Hủy
Đi cùng F0

Công dụng và hạn chế của những chỉ số tài chính

Ngọc Tâm Thứ Sáu | 24/02/2023 11:35

Hình ảnh minh họa: Freepik.

Có nhiều loại chỉ số được sử dụng để làm cơ sở đánh giá tình trạng tài chính của một doanh nghiệp, mỗi loại chỉ số phản ánh một mặt nào đó.
 

Phân tích chỉ số tài chính là kỹ thuật phân tích đơn giản và dễ sử dụng. Thông qua các chỉ số này, nhà quản trị sẽ ra các giải pháp để cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ngân hàng thì có cơ sở đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp vay vốn. Nhà đầu tư cũng có sự phân tích, đánh giá trước khi ra quyết định đầu tư đối với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, các chỉ số tài chính cũng có những hạn chế mà người sử dụng cần phải hiểu rõ để có những nhận xét chính xác về thực trạng tài chính của doanh nghiệp, dưới đây là những hạn chế cơ bản của chỉ số tài chính. 

Khác nhau trong phương pháp kế toán

Các phương pháp kế toán khác nhau trong việc xác định giá vốn hàng xuất kho, phương pháp khấu hao,.. có thể đưa tới sự khác biệt giữa các chỉ số. Do vậy, khi so sánh chỉ số của các doanh nghiệp, cần phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp này sử dụng phương pháp kế toán giống nhau. 

Hình ảnh minh họa: Investopedia/PV
Hình ảnh minh họa: Investopedia/PV

Ảnh hưởng của lạm phát

Lạm phát làm cho giá trị sổ sách của tài sản và nguồn tài trợ khác biệt với giá trị thực của chúng. Mặc khác, lạm phát cũng tác động tới chi phí khấu hao, giá vốn hàng bán và lợi nhuận. Do đó, người sử dụng cần phải cẩn trọng khi so sánh chỉ số của doanh nghiệp ở các thời kỳ khác nhau. 

Nghệ thuật "trang trí" 

Các doanh nghiệp có thể dùng ‘nghệ thuật trang trí’ để làm đẹp các số liệu trong báo cáo tài chính. Chẳng hạn, vào trước ngày khóa sổ kế toán, doanh nghiệp thu xếp trả bớt các khoản nợ, điều này sẽ giúp họ cải thiện đáng kể các chỉ số: Khả năng thanh toán hiện hành, khả năng thanh toán nhanh, vòng quay tổng tài sản, ROI, ROA, ROE,…

Tính thời vụ 

Tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ cũng ảnh hưởng tới độ lớn của các chỉ số. Ở các doanh nghiệp hoạt động có tính thời vụ, hàng tồn kho và tổng tài sản có sự chênh lệch rất lớn giữa các thời điểm của trước, trong và sau thời vụ sản xuất. Do vậy, số vòng quay hàng tồn kho, vòng quay tổng tài sản sẽ rất cao nếu thời điểm lập bảng cân đối kế toán rơi vào trước vụ sản xuất. Để khắc phục hạn chế này, người ta hay sử dụng số bình quân của hàng tồn kho và tổng tài sản. Tuy vậy, phương pháp xác định số bình quân bằng cách cộng số liệu đầu kỳ với cuối kỳ rồi chia 2 mà vẫn thường được sử dụng, cũng chưa thực sự chính xác vì một năm có tới 365 ngày. 

Hình ảnh minh họa: Investopedia/PV
Hình ảnh minh họa: Investopedia/PV

Khó đánh giá tốt - xấu

Rất khó để đánh giá một chỉ số là tốt hay xấu. Chẳng hạn, một chỉ số thanh toán hiện hành cao được cho là tốt trên phương diện khả năng thanh toán. Tuy nhiên, để có tỉ lệ thanh toán cao, công ty phải có vốn lưu động ròng cao, tức là sử dụng nhiều nguồn vốn dài hạn, điều này làm tăng chi phí sử dụng vốn, bởi lẽ nguồn vốn dài hạn có chi phí cao hơn nguồn vốn ngắn hạn. 

Để đánh giá một chỉ số của doanh nghiệp là cao hay thấp, người ta thường so sánh với chỉ số trung bình của ngành. Tuy nhiên, với một công ty hoạt động kinh doanh ở nhiều ngành khác nhau (đa ngành) thì sẽ rất khó xác định chỉ số trung bình ngành nào sẽ được sử dụng để làm cơ sở so sánh. Thông thường là dựa trên sự đóng góp doanh thu của từng ngành để phân loại doanh nghiệp. 

Có nhiều loại chỉ số được sử dụng để làm cơ sở đánh giá tình trạng tài chính của một doanh nghiệp, mỗi loại chỉ số phản ánh một mặt nào đó. Tuy vậy, sẽ rất khó để kết luận tình trạng tài chính chung là tốt hay xấu khi có một số loại chỉ số được đánh giá tốt trong khi các chỉ số còn lại được đánh giá xấu. 

Có thể bạn quan tâm 

Tác động của thuế thu nhập cá nhân đến chính sách cổ tức

Nguồn Theo Tài chính doanh nghiệp (HUB)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới