Hủy
Tài Chính

Thị phần giảm, Big 4 càng lo tăng vốn

Minh Đức Thứ Hai | 04/01/2021 07:30

Ảnh: Quý Hoà

Vốn mỏng khiến tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước thấp hơn bình quân ngành.
 

Theo Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), 3 ngân hàng quốc doanh niêm yết gồm VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB) và BIDV (BID) hiện chiếm khoảng 34% thị phần tín dụng. Tuy nhiên, thị phần của các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 đang giảm dần trong những năm gần đây. Trong 2 năm tính đến cuối quý III/2020, thị phần tín dụng của nhóm này đã giảm 2,74%, trong đó VietinBank giảm 1,96%, BIDV giảm 0,7%, Vietcombank giảm 0,08%. Ngược lại, nhóm 4 ngân hàng tư nhân có vốn hóa lớn nhất là Techcombank (TCB), VPBank (VPB), MBBank (MBB) và ACB đã tăng thêm 1,58% thị phần.

“Mức trần tăng trưởng tín dụng hạn chế do nền tảng vốn mỏng khiến tăng trưởng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước thấp hơn bình quân ngành. Điều này xuất phát từ dư địa hạn chế trong việc pha loãng tỉ lệ sở hữu Nhà nước”, báo cáo VDSC giải thích.

Ước tính, với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, hệ số an toàn vốn (CAR) sẽ giảm từ 40-80 điểm cơ bản. Do đó, đối với các ngân hàng có hệ số CAR trên 11%, áp lực về vốn sẽ không quá lớn trong năm 2021 nếu nợ xấu tăng 1-2%. Tuy nhiên, đối với BIDV, VietinBank và Vietcombank, nhu cầu tăng vốn trong năm 2021 là khá rõ ràng. Ở chiều thuận lợi, theo phân tích của VDSC, việc tăng vốn cấp 1 sẽ giúp Vietcombank duy trì hệ số CAR trên 8% và tăng trưởng tài sản sinh lợi. Đồng thời, điều này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp trong giai đoạn 2021-2022.

Một nguyên nhân khiến Big 4 tăng trưởng chậm thời gian qua liên quan đến vấn đề tăng vốn. Thực tế, với vốn điều lệ của các ngân hàng quốc doanh hiện nay, hệ số an toàn vốn là khá nhỏ so với các ngân hàng thương mại cổ phần cũng như các ngân hàng trong khu vực. Vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ tăng 0,06% lên 155.248 tỉ đồng; trong khi vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần tăng 5,39% lên 300.046 tỉ đồng. Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, vốn điều lệ tại BIDV lớn nhất hệ thống, nhưng hệ số CAR mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel 2.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Agribank, cho biết, mặc dù tới đây sẽ được cấp bổ sung 3.500 tỉ đồng nhưng sau khi phân phối lợi nhuận của năm 2019, hệ số an toàn vốn chỉ còn 8,6% và nếu tính đúng theo Thông tư 41 thì chỉ còn 7%, thấp hơn mức quy định 9%. Như vậy, trong năm 2021, Agribank không thể tăng trưởng tín dụng mà còn phải giảm.

Đối với Vietcombank, hoạt động kinh doanh trong quý III chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. So với cùng kỳ năm 2019, thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cùng giảm 2%, lần lượt đạt 8.723 tỉ đồng và 1.257 tỉ đồng. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, việc giãn nợ theo Thông tư 01 phần nào có ảnh hưởng đến tỉ lệ nợ xấu tại Ngân hàng nhưng tác động không lớn. Khi Thông tư hết hiệu lực, cơ bản các doanh nghiệp sẽ có dòng tiền trả nợ đúng hạn. “Vì vậy, sang năm 2021, Vietcombank nhất quán là nợ xấu vẫn kiểm soát ở mức 1%”, ông Thành khẳng định.

 

Trong nhóm Big 4, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống với 40.220 tỉ đồng, tiếp đến là VietinBank (37.234 tỉ đồng), Vietcombank (37.088 tỉ đồng), Agribank (30.641 tỉ đồng). Bốn ngân hàng này với quy mô thị phần lớn (chiếm 40,87% tổng tài sản, 46,9% tổng dư nợ, 44% huy động vốn), góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá, kéo giảm lãi suất.

Việc thị phần giảm cho thấy áp lực đối với nhóm Big 4 ngày càng lớn. Một mặt, lợi nhuận bị sụt giảm vì hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mặt khác, Kho bạc Nhà nước rút mạnh tiền về, chưa kể rủi ro nợ xấu tăng. Như một hệ quả, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ tăng 0,06% trong 10 tháng đầu năm 2020, trong khi đó nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng mạnh 7,68%, các ngân hàng nước ngoài cũng tăng tới 10,26%.

 

Vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu không sớm được cấp vốn, 4 ngân hàng này sẽ khó làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ cho nền kinh tế. Do đó, Nghị định 121 mới được ban hành sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng quốc doanh phát hành riêng lẻ, được kỳ vọng giúp cải thiện nguồn vốn và triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Với Nghị định này, VietinBank, Vietcombank và BIDV có thể được phép giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Theo đó, Vietcombank có thể tăng thêm hơn 9.000 tỉ đồng, lên tối đa ở mức 46.176 tỉ đồng. BIDV cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỉ đồng  lên 46.432 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phần cổ đông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Trong khi đó, Agribank, ngân hàng 100% sở hữu của Nhà nước, chỉ có thể tăng vốn từ nguồn ngân sách.

“Nếu không tăng vốn kịp thời, khối ngân hàng có vốn nhà nước sẽ bị bỏ xa bởi khối ngân hàng thương mại cổ phần”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới