Hủy
Thế giới

Dịch vụ mai táng tại Mỹ có vốn hóa thị trường hàng chục tỉ USD

Hải Miên Thứ Sáu | 21/04/2023 11:07

Với khoảng 2,4 triệu đám tang diễn ra mỗi năm, thị trường tang lễ tại Mỹ ước tính trị giá khoảng 20 tỉ USD mỗi năm. Ảnh: Nick Little.

Thực chất ngành dịch vụ mai táng chưa có tiềm năng để tăng trưởng, khi mà trong số 18.800 nhà tang lễ, hơn 89% thuộc sở hữu của gia đình.
 

Có một thứ mà không ai có thể tránh khỏi đó là cái chết và tuy ít được nhắc đến nhất nhưng ai trong chúng ta rồi cũng sẽ thực hiện: thủ tục an táng.

Những điều cấm kỵ trong văn hóa, những cảm xúc khó tả và khó chịu nói chung khiến con người không mấy tò mò về những gì xảy ra với cơ thể mình sau khi mất đi. Cũng vì vậy, thị trường dịch vụ tang lễ là một bí ẩn đối với hầu hết mọi người. 

Quy mô thị trường

 

Với khoảng 2,4 triệu đám tang diễn ra mỗi năm, thị trường tang lễ tại Mỹ ước tính trị giá khoảng 20 tỉ USD mỗi năm. Đặc biệt là khi thế hệ baby boomer (sinh từ năm 1946 đến 1964) qua đi, con số đó sẽ tăng lên. Tính riêng năm 2022, một nửa số bang tại Mỹ chứng kiến số ca tử vong nhiều hơn số người được sinh ra.

Cũng vì vậy, công việc chăm sóc người đã mất đang dần khác đi đối với thế hệ trẻ. Dịch vụ mai táng ngày càng trở nên hiện đại hóa và bền vững hơn. Ông Ed Bixby, Chủ tịch Hội đồng Mai táng Xanh, là một trong những người ủng hộ phương pháp mai táng thân thiện với môi trường. Còn bà Katrina Spade, người sáng lập Công ty Recompose có trụ sở tại Seattle, đã đưa sáng kiến kinh doanh này tiến thêm một bước, với dịch vụ phân rã hữu cơ xác người.

Trong nhiều thế kỷ, các thành viên thường chôn cất người thân đã mất trên đất của gia đình hoặc trong nghĩa trang địa phương. Ngày nay, khoảng 50% người Mỹ chọn ướp xác, theo một bài báo của tờ New York Times vào năm 2019, và xu hướng này thật ra đã bắt đầu từ thời Nội chiến (1861-1865).

Thời điểm đó, hàng ngàn người lính tử trận cần được đưa về quê hương để chôn cất, nhưng mặt trận lại cách quá xa quê nhà, nên việc ướp xác là cần thiết để vận chuyển đường xa. Khi đó, ông Thomas Holmes, được biết đến là “cha đẻ” của kỹ thuật này, đã ướp hàng ngàn thi thể và ông thường truyền rượu, thay vì các hóa chất độc hại như thủy ngân và asen, vào động mạch để bảo quản xác được lâu hơn. 

Sau khi Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát, ông Holmes cũng là người ướp xác của vị Tổng thống và có đến hàng chục ngàn người Mỹ đã xếp hàng để được nhìn ông Lincoln lần cuối cũng như, từ đó, biết đến kỹ thuật này. 

Thực chất ngành dịch vụ mai táng chưa có tiềm năng để tăng trưởng, khi mà trong số 18.800 nhà tang lễ, hơn 89% thuộc sở hữu của gia đình. 

Theo ông Bixby, dịch vụ mai táng tại Mỹ đôi khi không chỉ liên quan đến việc giải quyết thi thể như thế nào, làm nghi thức ra sao mà còn phải giao tiếp, an ủi những người thân trong gia đình, giúp họ vượt qua nỗi đau cũng như đưa ra được các lựa chọn sáng suốt cho lễ tang.

Mai táng không hề rẻ

 

Chi phí cũng là một yếu tố rất lớn đối với người tiêu dùng. Có rất nhiều gói dịch vụ khác nhau, nhưng theo ông Bixby, chi phí cho một đám tang thông thường rơi vào khoảng 12.000 USD. Bà Spade cũng đã cho biết mức giá này chưa bao gồm những chi phí phát sinh nhưng giá của mảnh đất chôn cất, có thể lên đến hàng chục ngàn USD tại những khu thành thị đắt đỏ. Ngay cả những thủ tục chôn cất đơn giản nhất cũng có thể gây ra căng thẳng về tài chính. Một nghiên cứu gần đây ở Anh báo cáo rằng 43% người trưởng thành mắc nợ hoặc gặp khó khăn về tài chính để chi trả cho đám tang.

Với chi phí mai táng đắt đỏ, người Mỹ ngày càng ưa thích việc hỏa táng đơn giản, giá rẻ hơn hoặc thậm chí là phân rã hữu cơ thân thiện với môi trường.

Số liệu của Hiệp hội Mai táng Quốc gia Mỹ (NFDA) cho thấy chi phí chôn cất bình quân vào khoảng 6.971 USD, trong khi hỏa táng chỉ vào khoảng 2.300 USD. Những con số này chưa tính các chi phí đi kèm như các nghi lễ, giá nấm mồ, dịch vụ tư vấn... có thể lên đến hàng ngàn USD nữa.

Mong muốn trả ít tiền hơn một phần giải thích tại sao hỏa táng gần đây đã vượt qua ướp xác về mức độ phổ biến và đang trên đà trở thành lựa chọn của 4/5 người Mỹ vào năm 2040.

Bà Barbara Kemmis, Giám đốc Hiệp hội Hỏa táng Bắc Mỹ, cho biết: “Mặc dù lần hỏa táng đầu tiên diễn ra vào năm 1876, nhưng mãi đến năm 1972, tỉ lệ hỏa táng mới đạt 5% dân số Mỹ".

Theo bà Kemmis, việc đựng tro cốt của người mất vào bình sẽ giúp người thân có thể đem đi bất kỳ đâu họ muốn, như việc chuyển công việc từ bang này qua bang khác một cách thuận tiện mà không cần mất thời gian trở lại thăm dọn mồ mả.

Một số người lựa chọn hỏa táng vì lý do môi trường, mặc dù bà Spade cảnh báo rằng lượng khí thải carbon thông qua phương pháp này thường tương đương với việc với chôn cất thông thường. Theo một số ước tính, việc hỏa táng một cơ thể con người thành tro bụi sử dụng năng lượng tương đương với việc lái một chiếc ô tô 500 dặm.

Nhiều người Mỹ đang sống xanh hơn khi 54% người tiêu dùng cân nhắc việc chôn cất xanh, và 72% nghĩa trang ghi nhận nhu cầu đang cao hơn, theo một cuộc khảo sát từ nhóm dịch vụ tang lễ.

Có thể bạn quan tâm: 

Ngành hàng không Mỹ đối mặt với thiếu hụt phi công trầm trọng

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới