Hủy
Tài Chính

Giải cứu trái phiếu

Minh Đức Thứ Hai | 17/10/2022 14:00

Trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24% và đến năm 2021 lên tới 56%. Ảnh: Quý Hòa.

Khả năng dòng vốn được khơi thông trong ngắn hạn không nhiều do thời gian qua, khối ngân hàng đã dành quá nhiều vốn cho bất động sản.
 

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24% và đến năm 2021 lên tới 56%. Tốc độ tăng trưởng này cho thấy nhu cầu huy động thông qua trái phiếu doanh nghiệp là rất cao. Tuy nhiên, thị trường này vừa qua xảy ra một số hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật. Từ kỳ vọng thay thế dần vai trò của hệ thống ngân hàng trong cung cấp vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, trái phiếu doanh nghiệp lại trở thành “tội đồ” gây nhiều thiệt hại và khiến nhà đầu tư mất niềm tin.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có báo cáo đánh giá rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng, gây nhiều hệ lụy với phát triển bền vững thị trường vốn, xã hội, gây mất niềm tin của người dân, nhà đầu tư.

Vì vậy, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ra đời nhằm siết chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bảo vệ nhà đầu tư, cũng như hướng tới việc đa dạng hóa các chủ thể tham gia trên thị trường trái phiếu, ưu tiên những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, định chế tài chính trung gian...

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại nghị định này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản khó có thể tiếp tục phát hành trái phiếu trong bối cảnh doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực đều đang “đói vốn” để phục vụ cho mục tiêu phục hồi tăng trưởng. Thậm chí, nếu có đợt điều chỉnh room cuối năm thì mức tăng trưởng tín dụng 14% năm nay cũng không đủ để đáp ứng hết nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Nghị định 65 quản lý "rất chặt chẽ đầu ra" có thể làm sụt giảm quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó huy động vốn trên thị trường trái phiếu do thiếu người mua. Điều này có thể làm giảm vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà lẽ ra phải trở thành một kênh dẫn vốn xã hội hóa quan trọng, bổ sung một phần vốn đầu tư trung, dài hạn cho doanh nghiệp để chia sẻ với kênh tín dụng.

 

Thực tế, theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III/2022 đạt 60.635 tỉ đồng, giảm 50,5% so với quý trước và giảm 70,9% so với cùng kỳ. Trong quý này, tổng giá trị trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản là 4.300 tỉ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có một doanh nghiệp phát hành trong tháng 7 là Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (210 tỉ đồng); trong tháng 8, chỉ có 2 đợt phát hành từ Fuji Nutri Food (1.000 tỉ đồng) và Đầu Tư và Kinh Doanh Nhà Khang Điền (800 tỉ đồng).

Thị trường trái phiếu được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng trong vài quý tới, gây khó khăn cho doanh nghiệp gọi vốn. Chỉ tính riêng ngành bất động sản đã chiếm 59% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, áp lực đáo hạn tính riêng trong năm nay đạt 35.560 tỉ đồng và sẽ tăng mạnh lên mức 61.370 tỉ đồng vào năm 2023. Dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn. Việc đáp ứng nghĩa vụ nợ sắp tới sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang, làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, khẳng định, Nghị định 65 không áp đặt thêm các điều kiện mới với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chỉ tăng cường những điều kiện về công bố thông tin, giúp mọi việc được minh bạch hơn. “Một số doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể coi trái phiếu riêng lẻ là kênh huy động vốn duy nhất. Những lúc như thế này, doanh nghiệp sẽ phải tính toán các kênh huy động hiệu quả khác”, ông Dương khuyến nghị.

Hiện nay, thị trường vốn đang có các dòng vốn khác nhau, bao gồm: ngân sách vốn nhà nước, nguồn vốn nước ngoài; huy động từ thị trường vốn; vốn tự có; nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh và vốn từ đối tác. Trong đó, thị trường chứng khoán vừa qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với 3 triệu nhà đầu tư cho năm 2020-2021, 3 sàn chứng khoán HOSE, UPCoM, HNX có lúc vượt con số 360 tỉ USD.

Trong 5 năm qua, thị trường vốn phát triển khá mạnh nhưng nguồn vốn huy động qua trái phiếu và chứng khoán mới chỉ chiếm 26%, còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng, trong đó hơn một nửa là cho vay ngắn hạn. Trong khi đó, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 700.000 tỉ đồng đến 1 triệu tỉ đồng vốn trung và dài hạn mỗi năm để đầu tư cho nền kinh tế. Vì vậy, tìm kênh dẫn vốn đang là vấn đề lớn phải giải quyết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

 

Bên cạnh việc thúc đẩy phát hành trái phiếu ra công chúng, một giải pháp nữa là phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư, nhằm tăng nguồn lực đầu tư vào thị trường trái phiếu. Việt Nam cần được xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và trong khu vực vì đã có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước. Còn với những thị trường không có xếp hạng tín nhiệm thì cần các quy định pháp luật chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, ngoài 3 nguồn huy động chính là tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và từ người mua nhà, các doanh nghiệp cần linh hoạt huy động vốn từ những kênh khác như phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, chào bán cổ phần ra công chúng/cổ đông hiện hữu, quỹ đầu tư, quỹ tín thác bất động sản (REIT), thuê tài chính... Hiện Việt Nam có 11 công ty cho thuê tài chính và dự báo kênh này sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới