Hủy
Tài Chính

Chứng khoán Việt có đang rẻ?

Kim Anh Thứ Sáu | 20/03/2020 11:00

Ảnh: Information-age

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm rất mạnh trong thời gian qua, vùng này đã rẻ hay chưa?
 

Những tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều diễn biến tiêu cực. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 03/2020 đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 156 điểm, tương đương hơn 17,7%. 

Theo báo cáo mới được công bố của Công ty chứng khoán Vietinbank (HoSE: CTS) có 3 yếu tố quan trọng có thể thay đổi cục diện của thị trường chứng khoán.

 

Thứ nhất, đó là đại dịch COVID-19. Theo đánh giá của CTS, thị trường đạt đáy khi thời tiết nóng và ẩm đặc trưng của mùa hè - thời điểm cuối tháng 4/2020 hoặc tháng 5/2020  và cũng là thời điểm đỉnh dịch. Và thị trường sẽ trở nên tích cực hơn khi có dấu hiệu dịch bệnh kiểm soát, xuất hiện nước được WHO xóa khỏi vùng nhiễm.

Đối với yếu tố đầu tiên này, CTS cho biết ngành tài chính chịu tác động mạnh hơn từ COVID-19 so với dịch SARS do chuỗi sản xuất kinh doanh thiệt hại rộng và nặng hơn dịch SARS. Cổ phiếu ngành phòng thủ liên quan tới tiện ích công cộng: Điện, Nước, Sách giáo khoa,.. ngành tiêu dùng thiết yếu được lựa chọn.

Yếu tố thứ hai đang ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường chứng khoán là cú sốc giảm giá dầu.  

CTS dự báo giá dầu sẽ đi ngang chạm đáy vào khoảng tháng 6/2020 và giá dầu có thể phục hồi về ngưỡng 45 USD/thùng – ngưỡng hòa vốn và đi ngang tại đó trong một thời gian khá dài tiếp theo

Dự trên những bài học được rút ra từ đợt giảm mạnh của giá dầu vào năm 2016. CTS đánh giá ngành tài chính, công nghệ, sản xuất công nghiệp, nguyên vật liệu chịu ảnh hưởng giảm nhưng phục hồi mạnh hơn khi thị trường dầu thoát đáy.  CTS đưa ra khuyến nghị tích cực với cổ phiếu ngành tài chính, công nghệ khi mức phục hồi cao hơn nhiều so với mức sụt giảm.

Bên cạnh đó, Công ty chứng khoán này cũng khuyến nghị tích cực với cổ phiếu nhiệt điện khí khi hưởng lợi khi giá khí đầu vào sụt giảm trong khi đầu ra không giảm nhiều. Đồng thời, đưa ra quan điểm tích cực với cổ phiếu tiêu dùng cơ bản trong bối cảnh dịch bệnh và chu kỳ hàng hóa giá giảm.

Yếu tố thứ ba đang tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ giao dịch của khối ngoại.

Không chỉ riêng thị trường Việt Nam, rất nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực cũng chứng kiến sự rút dòng của nhà đầu tư nước ngoài. Tâm lý lo sợ dịch bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu dẫn đến hành động bán cổ phiếu.

Theo quan điểm của CTS, nhìn nhận một cách khách quan, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại không thực sự quá rẻ. Chỉ số P/B hiện tại là 1,9, cao nhất Đông Nam Á, chỉ thấp hơn thị trường Ấn Độ và Mỹ. Chỉ số P/E là 12,5, mặc dù thuộc nhóm thấp nhất nhưng điều đáng chú ý là thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn thuộc nhóm cận biên (frontier).

 

CTS cho rằng dòng vốn ngoại sẽ khó trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới do chỉ số định giá không quá rẻ đi kèm với triển vọng kinh tế kém khả quan.

“Cổ phiếu ngành công nghệ là điểm đến ưa thích của nhà đầu tư ngoại vượt ngoài chuỗi bán ròng”, CTS nhận định.

Ngoài ra, về hành động bán ròng của khối ngoại, CTS cho rằng đây là do những lo ngại về suy thoái kinh tế. Chỉ số S&P 500 VIX đạt mức 79,83 cao nhất kể từ khi 1990 cho đến nay. Cuộc khủng hoảng kinh tế vào tháng 10/2008 thì VIX đạt mức khoảng 60. Nhà đầu tư sẽ xu hướng rút ở thị trường cổ phiếu (rủi ro hơn) chuyển sang thị trường trái phiếu (an toàn hơn).

Theo đánh giá của CTS, trong giai đoạn ngắn hạn thị trường cổ phiếu sẽ diễn biến mạnh, khó dự báo vì vậy ưu tiên cho nhà đầu tư cơ bản là lựa chọn đầu tư thận trọng. Đảm bảo tiêu chí cổ phiếu giá sẵn sàng cầm dài hạn: cổ tức/thị giá cao hơn lãi suất ngân hàng và kinh doanh ở các ngành lĩnh vực ít chịu tác động của chu kỳ kinh tế.

* Có thể bạn quan tâm 

► Nhiều cổ phiếu đứt đoạn tăng trần

Nguồn Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietinbank (CTS)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới