Hủy
Tài Chính

Qua thời tiền rẻ, tiền đắt nhập cuộc

Minh Đức Thứ Hai | 10/10/2022 08:16

Chính phủ đang nỗ lực giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, thậm chí nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ảnh: Quý Hòa

Áp lực mặt bằng lãi suất toàn cầu kích hoạt cuộc đua lãi suất cho vay khiến doanh nghiệp lo ngại bị đội chi phí sản xuất, kinh doanh.
 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các tỉnh phải rà soát số dư nợ tín dụng, nếu đúng doanh nghiệp trong nhóm được hỗ trợ lãi suất 2% mà không nhận hay vì lý do gì đều phải báo cáo cụ thể. Có thể thấy Ngân hàng Nhà nước “sốt ruột” khi đặt ra yêu cầu toàn ngành ngân hàng tiếp đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Đến hết tháng 8, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 10.700 tỉ đồng với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 9.820 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn than khó khăn trong tiếp cận vốn. Chẳng hạn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp ngành thủy sản là không được nhận khoản vay mới, khiến họ gặp khó trong kế hoạch thu mua nguyên liệu sản xuất. Việc này diễn ra trong bối cảnh chi phí sản xuất của doanh nghiệp thủy sản đã tăng nhiều lần so với trước đây. Cụ thể, thức ăn chăn nuôi tăng trên 20%, chi phí vận tải quốc tế ở mức khoảng 400 triệu đồng đối với mỗi container từ Việt Nam tới bờ Tây nước Mỹ.

 

Lãnh đạo một số ngân hàng nhìn nhận mức room tín dụng vừa được phân bổ thêm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ngoài câu chuyện room tín dụng hạn chế, không ít khách hàng doanh nghiệp phản ánh lãi suất cho vay đang tăng trở lại.
Trong đó, lãi suất cho vay bằng USD tăng là tất yếu trong bối cảnh đồng USD toàn cầu mạnh lên. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 4 lần tăng lãi suất với mức tăng tổng cộng 2,5 điểm phần trăm, nâng lãi suất hiện tại của Mỹ lên 2,25-2,5% và dự kiến tiếp tục tăng. Tại Liên minh châu Âu (EU), lạm phát lên tới 8,9% đã thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và mới đây tăng tiếp lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. Đà tăng này vẫn chưa dừng lại.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của FED và ECB sẽ khiến mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên; USD tăng giá so với hầu hết đồng tiền khác làm cho đồng nội tệ của các nước yếu đi so với USD. Tăng lãi suất điều hành sẽ giúp ổn định tỉ giá và làm giảm sức ép lên Ngân hàng Nhà nước trong việc phải can thiệp trên thị trường ngoại hối giúp tỉ giá duy trì ổn định.

Chính phủ đang nỗ lực giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, thậm chí nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa với một số lĩnh vực ưu tiên vẫn được giữ nguyên ở mức 4,5%/năm.
Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm vẫn còn khá lớn trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục nhích lên. Thậm chí, cuộc đua lãi suất cho vay cũng sẽ có sự nhập cuộc của khối ngân hàng thương mại nhà nước. “Mặt bằng lãi suất huy động đi lên khó tránh lãi suất cho vay sẽ tăng, thậm chí, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1-1,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nhận định.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong thời điểm khó khăn vẫn đang thách thức khả năng phục hồi sau 2 năm dịch bệnh. Đặc biệt, những doanh nghiệp vay bằng USD đang chịu áp lực tỉ giá, lãi suất cao khiến họ phải đối mặt với rủi ro kép là tăng chi phí lãi và lỗ tỉ giá khi đánh giá lại khoản vay.

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng khó có thể giữ được ổn định lãi suất cho vay khi lãi suất đầu vào tăng. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm không ngừng tăng kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành cuối tháng 9/2022. Tại một số ngân hàng, lãi suất tiền gửi đã gần 9%/năm.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022 và sang cả năm 2023 do dư địa tín dụng hạn hẹp, lãi suất huy động tăng, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỉ giá và kiềm chế lạm phát.

Việc tăng lãi suất cho vay được nhiều ngân hàng cân nhắc vì vừa đảm bảo đủ hấp dẫn người gửi tiền, nhưng cũng phải đủ cạnh tranh khi cho vay. Do đó, để có được mức lãi suất đầu vào bình quân thấp, nhiều ngân hàng đã cắt giảm chi phí, tăng cường số hóa, thu hút các khoản tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất thấp, từ đó có điều kiện ổn định lãi suất cho vay. “Chúng tôi sẽ cân đối không tăng bằng mức 1% của Ngân hàng Nhà nước, mà theo điều kiện thị trường để xem xét, nhằm tránh gây sốc cho thị trường cũng như tránh tác động tới đầu ra”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết. 

Ảnh: Quý Hòa
Lãnh đạo một số ngân hàng nhìn nhận mức room tín dụng vừa được phân bổ thêm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ảnh: Quý Hòa

Còn theo Tiến sĩ Thành, hiện vẫn còn dư địa để giữ ổn định lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động tăng. Đó là thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% (quy mô 40.000 tỉ đồng) khi gói này mới giải ngân chưa đáng kể, nhờ đó sẽ làm trung hòa tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều công cụ để khuyến khích ngân hàng thương mại giữ mặt bằng lãi suất cho vay, như công cụ room tín dụng. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới