Hủy
Tài Chính

Nhà đầu tư đang thận trọng với các nhịp tăng của thị trường chứng khoán

Kim Anh Thứ Sáu | 13/11/2020 11:45

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Khối lượng giao dịch ở phiên tăng điểm có phần suy giảm và thấp hơn mức trung bình 50 phiên gần nhất.
 

► Thanh khoản trên thị trường giảm dần, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng 

► Giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 

Sự thận trọng của nhà đầu tư

Kết thúc phiên giao dịch 12.11, chỉ số VN-Index và VN30 đóng tại mức cao nhất trong ngày, tương ứng 959,28 điểm và 923 điểm tăng 7,06 điểm và 6,32 điểm.

Nhóm cổ phiếu VN30 có đến 22 mã tăng và 3 mã tham chiếu, trong đó nhiều mã trụ cột đóng góp điểm số lớn cho thị trường chung như MWG, MBB, TCB, VIC, VCB, CTG, VRE, FPT, PNJ, REE, HPG, VHM...

 

Ở nhóm vốn hóa trung bình, cũng ghi nhận nhiều mã tăng vượt trội so với thị trường như DXG, GMD, VHC, VCI, DIG, PDR, KBC, HBC, PVT, DCM... giúp chỉ số VN70 tăng 0,99% mạnh hơn mặt bằng chung.

Theo ngành, nhóm cổ phiếu tài chính, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng và nhóm điện là các nhóm cổ phiếu có sự đồng thuận cao. Trong khi đà tăng của nhóm nông nghiệp, cảng và logictics đã chậm lại khi các cổ phiếu thành phần bắt đầu phân hóa.

Nhóm cổ phiếu dầu khí hầu hết đảo chiều giảm trước cung chốt lời khi đà tăng giá dầu chậm lại do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ ước tính nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2020 và cho rằng nhân tố vaccine chưa thể giúp tăng nhu cầu tiêu thụ dầu cho đến năm sau.

Tổng giá trị giao dịch trên HOSE về còn gần 6.000 tỉ đồng, do giảm mạnh ở kênh khớp lệnh lẫn thỏa thuận. Đà bán ròng của khối ngoại chậm lại trên sàn này với giá trị 134 tỉ đồng, chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu VN30 như HPG, VNM và SSI.

Như vậy, phiên giao dịch 12.11, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục sau 2 phiên gần như đi ngang. Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường lại sụt giảm về dưới mức trung bình 50 ngày gần nhất, trong đó sự sụt giảm diễn ra ở hầu hết nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research, diễn biến trên cho thấy nhà đầu vẫn còn thận trọng với các nhịp tăng của thị trường và cần thêm sự cải thiện về khối lượng giao dịch để củng cố đà tăng.

“Vùng giá mục tiêu tiếp theo trên chỉ số VN-Index là vùng kháng cự mạnh 990-1.000 điểm và vùng hỗ trợ gần nằm tại 940 điểm”, SSI Research nhận định.

Vốn hóa chứng khoán toàn cầu đạt mức kỷ lục

CNBC đưa tin, giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu tăng lên mức kỷ lục, đạt 95.000 tỉ USD trong tuần này với hy vọng vaccine.

Theo ông Torsten Slok, Kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, tổng giá trị của các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại là 95.000 tỉ USD cho đến hết ngày 11.11, tăng trở lại từ mức đáy tháng 3 sau khi bị sụt giảm mạnh bởi COVID-19.

Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu đạt mức cao kỷ lục. Nguồn: CNBC.
Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu đạt mức cao kỷ lục. Nguồn: CNBC.

Đợt tăng giá mới nhất của cổ phiếu lên mức cao mới được kích hoạt bởi tin tức rằng vaccine COVID-19 của Pfizer và BioNTech có hiệu quả hơn 90%, tốt hơn nhiều so với các chuyên gia y tế và thị trường đã mong đợi.

Ông Slok nói với CNBC: “Mặc dù triển vọng ngắn hạn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng thứ 2 của virus, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn được thúc đẩy bởi hy vọng vaccine cùng các chính sách của ngân hàng trung ương toàn cầu”.

 

Chứng khoán Mỹ đã dẫn đầu sự trở lại trong năm nay với chỉ số S&P 500 xóa sạch các khoản lỗ do COVID-19 gây ra vào giữa tháng 8. Chỉ số này đã đạt mức cao kỷ lục khác trong ngày là 3.645,99 điểm vào phiên 9.11 khi tin tức về vaccine hứa được công bố.

Tuy nhiên, động lực lớn nhất đằng sau sự phục hồi kéo dài 7 tháng là các biện pháp nới lỏng chưa từng có của các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng như chính sách kích thích tài chính của các chính phủ nhằm giúp các thị trường và nền kinh tế tương ứng của họ vượt qua cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm lãi suất xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Cục Dự trữ Liên bang đã khởi động một loạt chương trình bao gồm một cam kết mở để tiếp tục mua tài sản theo các biện pháp nới lỏng định lượng của mình. Việc “in tiền” của ngân hàng trung ương đã đẩy các nhà đầu tư ra khỏi trái phiếu có lợi suất thấp và chuyển sang cổ phiếu.

Trong khi đó, tại Mỹ, các nhà lập pháp đã thông qua thỏa thuận cứu trợ COVID-19 trị giá 2.000 tỉ USD vào tháng 3 nhằm cung cấp cho người Mỹ các khoản trợ cấp thất nghiệp và các biện pháp viện trợ khác.

Sau tin tức lớn về vaccine từ Pfizer, nhiều công ty lớn ở Phố Wall đã nâng cao triển vọng của họ đối với thị trường chứng khoán, đặt cược vào sự phục hồi kinh tế nhanh hơn và suôn sẻ hơn.

* Có thể bạn quan tâm 

► Thị trường trái phiếu doanh nghiệp “bớt vui” vì nghị định mới


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới