Hủy
Tài Chính

Cổ phiếu phân bón hưởng lợi

Vũ Hoài Thứ Ba | 15/03/2022 07:00

10/10 cổ phiếu ngành phân bón đều ghi nhận đà tăng hơn 30% về thị giá chỉ trong 1 tháng, gấp hơn 5 lần lãi suất tiết kiệm 1 năm.
 

Thời gian gần đây, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có nhiều dấu hiệu lắng xuống. Giá dầu Brent tiếp tục đà tăng mạnh với mức tăng 30% kể từ đầu năm và lần đầu tiên vượt mốc 100 USD/thùng kể từ tháng 9/2014 sau khi Nga quyết định tấn công Ukraine. Giữa lúc thị trường dầu thô toàn cầu đang thắt chặt nguồn cung do việc cắt giảm các khoản đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn trong suốt nhiều năm trong khi nhu cầu đang phục hồi sau đại dịch, thì động thái mới nhất của Nga càng làm trầm trọng hơn mối lo ngại này.

 

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, giá dầu neo ở mức cao cùng với động thái cấm xuất khẩu amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Mặc dù chỉ chiếm 16,5% thị phần xuất khẩu phân đạm toàn cầu, nhưng Nga sản xuất amoni nitrat, thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón và chiếm gần 66% nguồn cung toàn cầu. Bên cạnh đó, Nga còn dẫn đầu thế giới về xuất khẩu phân NPK.

Do đó, VNDirect cho rằng các nhà sản xuất phân đạm tại Việt Nam như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau có thể được hưởng lợi từ việc giá phân bón duy trì ở mức cao trong thời gian tới cũng như nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Trên thực tế, hồi tháng 11/2021, giá phân bón cây trồng đã tăng vọt do sự thiếu hụt năng lượng ở châu Âu khiến khí đốt tự nhiên, nguyên liệu chính cho hầu hết phân bón nitơ, trở nên đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, Trung Quốc và Nga đang hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.

 

Hưởng lợi từ giá cả hàng hóa, cụ thể là giá phân bón tăng cao, các cổ phiếu trong ngành này đã liên tục dậy sóng ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo số liệu thống kê của NCĐT đối với 10 doanh nghiệp phân bón được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam (HOSE, HNX), tất cả các cổ phiếu nằm trong phạm vi thống kê này đều ghi nhận mức tăng giá trên 30% chỉ trong 1 tháng qua. Trong đó, cổ phiếu PMB của Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc, DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, PSW của Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ là 3 cổ phiếu có đà tăng mạnh nhất trong 1 tháng qua, đạt mức tăng trên 50%. 

Tiếp sau đó là cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) và LAS của Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao với mức tăng hơn 40% về thị giá. Phần còn lại ghi nhận mức tăng trên 30%. Đà tăng này đặt trong bối cảnh thị trường gần như đi ngang khi nỗi lo lạm phát, bất ổn chính trị cùng định giá cổ phiếu khiến thị trường bớt phần sôi động so với trước. Nhìn lại lịch sử giao dịch, có thể thấy nhiều cổ phiếu trong ngành phân bón cũng ghi nhận mức tăng vượt trội trong năm 2021. Tiêu biểu như DPM, DCM, LAS hay BFC đều ghi nhận mức tăng trên 100% trong năm 2021. 

Cuộc chiến Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Nga đang làm dấy lên mối quan ngại về rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi Nga và Ukraine là 2 quốc gia xuất khẩu lớn các sản phẩm kim loại, phân bón, nông sản, dầu và khí đốt. Tâm lý quan ngại này đã đẩy giá các hàng hóa nói trên, vốn đang neo ở vùng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng trong suốt 2 năm đại dịch, một lần nữa quay trở lại vùng đỉnh. Hoạt động “đầu cơ theo giá hàng hóa” đã đưa giá cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tăng nhanh và mạnh. Trái với diễn biến giá cổ phiếu, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) không cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể tăng nhanh theo diễn biến giá hàng hóa.

Ở góc nhìn cá nhân, ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho hay, trong thời gian vừa qua, mặc dù kinh tế Việt Nam gặp khó khăn rất lớn từ những yếu tố bên ngoài nhưng Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã duy trì nền kinh tế Việt Nam và môi trường vĩ mô khá ổn định. Ông Tuấn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tiếp tục giữ quan điểm điều hành như hiện nay. Đối với các nhà đầu tư, ông Tuấn đã chia sẻ 2 góc nhìn trong ngắn hạn và dài hạn. 

 

Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư có thể giải ngân vào một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu như ngành sắt thép và ngành phân bón. “Đối với với nhà đầu tư dài hạn, mặc dù các yếu tố khó khăn xảy ra nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng phục hồi và tăng trưởng trong năm 2022. Do đó, nhà đầu tư có thể tập trung vào các doanh nghiệp có sự phục hồi mạnh mẽ về lợi nhuận sau dịch bệnh COVID-19”, ông Tuấn nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới