quả giá đường cao nhưng lợi nhuận thu về lại rất thấp. Lượng đường tồn ngày càng chồng chất, kèm theo là lãi ngân hàng cũng chồng chất theo. Bao nhiêu năm nay rồi, bài toán lẩn quẩn này vẫn chưa có lời giải.

Nói bài toán này chưa có lời giải, thực ra là chưa đúng lắm. Bởi lời giải thì các chuyên gia, các nhà quản lý đã đưa ra từ lâu.

Nói như GS Võ Tòng Xuân là phải hạ giá thành sản xuất; giảm chi phí; tăng năng suất. Đó là con đường duy nhất để ngành mía đường của ta có thể cạnh tranh được ngay trên sân nhà với đường nhập và đường lậu.

Muốn hội nhập ngày càng sâu với thế giới thì việc thay đổi cách sản xuất là việc làm cấp bách nhất. Ngành mía đường cũng không ngoại lệ. Nhưng vấn đề là ai giải? Kể cả sau cuộc hội thảo có cái tên rất kêu này, ai sẽ là người sẽ tiếp thu những kiến nghị, những đề xuất rất hữu ích của những người dự họp để biến chúng thành hiện thực?

Trong khi không ít nhà máy đường vẫn chưa rũ bỏ được cách nhìn cũ là chỉ chăm chăm đến lợi ích của mình, bất chấp lợi ích của người trồng mía - người quyết định sự sống chết của nhà máy. Mỗi lần thấy nông dân chặt bỏ mía, người “giật mình” đầu tiên lẽ ra phải là các nhà máy. Và ngay sau đó họ phải tự nhìn lại mình.

Nhưng cả chục năm nay, việc nông dân phá mía hầu như vẫn chẳng khiến họ bận tâm. Mấy năm trước, đã có người khởi xướng việc thành lập hiệp hội những người trồng mía, với mục đích giúp những nông dân có điều kiện tăng năng suất mía và tăng chữ đường trong mía. Bảo vệ nông dân trước việc bị ép giá, bị gây khó khăn trong mỗi vụ thu hoạch mía…

Đó là một sáng kiến rất hay. Nhưng đến nay, theo chúng tôi được biết, thì việc vẫn chưa thành.

Việc giá đường cao nhất thế giới đã dẫn đến một bi kịch: Nếu “bế quan tỏa cảng” để bảo vệ túi tiền của các ông chủ nhà máy đường, thì người tiêu dùng trong nước thiệt hại rất lớn.

Còn ngược lại, hoặc buông lỏng quản lý để đường lậu nhập tràn lan, thì hàng loạt nhà máy đường trong nước sẽ trở thành đống sắt vụn. Mà nhà máy là tiền chứ không phải đá cuội.

Nguồn Nông nghiệp Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới