Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán có đi lên?

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Bộ Tài Chính Thứ Ba | 19/07/2022 15:20

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài Chính. Ảnh chụp màn hình.

 
 
Thông thường kinh tế phục hồi tốt sẽ dẫn đến thị trường chứng khoán có một nhịp tăng trưởng tốt, liệu điều đó có xảy ra trong nửa cuối năm nay?

Trong sáu tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ với GDP quý II ước tính tăng 7,72%, đặc biệt, dù lạm phát trên thế giới tăng cao nhưng Việt Nam vẫn giữ được chỉ số CPI bình quân 6 tháng ở mức 2,44%. 

BTV Mùi Khánh Ly: Các dữ liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đang hết sức tích cực. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này? 

Với mức phục hồi như vậy chúng ta tăng trưởng cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và khu vực dịch vụ. Tổng cầu tiêu dùng đã tăng trở lại với góc độ giống như trước khi chúng ta vấp phải đại dịch và như vậy hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam để họ thật sự phục hồi. Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư cũng có một sự hồi phục. Yếu tố thứ ba, đó là chỉ nửa đầu năm 2022, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng tới 17% và thặng dư thương mại ở mức là trên 700 triệu USD. Rõ ràng với tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy là một tín hiệu rất tốt cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ở mức khoảng 6-6,5% hay thậm chí  còn tăng trưởng cao hơn. Một yếu tố nữa đó là lạm phát chúng ta vẫn kiềm chế ở mức 2,44% trong khi ở nước phát triển lạm phát đã lên tới mức 8-9 %. Rõ ràng chúng ta giữ được mức lạm phát như vậy, đó là một thành công. 

Ảnh chụp màn hình từ Talkshow Phố Tài Chính.
Ảnh chụp màn hình từ Talkshow Phố Tài Chính.

BTV Mùi Khánh Ly: Tuy nhiên, sức ép về lạm phát và thắt chặt tiền tệ trên thế giới đang gia tăng, trong khi ở Việt Nam mới trong giai đoạn phục hồi kinh tế và bị đứng giữa thế “gọng kìm” giữa bài toán tăng trưởng và lạm phát. Lời giải nào cho bài toán này, thưa ông?

Một nền kinh tế khổng lồ như của Mỹ năm 2021 họ tăng trưởng tới 4,6%, trong khi đó Việt Nam thì lại tăng trưởng đâu đó là có 2,38%. Như vậy là khi chúng ta bắt đầu tăng trưởng cao thì kinh tế toàn cầu lại đang đối mặt với vấn đề suy thoái. Giai đoạn 2020 - 2021 khi mà lạm phát toàn cầu khi đã lên tới trên 3% và ở Việt Nam lại có mức lạm phát thấp. Như vậy, chúng ta không chỉ lệch pha tăng trưởng mà chúng ta có lệch pha về lạm phát, lo ngại rất có thể nó sẽ xảy ra vào nửa cuối của năm 2022. 

Thứ nhất, liên quan đến vấn đề về nhập khẩu lạm phát khi mà giá nhiều nguyên vật liệu tăng lên tới hàng chục phần trăm, trong khi quy mô nhập khẩu của chúng ta vẫn ở mức cao. Yếu tố thứ hai, lạm phát do cầu kéo, phục hồi tiêu dùng rất có thể sẽ tạo ra lạm phát do cầu kéo. Thế giới họ bắt đầu tăng lãi suất so với đồng USD, hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều mất giá. Trong bối cảnh đó thì đồng tiền Việt Nam chúng ta trong nửa đầu năm 2022 không những không mất giá mà vẫn còn lên giá, khoảng 0,2 %. Như vậy, chúng ta đang đối mặt với áp lực phải điều chỉnh một bước nhất định, giảm giá  đồng tiền Việt Nam để đảm bảo giữ được lãi suất ít nhất là không tăng và hỗ trợ cho phục hồi phát triển kinh tế.

 

BTV Mùi Khánh Ly: Thường thì một nền kinh tế phục hồi tốt sau dịch sẽ dẫn đến thị trường chứng khoán cũng sẽ có một nhịp tăng trưởng tốt. Liệu điều đó có xảy ra vào nửa cuối năm nay không, thưa ông?

Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp, các công ty niêm yết của chúng ta đều có triển vọng tăng trưởng khá là tốt. Như vậy nói cách khác là hàng hóa trên thị trường sẽ có chất lượng hơn trong nửa cuối của năm 2022. Nhưng những yếu tố sẽ tác động ngược, ví dụ như là Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo về câu chuyện sẽ tăng lãi suất điều hành. Vấn đề thứ hai nữa có thể là nửa sau cuối của năm 2022 sẽ giữ tỉ  giá hối đoái đâu đó giảm giá từ 1-2%. Vấn đề thứ ba nữa và nếu trong nửa đầu của năm 2022 loạt những sai phạm trên thị trường chứng khoán đã bị cơ quan quản lý xử lý và sắp tới có thể có những xử lý tiếp theo. Như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động một cách bình thường của thị trường chứng khoán từ giờ đến cuối năm 2022, nhưng nó sẽ tạo ra những cơ sở rất tốt để thị trường chứng khoán có thể phục hồi và phát triển mạnh cho giai đoạn sau năm 2022, cũng như những  triển vọng về nâng hạng thị trường chứng khoán.

BTV Mùi Khánh Ly: Với bối cảnh 6 tháng cuối năm như vậy thì nhà đầu tư nên đi theo hướng nào?

Rất khó có thể khuyến nghị một nhà đầu tư chứng khoán thành công khi mà thị trường đang đi xuống rằng họ hãy đi đầu tư vàng, và tôi tin rằng rất có thể là khi họ quay sang đầu tư vàng thì họ sẽ thất bại thảm hại và mất toàn bộ lợi nhuận họ đã thu được từ thị trường chứng khoán. Như vậy, đầu tiên nó thuộc hoàn toàn vào sở trường của các nhà đầu tư. Liên quan tới vay để mua chứng khoán, vay để mua bất động sản chắc chắn là sẽ ngày càng khó. Khả năng sử dụng đòn bẩy ngày càng bị thu hẹp, ít nhất là trong bối cảnh từ giờ đến hết năm 2022. 

Ngoài ra, “cái giá” của đòn bẩy đang có xu hướng tăng lên. Ví dụ như hiện nay cho vay sản xuất kinh doanh đâu đó dao động khoảng tầm 11 – 12%/năm. Chắc chắn khi chúng ta vay để đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, nó sẽ không có mức giá như vậy, thậm chí phải chấp nhận những rủi ro lớn hơn thì các nhà đầu tư cũng nên đặc biệt lưu ý. 

Bài viết được thuật lại dựa trên chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài Chính tại Talkshow Phố Tài Chính.

Có thể bạn quan tâm 

Tiền tỉ phú dò đáy VN-Index


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới