Hủy
Tài Chính

Định giá thị trường có thật sự rẻ?

Nhật Lệ Thứ Sáu | 03/06/2022 19:00

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Với mức định giá P/E hiện tại, giới phân tích cho rằng định giá của thị trường đang ở vùng hấp dẫn, nhưng liệu có thật hấp dẫn?
 

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.292,68 điểm, giảm 5,42% so với tháng 4, tương ứng giảm 13,72% so với cuối năm 2021. VN-Index duy trì đà giảm trong tháng 5 do tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường. Sau đợt bán tháo hồi đầu tháng 4, thị trường phải đối mặt với tâm lý tiêu cực lan rộng trong tháng 5. 

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, đà bán tháo của thị trường đến từ một số nguyên nhân chính như FED thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn để kiểm soát lạm phát; lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do lạm phát cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và thắt chặt các điều kiện trên thị trường tài chính toàn cầu và diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán toàn cầu.

 

VNDirect cũng đánh giá định giá thị trường hấp dẫn so với mức lịch sử và các nhóm ngành trong khu vực. Tại thời điểm ngày 23/5/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 13,1 lần, chiết khấu 24,6% so với mức đỉnh từ đầu năm và chiết khấu 21,1% so với  P/E trung bình 5 năm. 

VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE tăng trưởng 23% so với cùng kỳ trong năm 2022, kéo theo mức P/E dự phóng cho năm 2022 là 11,9, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình 5 năm gần đây là 16,5 lần. “Chúng tôi cho rằng mức định giá thị trường là rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, những người tìm kiếm các doanh nghiệp được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao”, VNDirect nhận định. 

Tuy nhiên, cũng liên quan đến phần định giá của thị trường chứng khoán, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán SSI đã có chia sẻ về góc nhìn khác đối với khái niệm “đắt và rẻ” trong định giá thị trường. 

Cụ thể, theo ông Hưng chỉ số P/E là chỉ số mà nhiều nhà đầu tư sử dụng, tuy nhiên không nên nhìn một cách đơn thuần mà cần có cái nhìn sâu hơn 1 chút. Ví dụ nếu mọi thứ không thay đổi thì đúng là mức định giá P/E 12 của thị trường là rẻ. Bởi nếu E giữ nguyên, chỉ có P giảm, thì đương nhiên P/E sẽ giảm. 

ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán SSI. Ảnh: PV
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán SSI. Ảnh: PV

Tuy nhiên, ông Hưng chỉ ra rằng nếu triển vọng kinh tế thế giới đang theo một xu hướng khá xấu, tình hình sắp tới nếu xấu đi, lạm phát tăng cao, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm thì phần E nó có thể giảm. Sau này có thể chúng ta mới nhận ra rằng khi đấy P/E không phải là 12, con số mà chúng ta đánh giá là rẻ, mà nó có thể là 14 - 15 nếu mẫu số E giảm đi. 

Như vậy, để đánh giá được thị trường đắt hay rẻ, không thể chỉ dựa vào một yếu tố định giá P/E. Nhà đầu tư cần có góc nhìn bao quát hơn về triển vọng của nền kinh tế cả Việt Nam và thế giới, cùng với đó là triển vọng của các doanh nghiệp. 

Theo chia sẻ của ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), “Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải thận trọng hơn, sẽ phải chọn lọc hơn trong hoạt động đầu tư, nhưng môi trường vĩ mô của Việt Nam trong năm nay vẫn sẽ tươi sáng và ổn định". 

Có thể bạn quan tâm 

Thị trường đang 'ngập ngừng' trước mốc 1.300, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ cơ hội


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới