Hủy
Tài Chính

Cuộc đua chứng khoán nội - ngoại

Viết Nguyên Thứ Tư | 12/12/2018 06:30

Các công ty chứng khoán ngoại, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ, liệu có thể vẽ lại bức tranh ngành chứng khoán?
 

Khủng hoảng thanh khoản trên thị trường chứng khoán Trung Quốc

"Vận xui" của chứng khoán Việt Nam


Đang có cuộc chạy đua bứt phá của các công ty chứng khoán ngoại. Điều này liệu có làm thay đổi bức tranh ngành chứng khoán?

Chứng khoán ngoại tăng tốc

Một năm trở lại đây, các công ty chứng khoán có vốn nước ngoài liên tục tăng tốc và bứt phá, đặc biệt trong cuộc đua về vốn. Đơn cử, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) dẫn đầu về tốc độ tăng vốn, từ 700 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng năm 2017 và tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 4.300 tỉ đồng vào giữa đầu năm nay. Với quy mô này, MASVN hiện chỉ đứng sau SSI về vốn điều lệ. 

Một loạt công ty chứng khoán ngoại khác cũng đang tăng vốn. KIS Việt Nam (KIS) đã tăng vốn điều lệ lên gần 1.900 tỉ đồng, trong khi Maybank Kim Eng tăng lên 1.056 tỉ đồng. Riêng KB Việt Nam và Yuanta Việt Nam đã được chấp thuận phương án tăng vốn, lần lượt 1.680 tỉ đồng và 1.000 tỉ đồng. Shinhan Việt Nam cũng đã tăng vốn lên 812 tỉ đồng.

Cuoc dua chung khoan noi - ngoai
 


Các đợt tăng vốn tuy chưa thể tạo ra đột biến về con số kinh doanh nhưng đã giúp một số công ty ngoại đủ điều kiện tham gia vào các mảng mới. Hiện trong số 12 thành viên tham gia trên thị trường chứng khoán phái sinh, có sự hiện diện của MASVN và KIS. Lợi thế vốn cũng giúp MASVN gia tăng sức mạnh hoạt động. Tính đến cuối tháng 6.2018, MASVN đã dành tới 1.835 tỉ đồng cho vay giao dịch chứng khoán ký quỹ, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ. 

Với những thay đổi ngoạn mục, trong quý II/2018, lần đầu tiên MASVN nằm trong top 10 công ty dẫn đầu về thị phần môi giới trên sàn TP.HCM. Dù sang quý III, MASVN rời khỏi danh sách nhưng vẫn là đối thủ phải dè chừng. Theo báo cáo tài chính quý III/2018, doanh thu MASVN đã tăng 126% và lãi sau thuế tăng gấp đôi so với cùng kỳ. 

MASVN bứt phá nhờ sự hậu thuẫn của tập đoàn mẹ Mirae Asset (Hàn Quốc). Tập đoàn này đang hiện diện ở nhiều thị trường như Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Colombia, Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Mỹ, Việt Nam, quản lý hơn 100 tỉ USD tài sản trên toàn cầu. 

Yuanta Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ Tập đoàn Yuanta. Đây là một trong những tập đoàn tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm hàng đầu xứ Đài, với tổng tài sản hơn 100 tỉ USD. Yuanta còn mở rộng hoạt động ra khắp 9 quốc gia châu Á. Trong đó, Yuanta đã dẫn đầu ở thị trường Thái Lan, Hàn Quốc. Đối với thị trường Việt Nam, như tiết lộ của ông Lê Minh Tâm, CEO Yuanta Việt Nam, “định hướng của Công ty là gia nhập vào nhóm công ty môi giới chứng khoán có quy mô vốn điều lệ lớn nhất. Yuanta Việt Nam cũng xác định sẽ bước chân sâu hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Cuoc dua chung khoan noi - ngoai
 

Chứng khoán nội giữ ngôi

Cho đến hiện tại, top 10 công ty dẫn đầu thị phần môi giới đều là những công ty nội địa. Đặc biệt, các công ty lớn như SSI, HSC, VCSC, VNDirect, FPTS, BVSC… liên tục giữ ngôi đầu bảng. Đây cũng là các công ty cho vay đầu tư chứng khoán nhiều nhất. Nhưng trong cuộc đua tăng tốc, các công ty chứng khoán ngoại, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ về vốn, công nghệ, dịch vụ, khách hàng..., liệu có thể qua mặt và vẽ lại bức tranh ngành chứng khoán hay không?

Câu trả lời là có thể nhưng sẽ khó khăn. Bởi theo một lãnh đạo doanh nghiệp, lợi thế dẫn đầu là lợi thế rất đặc biệt, không dễ gì cho các tên tuổi phía sau vượt qua. Trong khi đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân thuộc SSI, trong một thị trường còn nhiều dư địa phát triển, với quy mô giao dịch còn nhỏ (200-250 triệu USD/ngày) so với khu vực và thế giới, “chứng khoán Việt Nam thu hút nhiều sự quan tâm đầu tư của các tổ chức ngoại là tất yếu”. Nhưng ông Linh cho biết, SSI không lo ngại cạnh tranh, bởi cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng tính đa dạng, giúp các công ty  có thêm động lực đổi mới, mở rộng thị trường và phát triển.

Cuoc dua chung khoan noi - ngoai
 


Chiến lược trung và dài hạn của SSI là sẽ vẫn theo đuổi mục tiêu giữ vững vị thế dẫn đầu ngành chứng khoán Việt  Nam và nỗ lực vươn ra quốc tế trong những năm tới. Để làm được điều này, theo báo cáo thường niên, SSI sẽ đổi mới vận hành, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ mới, đầu tư vào chất lượng nhân sự, tạo môi trường làm việc hấp dẫn, kiểm soát chi phí và rủi ro... Còn HSC thì đẩy mạnh hoạt động ngân hàng đầu tư (IB). Theo ông Johan Nyvene, CEO của HSC, “cách thức này giúp HSC vẫn đạt được mục tiêu kinh doanh mà không cần quá đẩy mạnh vào dịch vụ tài chính”. Ở VNDirect, đầu tư công nghệ là hướng đi tạo sự khác biệt. VNDirect đã đầu tư công nghệ như một công ty fintech, nhưng xác định con người vẫn là nòng cốt. Về phần FPTS cũng coi công nghệ và nhân lực là yếu tố ưu tiên đầu tư. 

Có thể thấy, các công ty chứng khoán nội địa lớn vẫn nỗ lực đổi mới để theo kịp xu hướng. Nhưng nhiều công ty chứng khoán nội khác lâu nay hoạt động mờ nhạt sẽ thêm phần chật vật, gian nan trước làn sóng tiến công của các công ty chứng khoán có vốn ngoại 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới